Đầu tư trực tiếp nước ngoài - điểm sáng nhất
30/05/2008

 

Bên cạnh những hạn chế, bất cập và những thách thức không nhỏ về kinh tế 5 tháng đầu năm (công nghiệp tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao, nhập siêu lớn, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp...), thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại là điểm sáng nhất, không chỉ trong 5 tháng đầu năm mà còn là điểm sáng nhất từ trước tới nay.

 

Bên cạnh những hạn chế, bất cập và những thách thức không nhỏ về kinh tế 5 tháng đầu năm (công nghiệp tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao, nhập siêu lớn, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp...), thì đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại là điểm sáng nhất, không chỉ trong 5 tháng đầu năm mà còn là điểm sáng nhất từ trước tới nay.

Điểm sáng nhất thể hiện trên nhiều mặt, từ tổng lượng vốn, quy mô vốn bình quân một dự án, cơ cấu vốn, tốc độ tăng vốn thực hiện đến kết quả hoạt động của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Tính riêng tháng 5 đã đạt 7,5 tỉ USD, đưa tổng số 5 tháng lên 14,7 tỉ USD, cao gấp trên 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Nếu kể cả 0,6 tỉ USD của các dự án tăng vốn thì tổng lượng vốn đăng ký mới và bổ sung đạt trên 15,3 tỉ USD, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước, không những lớn nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay mà còn lớn hơn mức cả năm từ năm 2006 trở về trước, bằng trên hai phần ba lượng vốn của cả năm 2007. Điều đó chứng tỏ bất chấp những khó khăn của nền kinh tế, Việt Nam vẫn là điểm thu hút FDI hấp dẫn, tạo ra khả năng cả năm có thể đạt mức lớn nhất từ trước tới nay.

Quy mô vốn bình quân một dự án mới lên tới trên 45,4 triệu USD, lớn gấp gần 3,7 lần cùng kỳ. Có 16 dự án đạt quy mô trên 100 triệu USD, trong đó có 3 dự án đạt trên 1 tỉ USD (lớn nhất là dự án lên tới 4,2 tỉ USD, tiếp đến là dự án 1,648 tỉ USD và dự án 1,299 tỉ USD).

Cơ cấu vốn của các dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư có một số điểm đáng lưu ý. Theo nhóm ngành kinh tế, lượng vốn FDI tập trung chủ yếu vào dịch vụ (83,4%). Trong 32 nước và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư mới đứng đầu là Canada, tiếp đến là quần đảo Virgin thuộc Anh, Singapore, Malaysia... Trong 36 tỉnh, thành phố có vốn đầu tư mới, dẫn đầu là Bà Rịa - Vũng Tàu, tiếp đến là TP.HCM, Đồng Nai, Kiên Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Cần Thơ,... Những địa phương trước kia ít xuất hiện trong danh sách hoặc thu hút được ít vốn, thì 5 tháng qua đã có lượng vốn khá, như Hà Nam, Lào Cai, Bắc Giang, Kon Tum, Gia Lai...

Tổng lượng vốn FDI thực hiện trong 5 tháng ước đạt 3,95 tỉ USD, tăng 25,4%. Đây cũng là tốc độ tăng khá cao.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn FDI tiếp tục đạt kết quả khá. Tổng doanh thu của khu vực này (không kể dầu khí) 5 tháng ước đạt 15,45 tỉ USD, tăng gần 40%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 9 tỉ USD, tăng 23,9%; nếu kể cả dầu thô đạt gần 13,5 tỉ USD, tăng 30,4% và chiếm 57,5% tổng kim ngạch của cả nước. Lượng lao động trực tiếp ở khu vực FDI hiện đạt trên 1,35 triệu người, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Việc nguồn vốn FDI cả về thu hút, lẫn về thực hiện tăng cao là điều đáng mừng, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đặt vào Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài thường "trông giỏ, bỏ thóc", cho rằng những khó khăn hiện tại của Việt Nam chỉ là tạm thời, trong dài hạn sẽ tăng trưởng cao. Việc họ gia tăng đầu tư trực tiếp cho thấy họ cam kết làm ăn lâu dài.

Nguồn: Báo Thanh niên