Du lịch miền Trung: Kết nối để làm nên thiên đường du lịch
24/04/2008

 

Hôm nay ngày 24/4/2008, tại thành phố Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và Công ty truyền thông Hòa Nhan tổ chức Diễn đàn kinh tế miền Trung lần 2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc tham dự diễn đàn này.

 

Hôm nay ngày 24/4/2008, tại thành phố Đà Nẵng, báo Tuổi Trẻ và Công ty truyền thông Hòa Nhan tổ chức Diễn đàn kinh tế miền Trung lần 2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc tham dự diễn đàn này.

Theo các chuyên gia, để biến miền Trung trở thành thiên đường du lịch, cần phải hình thành các trung tâm resort đẳng cấp quốc tế ven biển; thiết lập con đường du lịch ven biển... Dưới đây là một số ý kiến.

PGS. TS Phạm Trung Lương - Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển du lịch: Phải quản lý chuyên nghiệp

Hiện VN mới chỉ khai thác được những gì mình có, như Huế thì tập trung vào khai thác Hoàng thành, chưa tạo thêm được nhiều sản phẩm phụ để phục vụ du khách. Chúng ta thiếu sự quản lý chuyên nghiệp. VN đã có nhiều chương trình quảng bá, cả trên truyền hình quốc tế, nhưng ít hiệu quả. Biển miền Trung đẹp không kém Bali (Indonesia) nhưng đầu tư cho du lịch miền Trung còn ít. Hiện khách muốn đi vào miền Trung còn khó, mất nhiều thời gian. Với nhiều bất cập như thế, theo tôi, du lịch miền Trung rất cần nhạc trưởng. Mô hình nên là ban chỉ đạo nhà nước về du lịch, có đủ quyền lực để tập hợp, quyết định các vấn đề lớn về đầu tư.

Khu du lịch Tân Thanh - tỉnh Bình Định đang mời gọi đầu tư

(ảnh Đào Tiến Đạt, do Trung tâm Xúc tiến Du lịch cung cấp)

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn: Con đường ven biển

Khi định hướng dòng sản phẩm du lịch miền Trung nên tận dụng tối đa lợi thế có sẵn như hình thành các trung tâm resort đẳng cấp quốc tế nằm dọc ven biển. Nên tính đến việc hình thành con đường du lịch ven biển. Song song đó sớm kết nối các di sản thế giới (Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn...) thành con đường di sản miền Trung - sản phẩm khác biệt độc đáo mang đậm văn hóa Việt.

Nếu định vị được hai sản phẩm này, tin chắc sẽ tạo bước đột phá trong việc thu hút nguồn khách hạng sang, có mức chi tiêu cao, đặc biệt dòng khách kết hợp du lịch với hội nghị, hội thảo, triển lãm (gọi là khách MICE). Cũng cần khắc phục những hạn chế về giao thông (đường bay quốc tế, đường cao tốc, cảng biển nước sâu...), đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá tiếp thị thương hiệu rộng rãi toàn thế giới.

Bãi biển Hoài Hải - tỉnh Bình Định đang mời gọi đầu tư

(ảnh Đào Tiến Đạt, do Trung tâm Xúc tiến Du lịch cung cấp)

Ông Hồ Việt - Nguyên Trưởng VP đại diện Tổng cục Du lịch tại miền Trung: Bắt đầu từ qui hoạch

Phong Nha - Kẻ Bàng, một di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận từ nhiều năm qua, nay vẫn chưa được qui hoạch nên mới xảy ra hiện tượng các địa phương trong khu di sản tự ý xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch để đón khách.

Nhiều tuyến đường ven biển miền Trung xây dựng rất tốn kém, giá như có qui hoạch cụ thể để vừa phát triển dân sinh vừa phục vụ du lịch thì sẽ lợi cả đôi đường. Khi phóng tuyến, các địa phương không quan tâm đến việc phát triển du lịch biển nên chỉ đơn thuần làm đường giao thông, đến khi con đường hoàn thành mới thấy rõ ảnh hưởng đến du lịch.

Ông Nguyễn Quang Ninh - Tổng giám đốc Indochina Resorts, thuộc Quĩ đầu tư Indochina Land: Đến miền Trung phải thuận tiện

Cần phải có một chính sách phát triển đồng bộ về môi trường, giao thông và đào tạo nhân lực để đáp ứng việc phát triển này; bao gồm xây dựng hệ thống xử lý nước thải để bảo đảm nước biển không bị ô nhiễm, phát triển hệ thống giao thông đường không, đường bộ và đường biển thuận tiện cho khách du lịch, tăng cường các chuyến bay nội địa từ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và các điểm du lịch khác như Nha Trang, Đà Lạt, Hạ Long... Đặc biệt phải xúc tiến nhanh việc nâng cấp sân bay, thiết lập các đường bay quốc tế đến sân bay Đà Nẵng từ các nước trong khu vực.

Nhà văn Nguyên Ngọc: Miền Trung giàu hay nghèo?

Câu hỏi đó được nhà văn Nguyên Ngọc đặt ra tại Diễn đàn kinh tế miền Trung lần thứ nhất (2007), cùng với những kiến giải của ông, đã tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi và kéo dài, ngay cả khi diễn đàn này đã khép lại; thậm chí còn tiếp tục cho đến lúc bạn đã đọc xong cuốn sách này - Đánh thức tiềm lực miền Trung.

"Có phải miền Trung xưa nay vẫn nghèo, như một thứ "số kiếp" vậy không?". Và nhà văn đã khẳng định: hoàn toàn không phải như vậy! "Từng có thời kỳ miền Trung là vùng giàu nhất nước, thậm chí là trung tâm kinh tế và phát triển của đất nước, đóng vai trò lớn đối với sự phát triển, không chỉ về kinh tế mà cả đối với vận mệnh lâu dài của dân tộc. Đó là thời các chúa Nguyễn (thế kỷ 17-18)".

TS Trương Đình Hiển: Miền Trung rất giàu có

TS Trương Đình Hiển, người đã có công lớn trong việc phát hiện các cảng biển nước sâu cho miền Trung (Dung Quất, Chân Mây, Nhơn Hội), cũng có nhận định: miền Trung rất giàu có! Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc và TS Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại & công nghiệp VN, cũng đều khẳng định: miền Trung có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh và cơ hội phát triển...

Đó là một vùng bờ biển tuyệt đẹp kéo dài hơn 1.000km với nước xanh cát trắng, vô số vịnh và hải đảo vẫn còn hoang sơ. Đó là chưa kể dải Trường Sơn chạy song song bờ biển, chứa trong mình biết bao nguồn lợi về sinh thái, tạo cho miền Trung một thiên nhiên hết sức đa dạng.

Vị trí địa lý cũng khiến miền Trung trở thành là "mặt tiền" của Đông Nam Á, và nằm trên đường trung chuyển Đông - Tây, một món quà quí giá nữa của đất trời dành cho miền Trung để khai thác dịch vụ cảng biển quốc tế.

 

 

Nguồn: Có sử nguồn từ Tuổi Trẻ Online