Gỡ nút thắt đầu tư vào hạ tầng
21/01/2009

 

Sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách liên quan đến các hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), xây dựng - chuyển giao (BT), nhằm thu hút hơn nữa các nhà đầu tư quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng.

 

Sẽ có những thay đổi lớn trong chính sách liên quan đến các hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), xây dựng - chuyển giao (BT), nhằm thu hút hơn nữa các nhà đầu tư quan tâm tới các dự án kết cấu hạ tầng. Đó là thông tin được ông Trương Văn Đoan, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại Hội nghị kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đô thị Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức giữa tuần này.

Một trong những nút thắt lớn nhất hiện nay đối với nhà đầu tư khi lựa chọn các hình thức đầu tư kể trên, là chi phí xây dựng dự án ban đầu rất lớn và độ rủi ro cao. Để tháo gỡ, nếu không được chấp nhận, các dự án này sẽ được thay đổi theo hướng: Chính phủ Việt Nam tiến hành lập dự án đầu tư xây dựng công trình của dự án thuộc diện phải đấu thầu.

Khi đó, cơ hội lựa chọn tham gia đầu tư cho các nhà đầu tư sẽ tăng lên, rủi ro giảm đi. “Mục tiêu của chính sách là đảm bảo cho nhà đầu tư thấy được cơ hội sinh lời và yên tâm đầu tư với những cam kết chắc chắn của Chính phủ trong việc thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng có vốn đầu tư cao, thời gian hoàn vốn lâu”, ông Đoan cho biết.

Cùng với những thay đổi về chính sách đầu tư, các chính sách liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính thuế đất... cũng sẽ được thay đổi, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để các nhà đầu tư có thể thực hiện dự án theo đúng tiến độ. “Giá đất hiện giờ thực tế chỉ là kết quả hiệp thương giữa địa phương và cơ quan tài chính, chứ không được xây dựng trên cơ sở tính toán khoa học.

Điều này ảnh hưởng đến chính sách đền bù giải phóng mặt bằng”, ông Vũ Ngọc Kích, chuyên gia Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết. Những thay đổi này hướng tới các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước trong những lĩnh vực đầu tư lâu nay vẫn trông chờ chủ yếu vào nguồn vốn ODA. Một danh mục 69 dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị, với tổng vốn đầu tư lên tới khoảng 12 tỷ USD, đã được đưa ra nhằm kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, sức hấp dẫn của các dự án này đối với các nhà đầu tư tư nhân không phải là cao. Trong danh mục nêu trên, không ít dự án đã có mặt trong danh sách kêu gọi đầu tư từ vài năm trước, như Dự án Công viên hồ điều hoà Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, Dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực Thị trấn Dĩ An và xã Bình Thắng (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Dự án đê kè vùng cửa sông Hàn (Đà Nẵng)..., mà chưa thực sự có sức hút đối với các nhà đầu tư.

Ngoài lý do các nhà đầu tư muốn lựa chọn các dự án sinh lời cao, thì cũng không thể không nhắc tới những rủi ro trong tính toán thời gian hoàn vốn của các dự án phục vụ dân sinh của các nhà đầu tư. Trên thực tế, nguồn vốn đầu tư tư nhân, kể cả trong nước và nước ngoài, trong lĩnh vực hạ tầng đô thị còn khá khiêm tốn, tập trung chủ yếu vào một số dự án quy mô nhỏ trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp thoát nước...

Phần lớn các dự án hạ tầng quy mô lớn đều được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn ODA. Ngay trong danh sách kêu gọi đầu tư được đưa ra tại Hội nghị kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng đô thị Việt Nam này, có tới 17 dự án trong nhóm kêu gọi nguồn vốn ODA.

Thực tế này đang đối mặt với những thay đổi lớn từ phía các nhà tài trợ cung cấp ODA. Ông Dean A.Cira, điều phối viên Ban đô thị (Chương trình Phát triển bền vững tại Việt Nam - EASVS) cũng đã khuyến cáo về việc chuyển hình thức hỗ trợ ODA sang IDA (vay với lãi suất ưu đãi) và tới đây là IDRD (khoản vay theo lãi suất thương mại).

“Việt Nam cần có những thay đổi chính sách để thu hút hơn nữa các nguồn vốn đầu tư khác, cũng như nâng cao hiệu quả của dự án để đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng vốn vay. Hiện tại, Ngân hàng Thế giới cũng đang triển khai những khoản vay kết hợp cho một số dự án vệ sinh môi trường tại một số đô thị của Việt Nam”, ông Dean cho biết.

Chính sự kết hợp các khoản vay này, theo ông Dean, tạo nên sức cạnh tranh và hiệu quả cho chính các dự án. Tất nhiên, kèm theo những thay đổi về cơ chế thu hút đầu tư, ông Dean cũng nhắc tới những thay đổi tương ứng trong chính sách, cơ chế quản lý tài chính của các địaphương đối với các dự án này. Đây cũng là một nút thắt khiến sự hấp dẫn của các dự án hạ tầng đô thị không cao trong con mắt các nhà đầu tư tư nhân.

Nguồn: Báo Đầu tư