Đầu tư vào Bình Định - một năm nhìn lại
23/12/2008

 

Theo Sở KH-ĐT, trong năm 2008 tỉnh ta đã cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho 68 dự án đầu tư trong nước (ĐTTN) với tổng vốn đăng ký 11.331 tỉ đồng và 5 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 48,7 triệu USD. Có thể nói năm 2008 là một năm khá thành công trong thu hút đầu tư của tỉnh ta.

 

Theo Sở KH-ĐT, trong năm 2008 tỉnh ta đã cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho 68 dự án đầu tư trong nước (ĐTTN) với tổng vốn đăng ký 11.331 tỉ đồng và 5 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký 48,7 triệu USD. Có thể nói năm 2008 là một năm khá thành công trong thu hút đầu tư của tỉnh ta.

* ĐTTN nhiều hơn đầu tư nước ngoài

Năm 2008 là năm thu hút đầu tư cao nhất từ trước đến nay của tỉnh ta. Đạt được như vậy là do Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới cùng những văn bản dưới luật với những quy định thông thoáng đã tháo gỡ nhiều vướng mắc đối với nhà đầu tư. Mặt khác, tỉnh ta đã thực hiện khá tốt việc cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư được đơn giản hóa và rút ngắn thời hạn giải quyết; đồng thời công tác quảng bá xúc tiến đầu tư từ nhiều năm qua đã phát huy tác dụng, ngày càng nhiều nhà đầu tư biết rõ hơn các cơ hội đầu tư tại Bình Định.

Đặc điểm của Bình Định là thu hút ĐTTN cao hơn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Hiện nay, so với ĐTNN thì ĐTTN tại tỉnh ta gấp 5,25 lần về số dự án và 3,15 lần về vốn đăng ký và nhiều dự án có quy mô không nhỏ; như các dự án Khu phi thuế quan và khu công nghiệp gắn với cảng nước sâu của Công ty CP XD-TM-DV Khang Thông (4.010 tỉ đồng); dự án xây dựng và kinh doanh Cảng Quốc tế Gemadept Nhơn Hội và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng Quốc tế Gemadept Nhơn Hội (3.704 tỉ đồng); dự án nhà máy bột giấy của Công ty CP Giấy Sài Gòn-Bình Định (1.900 tỉ đồng), các dự án Nhà máy Thủy điện Vĩnh Sơn II và III của Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh (1.785 tỉ đồng); Thủy điện Vĩnh Sơn IV, V và Nước Lương của Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn (1.307 tỉ đồng). Ngoài ra còn có nhiều dự án có quy mô từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng, đáng kể là các dự án đầu tư hạ tầng trong Khu kinh tế Nhơn Hội (KKTNH).

So với năm 2007, trong năm 2008 ĐTTN tăng cả về số dự án (68 so với 60) và vốn đăng ký (11.331 tỉ đồng so với 7.878 tiû đồng). Trong khi đó đầu tư nước ngoài ít hơn cả về số dự án lẫn vốn đăng ký (năm 2007 có 10 dự án với tổng vốn đăng ký 65,4 triệu USD. Tương ứng năm 2008: 5 dự án, 48,7 triệu USD). Việc thu hút mạnh vốn ĐTTN cho thấy chủ trương của tỉnh coi trọng cả ĐTNN và ĐTTN là hoàn toàn đúng đắn. Thực tế diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước đã chứng tỏ nhiều nhà ĐTTN hoàn toàn có đủ năng lực, kinh nghiệm và uy tín triển khai nhiều dự án quan trọng, có quy mô lớn.

Đồng thời cũng phải thấy rằng không phải Bình Định không có tiềm năng và điều kiện cho các dự án khổng lồ từ nước ngoài, mà do lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chuyên môn của tỉnh ngay từ đầu đã hết sức coi trọng thực chất, không chạy theo các dự án lớn mà tính khả thi còn đang phải phân vân. Tuy vậy, trong thời gian tới tỉnh vẫn phải tăng cường thu hút ĐTNN vì không thể phủ nhận ưu thế về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và tính toàn cầu hóa cũng như đẳng cấp quốc tế của khu vực này.

* Một số hạn chế

Tuy có khá nhiều dự án nhưng cơ cấu, chất lượng của các dự án này còn có những băn khoăn: hầu hết các dự án ĐTTN thuộc lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, chiếm 82,7% về số lượng và 94,9% về vốn đăng ký. Lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp và thủy sản) có rất ít dự án, chỉ chiếm 2,4% về số dự án và 0,5% về vốn đăng ký. Tình hình chung của cả nước là lĩnh vực nông nghiệp thu hút đầu tư rất hạn chế, nhưng ở Bình Định là quá ít so với các địa phương khác và so với tiềm năng đang có.

Cho đến nay, Bình Định chưa có dự án FDI quy mô lớn có tác động tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế hay thúc đẩy các ngành nghề khác phát triển. Năm 2008 khu vực có vốn FDI đạt giá trị sản xuất công nghiệp đạt 100 tỉ đồng, tăng 23,3% so với năm 2007, nhưng tỷ trọng còn quá nhỏ (chỉ chiếm 1,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả tỉnh); kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 13 triệu USD (bằng 3,42% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh), tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động (bao gồm cả lao động thời vụ).

