Bình Định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may đến năm 2025, định hướng đến năm 2035
27/12/2016

 

Ngày 20/12/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 4684/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với mục tiêu đưa ngành may mặc trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, theo hướng hiện đại, chuyên môn hóa; từng bước chuyển từ gia công sang sản xuất chuỗi sản phẩm, trên cơ sở công nghệ phù hợp đến hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản lý bảo vệ môi trường theo các chuẩn mực quốc tế.

 

Công ty TNHH May Mặc Able Việt Nam tại Bình Định thu hút lượng lao động lớn trong tỉnh

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020: Phấn đấu mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành dệt may toàn tỉnh đạt khoảng 17,8%/năm trong giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp dệt may toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 3.950 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với giá trị đạt của năm 2015 (theo giá so sánh 2010). Tổng kim ngạch xuất khẩu 05 năm (2016-2020) dự kiến sẽ đạt khoảng 495 triệu USD. Trên cơ sở đó, ngành dệt may của tỉnh sẽ thu hút và tạo việc làm cho khoảng 18.800 lao động, tăng thêm khoảng 4.800 lao động so với năm 2015.

 Giai đoạn 2021 - 2025: Phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 13-14%/năm trong giai đoạn 2021-2025. Đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp của cả ngành dệt may sẽ đạt từ 7.400-7.800 tỷ đồng (giá so sánh 2010). Tổng giá trị xuất khẩu đạt khoảng 780 triệu USD (gấp 1,6 lần giai đoạn 2016-2020) và tạo việc làm cho 22.000-23.000 lao động (tăng thêm 3.800-3.900 lao động so với năm 2020).

Giai đoạn 2026-2030: Dự báo mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp bình quân đạt 9-10%/năm, đưa giá trị công nghiệp của ngành đạt khoảng 12.000 tỷ đồng và thu hút khoảng 23.500-25.000 lao động. 

Sản phẩm dệt may chủ yếu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2026-2035 sẽ là: quần, áo jacket; quần áo trẻ em; veston nam, nữ; sơmi; váy, đầm; quần áo đồng phục; bảo hộ lao động…
.
Nhìn chung, để sản xuất ra sản phẩm dệt may có chất lượng, có độ ổn định và hiệu quả kinh tế thì phần lớn các thiết bị, đều đòi hỏi tính đồng bộ và tự động hóa cao trên toàn bộ dây chuyền sản xuất. Do đó, các doanh nghiệp ngành dệt may đều lựa chọn hướng nhập khẩu hệ thống dây chuyền sản xuất, máy móc tại các quốc gia có ngành cơ khí phát triển và có truyền thống về chế tạo thiết bị như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành dệt may trên địa bàn tỉnh Bình Định cần khuyến khích đầu tư và sử dụng thiết bị sản xuất bằng công nghệ hiện đại, tiên tiến, thiết bị mới hợp lý do các nhà sản xuất uy tín trên thế giới cung cấp.

Tỉnh Bình Định quy hoạch ngành công nghiệp Dệt May theo hướng tập trung sản xuất sản phẩm hình thành khách quan, tập trung và phát triển chủ yếu ở các địa phương: Hoài Nhơn, An Nhơn, Phù Cát và thành phố Quy Nhơn. Thống kê cho thấy, 04 địa phương này chiếm tới 82,4% số cơ sở sản xuất; 86,2% số lao động và gần 90% năng lực sản xuất của toàn ngành dệt may tỉnh Bình Định.


Khánh thành Nhà máy may Delta Galil Việt Nam tại Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định


Dự kiến ngành công nghiệp dệt may của Bình Định được định hướng phát triển theo hướng vừa tập trung vào một số khu vực trọng điểm, vừa phân tán, cân đối, phân bố tương đối đồng đều theo không gian lãnh thổ gồm: Khu vực I (Dọc Quốc lộ 19 và thành phố Quy Nhơn); Khu vực II (Đồng bằng ven biển và dọc Quốc lộ 1A); Khu vực III (Trung du và miền núi).


Thiện Anh