Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh
29/12/2008

 

Từ năm 2005, kể từ khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) khảo sát xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bình Định luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, nhưng sang năm thứ 4 (2008) Bình Định đã bị tụt hạng khá nhiều. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở KH-ĐT tỉnh, ảnh), xung quanh vấn đề này.

* Ông đánh giá như thế nào về kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 (PCI 2008) của Bình Định?

 

Từ năm 2005, kể từ khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) khảo sát xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Bình Định luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, nhưng sang năm thứ 4 (2008) Bình Định đã bị tụt hạng khá nhiều. PV Báo Bình Định đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Hải, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư (Sở KH-ĐT tỉnh, ảnh), xung quanh vấn đề này.

* Ông đánh giá như thế nào về kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2008 (PCI 2008) của Bình Định?

- Năm nay Bình Định tụt xuống thứ 11 trong bảng xếp hạng PCI và chỉ được xếp loại “tốt”, không còn trong nhóm “rất tốt” nữa. Năm 2007, nhóm rất tốt gồm Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long và Bình Định. Năm nay nhóm rất tốt gồm Đà Nẵng, Bình Dương và Vĩnh Phúc. Vĩnh Long và Bình Định rơi xuống nhóm tốt gồm 10 tỉnh. Đó là về thứ hạng, còn về điểm số thì năm nay Bình Định chỉ đạt 60,67 điểm, thấp hơn rất nhiều so với điểm số của năm 2007 là 69,46. Bình Định cùng với Bắc Kạn và Thái Nguyên là 3 tỉnh thụt lùi nhiều nhất về điểm số PCI.

Đánh giá về môi trường kinh doanh của cả nước thông qua chỉ số PCI, báo cáo của VCCI và VNCI cho rằng chỉ số chung năm nay sụt giảm. Điểm số PCI 2008 ở tất cả các nhóm xếp hạng nhìn chung thấp hơn so với năm trước. Ngay cả Đà Nẵng tuy vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng PCI nhưng điểm số cũng giảm, cho thấy chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền thành phố này đã không được cải thiện trong năm qua. Còn Bình Dương thì dù vẫn đứng trong nhóm rất tốt nhưng chỉ số đã giảm so với năm trước đến 5,44 điểm, chứng tỏ môi trường kinh doanh không phải lúc nào cũng tích cực. Trong bối cảnh chung như vậy, việc Bình Định sụt giảm gần 9 điểm là điều không thể không băn khoăn. Có thể nói đây là một bất ngờ không vui đối với chúng ta.

* Bình Định đã tụt 7 bậc trong bảng xếp hạng, theo ông đâu là nguyên nhân?

- Tình hình chung của khá nhiều tỉnh là chưa quan tâm đúng mức đến phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) và đào tạo lao động (ĐTLĐ) để có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (DN), trong khi đó, đây lại là 2 trong 4 chỉ số có trọng số cao nhất nên tác động của chúng đến chỉ số chung khá lớn. Bình Định không phải là ngoại lệ khi cả 2 chỉ số chính sách phát triển KTTN và ĐTLĐ đều sụt giảm và mức sụt giảm khá lớn. Điểm chỉ số chính sách phát triển KTTN giảm từ 7,92 xuống còn 4,53 và điểm chỉ số ĐTLĐ giảm từ 6,24 xuống còn 5,14. Ngoài ra, điểm chỉ số thiết chế pháp lý (TCPL) cũng giảm từ 4,47 xuống còn 3,39 và tiếp tục ở dưới khá xa điểm trung bình.

Nguyên nhân đầu tiên của sự sụt giảm này là sự không hài lòng của DN đối với những vấn đề thiết thân của họ. Rõ ràng là so với đòi hỏi ngày càng cao của DN thì việc đáp ứng của chính quyền ngày càng khó khăn hơn. Còn một nguyên nhân nữa do điều kiện khách quan, đó là trong khi ta chững lại thì các địa phương khác phấn đấu mạnh mẽ để tự cải thiện. PCI đã thực sự là một cuộc đua và không tỉnh nào chịu đứng yên cả.

* Ông có thể phân tích cụ thể hơn?

