WB giữ cam kết tài trợ trung bình 1 tỷ USD/năm cho Việt Nam
01/12/2008

 

Trao đổi với báo chí tại Cuộc họp báo trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ được tổ chức vào hai ngày 4 - 5/12 tới tại Hà Nội, ông Martin Rama, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, WB giữ mức cam kết tài trợ trung bình 1 tỷ USD/năm cho Việt Nam.

 

Trao đổi với báo chí tại Cuộc họp báo trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ được tổ chức vào hai ngày 4 - 5/12 tới tại Hà Nội, ông Martin Rama, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, WB giữ mức cam kết tài trợ trung bình 1 tỷ USD/năm cho Việt Nam.
 
Ông đánh giá thế nào về hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam?
Để đánh giá hiệu quả các dự án, WB có tổ đánh giá độc lập tình hình thực hiện các dự án ODA sử dụng nguồn vốn của WB. Trên hai tiêu chí chính là dự án được xúc tiến như thế nào và tác động của dự án tới khu vực triển khai dự án, tôi cho rằng, các dự án ODA sử dụng nguồn vốn WB đều đang có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Tôi cũng muốn nhấn mạnh, Việt Nam là nước đang phát triển, nên chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động này.

Năm 2009, WB sẽ cam kết hỗ trợ bao nhiêu vốn ODA cho Việt Nam, thưa ông?
 
Khó có thể nói cụ thể lượng vốn ODA chúng tôi cam kết cho Việt Nam từng năm, vì điều này phụ thuộc rất lớn vào từng chương trình, dự án và hiệu quả cụ thể của chúng. Tuy nhiên, chúng tôi muốn giữ mức trung bình một năm 1 tỷ USD cho Việt Nam. Bên cạnh đó, năm nay, Việt Nam là một trong 5 quốc gia tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi không có lãi của WB. Điều này có nghĩa là, WB đánh giá cao khả năng trả nợ của Việt Nam. Ngoài ra, WB cũng đã đồng ý cấp khoản tín dụng 1,5 tỷ USD lãi suất thấp trong vòng 3 năm theo các điều kiện của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế.

Tuy nhiên, do lạm phát cao, nhiều dự án ODA triển khai năm 2008, trong đó có những dự án sử dụng nguồn vốn WB, không triển khai được hoặc triển khai chậm. WB hỗ trợ các dự án này như thế nào?

Đúng là trong bối cảnh lạm phát, giá cả nguyên vật liệu tăng cao như hiện nay thì các nhà thầu đang phải chịu thua thiệt. Chúng tôi đang tiếp tục đàm phán, thảo luận với Chính phủ Việt Nam để có những điều chỉnh nhất thời, chứ không phải là thông lệ. Sau khi có những thương thảo cụ thể liên quan tới tình hình của từng dự án, chúng tôi sẽ cân nhắc quyết định điều chỉnh một số dự án nào đó.

Như vậy, khả năng giải ngân nguồn vốn ODA năm tới sẽ khó được cải thiện, khi các dự báo kinh tế vĩ mô đang đưa ra nhiều kịch bản xấu, thưa ông?

Chắc chắn các dự án sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng, không chỉ với các dự án ODA sử dụng nguồn vốn WB, mà với cả dự án sử dụng các nguồn vốn của các nhà tài trợ khác. Như tôi đã nói, tuỳ vào từng dự án cụ thể, chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh tiến độ dự án một cách phù hợp. Theo tôi, tiến độ giải ngân các dự án ODA trong năm tới nhiều khả năng sẽ vẫn chậm.

Ông nghĩ thế nào khi có quan điểm cho rằng, nguyên tắc của các quy trình, thủ tục của WB trong thực hiện dự án ODA là một trong những nguyên nhân làm các dự án khó đẩy nhanh?

Tôi đồng ý là sự khác nhau về thủ tục là một trong những nguyên nhân gây ra sự chậm trễ của nhiều dự án ODA. Trên thực tế, chúng tôi đã rất cố gắng tận dụng các hệ thống pháp luật, quy định của Việt Nam để tiến hành thực hiện giải ngân các dự án sử dụng nguồn vốn WB. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang chờ những cải thiện theo hướng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế của hệ thống pháp luật Việt Nam liên quan đến lĩnh vực ODA. Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách giữa hai bên.
 

Nguồn: Báo Đầu tư