Không hạn chế các dự án FDI đáp ứng đủ điều kiện
19/12/2008

 

Nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những dự án lớn được cấp phép ngay đầu năm 2009. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, sẽ không có hạn chế nào đối với các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, các quy định pháp luật về đầu tư của Việt Nam.

 

 
Nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những dự án lớn được cấp phép ngay đầu năm 2009. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, sẽ không có hạn chế nào đối với các dự án đầu tư nước ngoài đáp ứng đủ các điều kiện về quy hoạch, các quy định pháp luật về đầu tư của Việt Nam.

Khả năng cấp mới các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam năm 2009 sẽ như thế nào, thưa ông?

Buổi làm việc với các địa phương mới đây về kế hoạch thu hút FDI năm 2009 cho thấy triển vọng tích cực. Nhiều địa phương đang có trong tay những dự án lớn chờ hoàn thành thủ tục để có thể cấp giấy chứng nhận đầu tư, như Đồng Nai dự báo sẽ vẫn đạt 5 tỷ USD cấp mới trong năm 2009; TP.HCM đang làm việc với một số nhà đầu tư về 4 dự án bất động sản, với vốn đầu tư có thể lên tới 20 tỷ USD...

Nhưng bất động sản đang là lĩnh vực có khá nhiều lo ngại về tính hiệu quả?

Thực tế, Việt Nam đang rất cần các dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, nâng cấp hệ thống dịch vụ hạ tầng phục vụ du lịch... Ngoài mục tiêu hướng vốn đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực trọng tâm như công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, nếu nhà đầu tư muốn đầu tư vào vào bất động sản, các khu nghỉ dưỡng, mà các dự án đó phù hợp với quy hoạch phát triển, các điều kiện ta đặt ra, thì không có lý do gì giới hạn họ cả, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, khá nhiều dự án bị chậm trễ do không được giao đất đúng cam kết, thưa ông?

Các đợt rà soát tình hình thực hiện các dự án FDI trên cả nước cho thấy, đúng là rào cản lớn nhất trong giải ngân chính là việc không thực hiện giao đất đúng theo cam kết của chính quyền địa phương với các nhà đầu tư nước ngoài. Trong buổi làm việc với các nhà đầu tư tại TP.HCM mới đây, có nhà đầu tư cho biết, họ đã chuẩn bị sẵn sàng về vốn, song lại không có đất để triển khai.

Vướng nhất trong thủ tục cấp đất là giải phóng mặt bằng. Theo cam kết với nhiều nhà đầu tư thì một số địa phương thành lập ban giải phóng mặt bằng do đại diện các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương thực hiện. Cái khó của địa phương là vấn đề định giá và bố trí khu tái định cư. Về mức giá đền bù, nếu để nhà đầu tư tự thực hiện thì hầu như thất bại, còn nếâu ban giải phóng mặt bằng địa phương đứng ra thương thảo thì luôn có tình trạng các hộ dân trây ì để đòi hỏi mức đền bù cao hơn. Trong khi đó, nhiều địa phương không chuẩn bị các khu tái định cư tương ứng với các dự án đầu tư mới.

Vấn đề ở đây là cần giải pháp mạnh hơn, cụ thể hơn, thưa ông?

Năm 2008, tổng vốn FDI giải ngân đạt khoảng 11,5 tỷ USD. Để duy trì tốc độ giải ngân năm tới bằng như vậy hoặc cao hơn, thật sự cần phải có những giải pháp mạnh, cụ thể hơn, quyết liệt hơn. Một trong những biện pháp hiệu quả, theo tôi, là yêu cầu của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thực hiện sản xuất, kinh doanh thuận lợi.

Liên quan đến vướng mắc về đất, dự án nào đã có trong quy hoạch, đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì địa phương phải kiên quyết để nhà đầu tư có đất đúng thời hạn cam kết. Cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng cũng phải rõ ràng, kiên quyết không để tình trạng các hộ trây ì lại được hưởng lợi nhiều hơn các hộ chấp hành nghiêm quy định. Nhiều nhà đầu tư cũng đã đề nghị quy định mức giá trần đối vơi tiền đề bù giải phóng mặt bằng để đảm bảo việc thực hiện thống nhất giữa các dự án cùng điều kiện.

Ngoài ra, khó khăn về thủ tục hành chính và những vướng mắc trong thực thi pháp luật liên quan đến đầu tư là những rào cản vô hình, gây trở ngại rất lớn đối với các nhà đầu tư. Đây là việc phải làm ngay của các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương, bên cạnh các giải pháp đồng bộ của Chính phủ về kinh tế vĩ mô...

Nguồn: Báo Đầu tư