FDI vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong tổng thể kinh tế tỉnh Bình Định
13/01/2017

 

Ngày nay, trong các thành tựu về lĩnh vực kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò quan trọng, trở thành một trong những động lực tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bền vững của tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung.

 

Quy mô FDI vào tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2016

Tình hình thu hút FDI của tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2016

Qua biểu đồ tình hình thu hút FDI của tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 – 2016 có thể thấy, Bình Định đã thu hút đáng kể số lượng các dự án FDI khi có tổng số 42 dự án mới với tổng vốn đăng ký 282,49 triệu USD. Như vậy, đối với một địa phương như Bình Định, việc thu hút được số lượng các dự án FDI như trên là điều đáng khích lệ, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung một số chính sách khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa liên thông”  trong công thu hút các dự án FDI vào Bình Định.

Tình hình thu hút FDI của tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2016 phân theo đối tác đầu tư

Trong số 17 đối tác đầu tư đã đầu tư vào Bình Định trong giai đoạn 2011-2016, thì Thái Lan đã và đang trở thành đối tác quan trọng của Bình Định cả về số lượng dự án và vốn đăng ký, với 06 dự án và 54,198 triệu USD vốn đăng ký, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến lâm sản, may mặc, tư vấn...

Bên cạnh đó nhà đầu tư Hồng Kông cũng đóng góp phần quan trọng trong số các nhà đầu tư có dự án tại tỉnh; cụ thể có 05 dự án có vốn đầu tư Hồng Kông với tổng vốn 35,315 triệu USD; Singapore với 06 dự án đầu tư và 21,7 triệu USD. Đặc biệt, sự có mặt của 01 nhà đầu tư từ Israel là Công ty Delta Galil Industries Ltd. chuyên sản xuất và phân phối toàn cầu các sản phẩm may mặc đầu tư nhà máy tại tỉnh có công nghệ và thiết bị hiện đại với vốn đăng ký đầu tư 13 triệu USD được tin tưởng là sẽ mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may của tỉnh trong việc nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm xuất khẩu.

Tình hình thu hút FDI của tỉnh Bình Định giai đoạn 2011 - 2016 phân theo địa bàn

Thành phố Quy Nhơn với 20 dự án với tổng vốn đăng ký 113,539 triệu USD là địa bàn dẫn đầu trong việc thu hút FDI trong thời gian qua, các dự án tập trung tại Khu kinh tế Nhơn Hội, KCN Long Mỹ và KCN Phú Tài thuộc thành phố Quy Nhơn. Riêng An Nhơn là huyện thu hút nhiều dự án nhất với tổng số 9 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 97,41 triệu USD tập trung tại KCN Nhơn Hòa.

Huyện Tây Sơn thời gian qua có 02 dự án với tổng vốn 13,85 triệu USD và các huyện miền núi Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh không có dự án FDI. Huyện Hoài Ân cũng chưa thu hút được dự án FDI nào được thu hút trong giai đoạn này.

Kì vọng tăng trưởng FDI trong thời gian đến

Xác định FDI vẫn là một yếu tố không thể thiếu trong tổng thể kinh tế tỉnh Bình Định, nhiều biện pháp nhằm tăng cường thu hút các dự án FDI sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội mà hội nhập mang lại cũng như nâng cao hiệu quả thu hút FDI, tỉnh mong muốn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng cần có chiến lược phát triển hợp lý, phát huy được lợi thế cạnh tranh để có thể đáp ứng được nhu cầu và khả năng hợp tác của các doanh nghiệp FDI cũng như độc lập, đứng vững trên thị trường trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Bên cạnh đó, Bình Định xác định các doanh nghiệp Nhật Bản là đối tác mục tiêu, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư tại thị trường Nhật Bản, trong đó tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ phù hợp với từng lĩnh vực, từng địa bàn; Đồng thời, chú ý thu hút và chăm sóc những nhà đầu tư lớn, có sử dụng công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Tỉnh cũng sẽ tập trung định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, khoa học công nghệ chuyển dần sang những ngành có giá trị tăng cao như công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp sản xuất, phát triển hạ tầng và thị trường tài chính; Giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục không cần thiết, rút ngắn thời gian cấp phép, giúp doanh nghiệp triển khai dự án nhanh chóng. Cam kết mạnh mẽ không xúc tiến đầu tư hình thức kiểu phong trào mà phải thực sự xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thực sự và đa dạng, phong phú như: Thông qua các chuyến viếng thăm của các tham tán, các đại sứ, các đợt tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế.

Mặc khác, tỉnh tập trung kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các doanh nghiệp FDI làm gây ô nhiễm môi trường, cố tình sử dụng những công nghệ lạc hậu, bắt tay với nhau để làm giá, chuyển giá,... để góp phần thúc đẩy tăng trưởng nguồn vốn FDI vào tỉnh.

 

Lê Anh