Qua quá trình đăng ký và triển khai các dự án đầu tư tại Bình Định thấy có một số khó khăn, vướng mắc trong đó việc thiếu sẵn sàng về quy hoạch là vướng mắc lớn nhất. Do chưa có đủ các quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, nên nhiều nhà đầu tư đăng ký đầu tư nhưng cơ quan quản lý rất lúng túng trong tham mưu đề xuất chấp thuận chủ trương, giá đất, phương thức giao đất, cho thuê đất... Gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và các chủ dự án đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch nhưng kết quả còn rất hạn chế, chưa được như mong muốn.

Theo Sở KH-ĐT, trong một vài năm tới, các nhà đầu tư sẽ chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng tài chính toàn cầu, mặc dù chi phí đầu vào (nguyên, nhiên vật liệu) của đầu tư và sản xuất có giảm nhưng đầu ra gặp khó khăn lớn do giảm phát, thị trường bất động sản và du lịch gặp nhiều bất lợi. Vì vậy, chắc chắn thu hút đầu tư vào tỉnh sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đa số các dự án đầu tư đều trong quá trình triển khai nên có thể chậm tiến độ chứ chưa chịu ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh. Do đó, cả nhà đầu tư và các cơ quan quản lý cần phối hợp tìm biện pháp tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ kịp thời, thiết thực để các dự án triển khai được thuận lợi.

* Triển vọng mới

Năm 2009, trong khi các dự án dịch vụ vẫn còn trong quá trình triển khai thì một số dự án công nghiệp sẽ đi vào hoạt động, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đó là 3 nhà máy sản xuất xỉ titan của Công ty CP Khoáng sản Bình Định, Công ty CP Khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn và Công ty CP Khoáng sản Biotan. Đây là các dự án có quy mô khá lớn, từ 74 đến 221 tỉ đồng với công suất từ 12.000 đến 60.000 tấn xỉ titan/năm, chưa kể các sản phẩm đi kèm. Bên cạnh đó, các dự án nâng công suất của Công ty CP Bia Sài Gòn-Quy Nhơn, Công ty CP Đường, cùng một số doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu...  sắp hoàn thành, chắc chắn sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển công nghiệp của tỉnh.

Trong năm 2009, KKTNH sẽ có các dự án do Công ty TNHH Hong Yeung Việt Nam kêu gọi vào KCN B Nhơn Hội được cấp phép, đó là dự án Nhà máy chế biến tinh bột biến tính của Tập đoàn Nông Khẩn (Quảng Tây), dự án Nhà máy chế biến hạt điều của Tập đoàn Khang Dương (Quảng Đông), dự án Nhà máy chế biến thủy sản của Công ty TNHH Dự An (Hồng Kông), đồng thời Dự án điện tử của Công ty ABESTECH (Thâm Quyến) tại Khu công nghiệp B cũng sẽ được tích cực xúc tiến. Khi các nhà đầu tư đăng ký và triển khai các dự án này, chúng ta sẽ có thêm gần 100 triệu USD vốn FDI nữa.

Tại Khu công nghiệp A và Khu công nghiệp C trong KKTNH, có thể phải đến giữa hoặc cuối năm 2009 mới có nhà đầu tư vào vì tiến độ xây dựng hạ tầng chưa được như mong muốn. Khi giai đoạn 1 của Khu công nghiệp A sẵn sàng chắc chắn sẽ có các nhà đầu tư Đài Loan, Nhật Bản do Tập đoàn Saigon Invest xúc tiến mời gọi vào triển khai dự án.

Đối với các khu công nghiệp trong tỉnh, muốn thu hút mạnh đầu tư thì phải đẩy nhanh việc hoàn chỉnh hạ tầng các khu công nghiệp Nhơn Hòa, Hòa Hội, Long Mỹ (mở rộng) vì các khu Phú Tài, Long Mỹ hiện nay không còn đất nữa.

Từ 2010 trở đi khi hạ tầng KKTNH thật sự sẵn sàng và công tác quy hoạch được tiến hành đồng bộ thì chắc chắn chúng ta sẽ có thêm nhiều dự án FDI và dự án ĐTTN  thuộc những ngành nghề mũi nhọn, có tính động lực thúc đẩy nhiều ngành khác và góp phần tích cực vào phát triển KTXH.

* Ông Lê Văn Tâm, Giám đốc Sở KH-ĐT: Vấn đề quan trọng nhất đối với dự án là giải ngân. Vừa qua, chúng ta thu hút được nhiều dự án với số vốn đăng ký khá lớn. Đây là điều đáng mừng, chứng tỏ chúng ta có tiềm năng và môi trường đầu tư thuận lợi. Tuy nhiên, điều chúng ta mong muốn là các dự án phải khả thi và thực chất, không chạy theo con số. Tiến độ một số dự án chậm cho thấy còn những vướng mắc trong quá trình triển khai sau đăng ký mà cơ quan quản lý nhà nước phải quan tâm tháo gỡ. Về phía nhà đầu tư, việc quan trọng nhất là giải ngân và đảm bảo tiến độ cam kết, điều đó chứng minh năng lực và thiện chí của họ đối với Bình Định.

* Tính đến nay, toàn tỉnh có 200 dự án được cấp GCNĐT gồm 168 dự án ĐTTN với tổng vốn đăng ký 20.647 tỉ đồng và 32 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 409,6 triệu USD. Trong đó, KKTNH có 20 dự án (11.172 tỉ đồng và 314 triệu USD), các khu công nghiệp có 49 dự án (1.289 tỉ đồng và 8,8 triệu USD), còn lại địa bàn ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp có 131 dự án (8.186 tỉ đồng và 86,8 triệu USD).

 

Nguồn: Báo Bình Định