- Trước hết cần phân tích sâu các chỉ số thấp điểm và sụt giảm để lý giải rõ hơn nguyên nhân và tìm cách khắc phục. Hãy bắt đầu từ chỉ số chính sách phát triển KTTN, chỉ số có mức sụt giảm điểm nhiều nhất: 3,39 điểm (từ 7,92 xuống 4,53). Năm 2007 chúng ta xếp thứ 4, chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Bình Dương, còn năm nay chúng ta xuống thứ 13. Mặc dù đây là chỉ số cả nước đều giảm và giảm khá mạnh, song điểm số và thứ hạng của Bình Định cần phải suy nghĩ. Có thể DN mong đợi nhiều hơn ở chất lượng dịch vụ công của tỉnh trong cung cấp thông tin thị trường; hỗ trợ tìm kiếm đối tác; xúc tiến thương mại; phát triển các khu, cụm công nghiệp… Khi xây dựng các khu, cụm công nghiệp, việc chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng khiến các DN có nhu cầu về đất phải chờ đợi khá lâu nên không khỏi thấy phiền lòng.

Thời gian gần đây, vấn đề lao động có kỹ năng ngày càng được các DN quan tâm vì nó quyết định hiệu quả và tính bền vững của sản xuất, trong khi đó Nhà nước chưa đáp ứng tốt nhu cầu này. Chính độ vênh giữa nhu cầu của DN và khả năng đáp ứng của Nhà nước đã dẫn đến sự không hài lòng của DN nên họ cho điểm thấp đối với chỉ số này. Tôi cho rằng đánh giá này có tính xây dựng và đáng quý bởi nó giúp các nhà lãnh đạo quan tâm hơn đến việc đầu tư các cơ sở đào tạo nghề nói riêng, đến công tác xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung. Hiện nay, cơ sở đào tạo nghề tại tỉnh ta không nhiều, phía bắc tỉnh khá đông dân nhưng chưa có trường cao đẳng, trung cấp hay trường nghề nào.

Có một yếu tố khiến điểm chỉ số ĐTLĐ thấp là hỗ trợ kinh phí đào tạo của tỉnh chưa đến được với DN. Từ nhiều năm qua, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư trong đó có hỗ trợ đào tạo nghề với mức tối thiểu 50% kinh phí đào tạo nghề phổ thông cho các DN để đào tạo công nhân kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Song thực tế đến nay không nhiều DN được hưởng hỗ trợ này do thiếu hướng dẫn triển khai cụ thể.

Một chỉ số nữa mà mấy năm qua tỉnh ta luôn thấp điểm và năm nay lại giảm thêm, đó là TCPL. Đây là chỉ số đo lường lòng tin của DN đối với hệ thống tòa án, tư pháp của tỉnh trong giải quyết tranh chấp và khiếu nại các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền. Theo bảng tổng hợp PCI, Bình Định chỉ đạt 3,39 điểm, xếp thứ 54/64 tỉnh. Theo tôi, việc DN đánh giá thấp về TCPL của tỉnh không loại trừ yếu tố tâm lý vùng miền. Người miền Trung chúng ta có vẻ e ngại không muốn quan hệ với các cơ quan pháp luật, mà thường tự xoay xở khi có tranh chấp, vướng mắc. Chính nghi ngại đó đã dẫn đến đánh giá thấp các cơ quan pháp luật.

* Vậy cần làm gì để cải thiện thứ hạng PCI của tỉnh, thưa ông?

- Như trên đã phân tích, muốn cải thiện chỉ số PCI trước hết phải nhìn nhận được hạn chế để từng bước khắc phục. Điều này đòi hỏi phải có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất của tỉnh, sự đồng thuận của nhiều cấp nhiều ngành và các địa phương trong tỉnh. Một số tỉnh vừa qua đã nêu quyết tâm chính trị và biến quyết tâm thành hiện thực nên đã cải thiện khá tốt điểm số cũng như thứ hạng PCI của mình. Có thể nêu ra ở đây một số ví dụ: Tỉnh ủy Hà Tây, Tỉnh ủy Khánh Hòa ra Nghị quyết và Chỉ thị sau khi bị tụt hạng; UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và UBND tỉnh Bình Phước ban hành kế hoạch, chương trình hành động nhằm nâng cao PCI…. và đã có chuyển biến rõ nét.

Có địa phương còn “rỉ tai” DN hãy nói tốt cho tỉnh nhà nhằm có được điểm số và thứ hạng cao. Theo suy nghĩ của tôi, không nên vận động các DN tô hồng mà trái lại ta cần ở họ lời nói thẳng, nói thật nhằm giúp các nhà lãnh đạo “bắt đúng mạch để chữa khỏi bệnh”. Nếu có quyết tâm chính trị và khắc phục nhược điểm của mình thì PCI của Bình Định sẽ được cải thiện.

* Xin cảm ơn ông!

 
Nguồn: Bình Định Điện tử