Bộ Nông nghiệp & PTNT đề nghị hạn chế mở rộng quy mô đàn lợn
12/03/2017

 

Bộ Nông nghiệp & PTNT vừa có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan phối hợp thực hiện chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi công nghiệp trên toàn quốc.

 

Trang trại nuôi heo Hùng Vương, Phù Cát

Theo đó, tổng đầu lợn có mặt thường xuyên hiện nay của Việt Nam đã trên 29 triệu con, đứng thứ tư trên thế giới; tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa so với kế hoạch định hướng là 25 triệu tấn vào năm 2020, với sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2016 đạt 23,5 triệu tấn (trong đó thức ăn thủy sản khoảng 3,0 triệu tấn) đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong các nước Asean và đứng thứ 10 trên thế giới và đây được xem là mức tăng trưởng nóng gây ra áp lực và những hệ lụy trong việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Do đó, nhằm giảm thiểu những áp lực tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, Bộ Nông nghiệp & PTNT vừa có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện các nội dung sau:
Với chăn nuôi lợn: Rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Hạn chế mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái, mà chuyển hướng nhanh sang thay đổi cơ cấu giống, khuyến khích phát triển các giống cao sản và giống đặc sản phục vụ các loại hình chăn nuôi lợn theo các phân khúc thị trường khác nhau. Đồng thời, đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ. Thực hiện quy hoạch và chỉ đạo quyết liệt vấn đề giết mổ tập trung, công nghiệp và khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị ngành hàng thịt lợn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi: Hạn chế đầu tư mở rộng thêm các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm. Đồng thời, khuyến khích phát triển lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong nước thay thế nhập khẩu, nhất là việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh và xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc ăn cỏ; các nhà máy chế biến bột thịt xương, bột máu, bột cá, bột đầu tôm, bột khoáng… vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa tận dụng khối lượng lớn nguồn hữu cơ hiện nay trong sản xuất.

Lê Anh