Bình Định thu hút được 42 dự án đầu tư
04/07/2014

 

Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bình Định đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho 34 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh với 28 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đầu tư hơn 2.073 tỷ đồng) và 06 dự án đầu tư nước ngoài (vốn đầu tư hơn 2.659 tỷ đồng). Cũng trong thời gian này, Bình Định cũng đã đồng ý chấp thuận chủ trương cho 08 dự án đầu tư.

 

Ảnh: Nhà máy thức ăn gia súc GreenFeed

Theo đó, UBND tỉnh cấp 18 dự án đầu tư trong nước (tổng vốn đầu tư 461,964 tỷ đồng) thuộc các lĩnh vực như khai thác khoáng sản, gạch không nung, dịch vụ, hạ tầng… Cụ thể: dự án Khai thác và chế biến đá làm vật liệu xây dựng thông thường của các chủ đầu tư là Công ty TNHH A & B (15,102 tỷ đồng), Công ty TNHH Hoàn Cầu – Granite (15 tỷ đồng), Công ty cổ phần VRG Đá Bình Định (16,893 tỷ đồng),Công ty TNHH khoáng sản Hữu Bích (16,151 tỷ đồng),Công ty cổ phần Đại Tín (16,304 tỷ đồng), DNTN Thương mại và Xây dựng Bảo Thắng (5,412 tỷ đồng), Công ty cổ phần sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng (19,607 tỷ đồng), Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Mỹ Quang (19,262 tỷ đồng), Công ty TNHH Hoàng Phúc (5,635 tỷ đồng); dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH Ánh Sinh (8,924 tỷ đồng); dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu than sinh học Gia Hưng của Công ty TNHH sản xuất Gia Hưng (7,5 tỷ đồng); 01 dự án được chuyển đổi từ loại hình liên doanh sang loại hình đầu tư 100% vốn trong nước là dự án Trung tâm truyền hình Cáp Quy Nhơn của Công ty TNHH Truyền hình Cáp Quy Nhơn (19,2 tỷ đồng); 02 dự án Nhà máy sản xuất than Binchotan của Công ty TNHH Tân Phú Sơn (79 tỷ đồng) và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Xuất khẩu A N A T A (19,602 tỷ đồng); dự án Nhà máy cơ khí chế tạo thiết bị công nông nghiệp và xây lắp của DNTN Hoàng Phiên (42 tỷ đồng); dự án Nhà máy sản xuất nước khoáng của Công ty cổ phần Văn Lang (19,95 tỷ đồng); dự án Xưởng sản xuất chế biến hàng nông lâm nghiệp của Công ty TNHH Hoa Đôn (4,83 tỷ đồng); dự án Nạo vét thông luồng kết hợp tận thu cát nhiễm nặm tại cửa Đề Gi của Công ty cổ phần Khoáng sản Kiến Hoàng (131,592 tỷ đồng).

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã cấp thành lập doanh nghiệp cho 03 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đó là Công ty TNHH Yenepoya Wood Processing (Ấn Độ) đầu tư Nhà máy chế biến lâm sản tại Cụm công nghiệp Gò Mít, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, vốn đầu tư 10,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Kinh doanh xuất nhập khẩu Tân Trung Nguyên (Trung Quốc) với ngành nghề kinh doanh xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản, vốn đăng ký 63 tỷ đồng và Công ty TNHH truyền thông Megastar thành lập Chi nhánh Công ty TNHH truyền thông Megastar – BigC Quy Nhơn tại Trung tâm thương mại BigC Quy Nhơn, phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, vốn đầu tư 36,33 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Định đã cấp 10 dự án vốn trong nước với tổng vốn đầu tư 1.611,3 tỷ đồng và 03 dự án FDI với tổng vốn 2.550 tỷ đồng.

Đến nay toàn tỉnh có 58 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 1.746,687 triệu USD. Chia theo loại hình có 46 doanh nghiệp và 12 chi nhánh sản xuất; Theo lĩnh vực Nông - Lâm - Ngư nghiệp có 06 dự án (vốn đăng ký 35 triệu USD), Công nghiệp - Xây dựng có 33 dự án (1.398,284 triệu USD), Dịch vụ có 19 dự án (314 triệu USD). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, tỉnh Bình Định đã tiến hành cấp GCNĐT cho 06 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 2.659,83 tỷ đồng, nhà đầu tư đến từ hầu hết các nước có tiềm lực kinh tế trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh, Đức, Úc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Thái Lan, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc….

Cũng trong 02 quý đầu năm nay, UBND tỉnh đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho 08 dự án, cụ thể: Công ty TNHH xây dựng và đầu tư Kiến Hoàng thực hiện dự án dịch vụ du lịch tại khu đất số 83 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Quy Nhơn (vốn đầu tư 150 tỷ đồng); Công ty TNHH A&B thực hiện dự án Xây dựng nhà máy xay nghiền đá vật liệu xây dựng và bãi tập kết vật liệu (03 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại –Xây dựng T.M.N đầu tư dự án Xưởng gia công và trưng bày sản phẩm T.M.N tại Khu quy hoạch chi tiết của Điện lực và Xí nghiệp than, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn (20 tỷ đồng); Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thành Châu đầu tư 02 dự án: dự án Xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu kho bãi tập trung tại xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn (700 tỷ đồng) và dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại và dịch vụ hỗn hợp tại khu đất số 01 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn; dự án Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty TNHH gạch không nung Phú Lộc thực hiện tại huyện Tuy Phước; dự án Nhà máy chưng cất và sản xuất rượu Bàu đá chất lượng cao của Công ty TNHH Thương mại Khoáng sản Tấn Phát xây dựng tại thị xã An Nhơn; dự án Nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học rắn thực hiện tại Cụm công nghiệp Bình Nghi, huyện Tây Sơn do Công ty cổ phần Năng lượng sinh học Phú Tài thực hiện.

Như vậy, trong 6 tháng đầu năm 2014 tình hình đầu tư đã có nhiều chuyển biến khả quan nhưng còn chậm. Để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, Bình Định đã ban hành các kế hoạch xúc tiến đầu tư như quảng bá thông tin, tiềm năng, điều kiện thuận lợi, cơ hội đầu tư và các chính sách khuyến khích đầu tư vào tỉnh, tạo dựng được hình ảnh Bình Định là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục kiểm tra, rà soát tất cả các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư từ năm 2006 đến nay để tiến hành thu hồi những dự án không triển khai hoặc triển khai quá chậm. Việc UBND tỉnh kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai nhằm mời gọi các nhà đầu tư có năng lực thực sự vào đầu tư tại tỉnh.

Tuấn Linh