Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư
02/06/2008

 

Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết song phương và đa phương trong quá trình hội nhập quốc tế; tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

 

Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết song phương và đa phương trong quá trình hội nhập quốc tế; tiếp tục hoàn thiện cơ chế thị trường, cải cách thủ tục hành chính, hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, khắc phục các yếu kém về kết cấu hạ tầng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Các vấn đề này sẽ được thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2008, nhằm tạo tiếng nói và hành động chung giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã khẳng định như vậy ngay trước thềm VBF, được tổ chức tại Hà Nội vào ngày hôm nay (2/6/2008).

Trên thực tế, quá trình cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã và đang được các cơ quan chức năng nỗ lực thực hiện, nhằm đem lại những thuận lợi lớn nhất cho nhà đầu tư. Biểu hiện dễ thấy nhất, theo bà Nguyễn Thị Bích Vân,

Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), là những kiến nghị của các doanh nghiệp (DN) trong những kỳ VBF trước, về sự thiếu nhất quán trong thực thi một số cam kết WTO, hay thiếu các hướng dẫn liên quan đến việc đầu tư các dự án theo phương thức BT, BOT, BTO, cũng như các vấn đề về dịch vụ phân phối... đã và đang được các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét, sửa đổi.

Có lẽ, cũng chính vì vậy, mà có tới 92,6% DN sản xuất và 88% DN phi sản xuất của Nhật Bản được hỏi cho là trong 1-2 năm tới, sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam. Không một DN nào dự định thu hẹp quy mô hay chuyển đi. Còn trong dài hạn hơn, khoảng 5-10 năm tới, Việt Nam vẫn tiếp tục dược cho là địa điểm thu hút đầu tư mới của Nhật Bản, đồng thời, Việt Nam cũng được các công ty nước ngoài đánh giá là địa điểm sản xuất tốt nhất ở châu Á.

Kết quả khảo sát này của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) có thể chưa đại diện cho quan điểm của đông đảo giới đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam, song rõ ràng, cũng đã phần nào thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

"Mặc dù đang đối mặt với một số khó khăn về kinh tế, nhưng Việt Nam vẫn là điểm thu hút đầu tư nước ngoài. Các DN Hoa Kỳ đang mong muốn được tận dụng những cơ hội đầu tư mới trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần tiếp tục triển khai việc thực hiện các cam kết WTO một cách phù hợp và theo đúng lộ trình cam kết. Việc này sẽ tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư", ông Michael J. Pease, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu.

Tuy vậy, khảo sát của JETRO cũng cho thấy, cho dù có những dự báo rất tốt về các kết quả kinh doanh, cũng như đặt nhiều kỳ vọng vào việc mở rộng đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam, song các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam chưa thật hài lòng với môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nguyên nhân là vì, Việt Nam kém hơn các nước ASEAN khác về khả năng mua nguyên phụ liệu trong nước (công nghiệp phụ trợ kém phát triển) và do tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng chưa cao. Điều này cho thấy, Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư.

"Những thách thức lớn khác là Việt Nam vẫn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong việc tăng tốc các dự án quan trọng về điện, giao thông - vận tải, cũng như cải cách hệ thống giáo dục. Những thách thức này có ảnh hưởng trực tiếp đến tính cạnh tranh của Việt Nam và lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam", ông Michael J. Pease nói và chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ Việt Nam nên có những hành động quyết đoán để cải thiện nền kinh tế, đặc biệt đối với các quyết sách liên quan đến ngành tài chính và bất động sản...

Có thể nói, VBF giữa kỳ năm 2008 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước những biến động phức tạp. Theo Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008.

Tuy vậy, nền kinh tế có biểu hiện tăng chậm lại, lạm phát tăng cao (5 tháng đầu năm tăng 15,96%), nhập siêu đáng báo động, thị trường tài chính - tiền tệ có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và gây khó khăn cho đời sống của nhân dân.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã kêu gọi cộng đồng DN, nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư vào một số lĩnh vực có tính nhạy cảm với thị trường, như chứng khoán, bất động sản, tài chính, ngân hàng... hết sức ủng hộ các giải pháp của Chính phủ Việt Nam, đồng thời dành nhiều thời gian tại VBF để trao đổi, thảo luận, kiến nghị những giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo phát triển bền vững.

Nguồn: Báo Đầu tư