Bình Định triển khai Hệ thống khai thuế điện tử (iHTKK) trên diện rộng
27/09/2013

 

Qua thực tế triển khai rộng rãi tại một số tỉnh, thành phố ở nước ta và bước đầu triển khai tại tỉnh Bình Định cho thấy việc triển khai Hệ thống kê khai thuế điện tử (gọi tắc là: iHTKK) là bước đi quan trọng trong cải cách hành chính quản lý thuế, giúp công khai, minh bạch và từng bước hiện đại hóa công tác thuế, nhằm nâng cao trình độ quản lý thuế của Việt Nam ngang tầm với các nước trong khu vực; hơn nữa Hệ thống này cũng đã giúp tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khi tham gia.

 


Trong thời gian qua, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện tuyên truyền, phố biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các đợt tập huấn, hướng dẫn trực tiếp cho người nộp thuế về iHTKK, qua đó đã nhận được sự đồng thuận của nhiều doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; tuy nhiên số lượng đơn vị đăng ký tham gia áp dụng Hệ thống vẫn còn hạn chế so với số lượng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đủ điều kiện tham gia do chưa thấy rõ hiệu quả và lợi ích mang lại từ hệ thống này.

Do vậy, để tiếp tục triển khai Hệ thống này trên diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn cùng phối hợp triển khai các nhiệm vụ:

- Yêu cầu Cục Thuế tỉnh:

Bên cạnh củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo và Tổ triển khai iHTKK hoạt động tích cực, có hiệu quả hơn để giúp ngành Thuế tỉnh Bình Định hoản thành công tác này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài Chính. Phải chỉ đạo các phòng chức năng có liên quan phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, hiệu quả của việc kê khai thuế điện tử và tổ chức trả lời, giải đáp các vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong quá trình thực hiện.

Một mặt, xây dụng lộ trình áp dụng cho các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trực thuộc sự quản lý của Văn phòng Cục Thuế, Chi Cục Thuế thành phố Quy Nhơn, Chi Cục Thuế huyện Phù Cát, Chi cục Thuế huyện Tây Sơn đã thực hiện ứng dụng quản lý thuế cấp Cục. Đồng thời, tiếp tục triển khai iHTKK đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế còn lại trên địa bàn tỉnh (ngoài các doanh nghiệp, tổ chức đã thực hiện kê khai thuế điện tử) phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, đơn vị.

Thường xuyên tổ chức, tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức trong ngành Thuế và nhân viên khai báo thuế của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh nắm vững tính năng ứng dụng, quy trình thao tác của Hệ thống; giới thiệu về dịch vụ chứng thư số, dịch vụ T-VAN.

Tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đăng ký nộp hồ sơ kê khai thuế điện tử; tổ chức cấp phát hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ kê khai thuế điện tử tại tất  cả các nơi tiếp nhận hồ sơ thuế của các tổ chức, cá nhân (bộ phận một cửa của cơ quan Thuế), tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

- Yêu cầu đối với các Sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan Thuế trong việc tuyên truyền thường xuyên, liên tục để vận động các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu trên địa bàn tỉnh thực hiện nộp hồ sơ kê khai thuế điện tử.

Riêng đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư phố biến cho các doanh ngiệp mới thành lập biết lợi ích của việc kê khai thuế điện tử để doanh nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi đăng ký thực hiện.

- Yêu cầu Đài Phát thành và Truyền hình tỉnh Bình Định, Báo Bình Định phối hợp với Cục Thuế tỉnh xây dựng kế hoạch thông tin tuyên truyền và hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế chuẩn bị các điều kiện thực hiện khai thuế điện tử.

- Đối với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đăng ký khai thuế, nộp thuế và giao dịch với các cơ quan thuế thông quan phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Lợi ích của việc kê khai thuế trên mạng

Kê khai thuế qua mạng Internet, Doanh nghiệp không phải gửi qua đường bưu điện hoặc đến nộp trực tiếp hồ sơ bằng giấy cho cơ quan thuế. Đây là hình thức giao dịch điện tử giữa doanh nghiệp với cơ quan thuế văn minh, hiện đại, được pháp luật về thuế quy định. Trong đó, chữ ký số có thể hiểu như con dấu điện tử của người phát hành văn bản, tài liệu trong giao dịch điện tử. Ngoài việc sử dụng cho kê khai thuế qua mạng, chữ ký số có thể được sử dụng trong giao dịch điện tử khác như hải quan điện tử, giao dịch với ngân hàng, chứng khoán…, đảm bảo về tính an ninh và được thừa nhận về pháp lý tương đương với con dấu và chữ ký doanh nghiệp.

Khai thuế qua mạng Internet là bước đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay nhằm từng bước hiện đại hóa ngành thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, giảm áp lực cho ngành thuế, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong thời kỳ kinh tế hội nhập hiện nay.

 

Trương Chương