Dự án phát triển các dự án điện mặt trời được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai.
21/06/2017

 

Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời được ưu đãi về vốn đầu tư, thuế và đất đai.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh và Đoàn đại biểu của Tập đoàn Fujiwara chụp ảnh lưu niệm

Cụ thể, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển các dự án điện mặt trời được huy động vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời theo quy định của pháp luật hiện hành.

Dự án điện mặt trời được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất của dự án là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được.

Việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án điện mặt trời được thực hiện như đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế.

Về ưu đãi đất đai, Quyết định quy định các dự án điện mặt trời, công trình đường dây và trạm biến áp để đấu nối với lưới điện được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng cho dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư.

Căn cứ vào quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh tạo điều kiện thu xếp quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.

Quyết định nêu rõ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời có trách nhiệm lắp đặt các thiết bị điện mặt trời phải bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn về công trình theo các quy định hiện hành.

Việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đầu tư, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định liên quan khác.

Với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong hơn thập kỷ qua khiến nhu cầu về điện năng tăng thêm khoảng 15% mỗi năm theo ước tính của các chuyên gia năng lượng. Tuy nhiên hiện nay nguồn điện năng tại nước ta chủ yếu là nhiệt điện và thủy điện, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời hay điện gió có tiềm năng lớn.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 18 dự án năng lượng điện tái tạo (gồm: 14 dự án điện mặt trời, 3 dự án điện gió và 01 dự án kết hợp điện gió và điện mặt trời) do các nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký đầu tư. Trong đó, 14 dự án nằm ngoài Khu kinh tế Nhơn Hội và 04 dự án đăng ký đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội.

Trong 18 dự án đăng ký đầu tư, đã có 7 dự án đã được chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư (03 dự án nằm ngoài Khu kinh tế Nhơn Hội và 04 dự án đăng ký đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội).

Mới đây nhất, UBND tỉnh đã cấp chủ trương cho Dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định, là dự án 100% vốn nước ngoài do Công ty CP Fujiwara – Nhật Bản đầu tư tại khu vực sườn núi phía Tây núi Phương Mai, thuộc Khu kinh Nhơn Hội với diện tích 60 ha, vốn đầu tư 63,69 triệu USD, công suất 100 MW, thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký Đầu tư. Theo tiến độ đăng ký, Dự án sẽ được triển khai đầu tư từ Quý II/2017 và hoàn thành đi vào sản xuất và kinh doanh giai đoạn 1 (sản xuất điện mặt trời với quy mô công suất 64 MW) trong Quý I/2019, hoàn thành đi vào sản xuất và kinh doanh giai đoạn 2 (đầu tư bổ sung nhà máy sản xuất điện gió với quy mô công suất 36 MW) trong Quý I/2020.


NB