Được sự đồng ý của UBND tỉnh, từ ngày 9 đến 13/9/2013, Đoàn công tác của tỉnh do Ông Nguyễn Thúc Đĩnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư làm trưởng đoàn cùng đại điện các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện mô hình “một cửa liên thông” đối với các thủ tục về đầu tư tại ba tỉnh phía Nam là Ninh Thuận, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Dưới đây là tình hình chung tại các tỉnh này.
Về tình hình giải quyết các thủ tục đầu tư ở các tỉnh
Tại ba tỉnh mà Đoàn công tác tham quan, học tập và trao đổi kinh nghiệm, ý tưởng thực hiện mô hình “Một cửa liên thông” đã hình thành từ nhiều năm nay. Tuy mô hình tổ chức và phương thức thực hiện ở mỗi nơi chưa hoàn toàn giống nhau nhưng về cơ bản, các địa phương này đều tỏ rõ quyết tâm thực hiện và đang dần đi vào hoàn thiện mô hình này mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Nhờ có nguồn thu ngân sách dồi dào kết hợp với chiến lược phát triển rõ ràng và có định hướng, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu đã cơ bản xây dựng xong Trung tâm hành chính tập trung. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc cũng được trang bị tương đối đầy đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Các đầu mối thực hiện thủ tục đầu tư cũng được giảm thiểu đáng kể; xu hướng sắp tới của các tỉnh này là tiếp tục thực hiện mô hình “một cửa, một đầu mối”.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cũng được xây dựng khang trang, hiện đại và đang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Vấn đề nhân sự cũng được quan tâm xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hóa. Nhờ vậy, các địa phương này đã cơ bản xây dựng xong mô hình “Một cửa liên thông” theo hướng hiện đại.
Mặc dù đã bố trí các sở ngành làm việc tập trung tại Trung tâm hành chính của tỉnh, có thể xem như đã cơ bản thực hiện mô hình “Một cửa liên thông” hiện đại nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn quyết tâm thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại một đầu mối duy nhất là Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết các thủ tục và các phát sinh, vướng mắc trong hoạt động đầu tư.
Tại Tỉnh Bình Dương, khi chuyển các cơ quan Đảng, hành chính sang làm việc tại khu hành chính mới của tỉnh vào đầu năm 2014, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết tất cả các thủ tục hành chính cấp tỉnh sẽ bố trí tại tầng trệt của tòa nhà. Có thể xem đây là mô hình “Một cửa liên thông” tốt nhất cả về lượng và chất.
Ngay như tỉnh có điều kiện tương đối khó khăn như Ninh thuận cũng đã bố trí cơ sở vật chất và tập trung nguồn lực để thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông” để giải quyết hầu hết các thủ tục liên quan đến lĩnh vực đầu tư. So với hai tỉnh nói trên, Ninh Thuận có nhiều thủ tục nhất được giải quyết theo cơ chế “Một cửa liên thông” với 19 loại thủ tục.
Về định hướng và chiến lược phát triển, tất cả các địa phương nói trên cũng đã tích cực bố trí kinh phí và cơ bản hoàn tất quy hoạch chung và quy hoạch về các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ của tỉnh.
Hiệu quả thực hiện thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Định và định hướng sắp tới
Qua nghiên cứu, tìm hiểu tình hình tại nhiều nước trong khu vực và trực tiếp trao đổi với các địa phương nói trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy việc thực hiện mô hình “Một cửa liên thông” trong giải quyết các thủ tục về đầu tư là xu hướng chung tất yếu.
Về tình hình thực tế tại địa phương, thực hiện chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đầu tư, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-UBND ngày 02/6/2011 v/v ban hành Quy định về trình tự và cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế trên địa bàn tỉnh Bình Định (Quyết định này thay thế Quyết định số 159/QĐ-UBND ngày 08/4/2010). Qua đó, từ năm 2010, Bình Định đã triển khai thực hiện cơ chế phối hợp giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng.
Qua hơn 3 năm thực hiện, thủ tục hành chính về đầu tư tại tỉnh được cải tiến đáng kể, trách nhiệm của các cơ quan hành chính cũng từng bước được nâng cao. Thời gian qua, việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết các thủ tục đầu tư ngày càng nhịp nhàng hơn, công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh cũng được quan tâm đúng mức. Nhờ đó, Chỉ số PCI của Bình Định trong những năm qua luôn ở vị trí cao; đặc biệt là vị trí ấn tượng trong năm 2012 (đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh thành).
Tại báo cáo kết quả chuyến công tác, Đoàn công tác cũng đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét triển khai thực hiện mô hình nói trên tại Bình Định. Nếu UBND tỉnh chấp thuận, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xây dựng đề án chi tiết trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hiện nay, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có chủ trương xây dựng Trung tâm Hành chính tập trung. Do vậy, trước mắt Sở sẽ bố trí bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết tại Sở; có trang bị máy móc thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để giải quyết công việc. Khi Trung tâm hành chính xây dựng xong, bộ phận này sẽ chuyển sang thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hành chính. Đây là lộ trình thích hợp để từng bước hiện đại hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ công trong lĩnh vực đầu tư.
Nếu UBND tỉnh chấp thuận đề xuất nói trên, việc triển khai thực hiện các thủ tục về đầu tư theo mô hình “Một cửa liên thông” sẽ sớm hiện thực hóa tại Bình Định.
Trương Chương