Hỗ trợ đầu tư hạ tầng là vấn đề trọng tâm, chiếm hơn 50% trong danh sách những kiến nghị của UBND tỉnh Bình Định tại các buổi làm việc với Chính phủ.
Ảnh: Lưu lượng hàng hóa qua Cảng Quy Nhơn hiện đã quá tải, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế.
Trọng tâm vẫn là hạ tầng
Liên tiếp hai lần làm việc với Đoàn công tác Chính phủ trong năm nay, ngoài việc báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, UBND tỉnh Bình Định còn đề xuất 10 kiến nghị liên quan đến những vấn đề hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong đó, có 6 kiến nghị liên quan đến vấn đề hạ tầng.
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, Bình Định rất may mắn khi sở hữu đầy đủ hệ thống hạ tầng cơ bản quan trọng, như sân bay, cảng biển, đường sắt, các tuyến giao thông huyết mạch.
Tuy nhiên, hầu hết cơ sở hạ tầng này hiện chưa thể đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương, do đã bị xuống cấp, hoặc lâm vào tình trạng quá tải.
Theo ông Lộc, đến thời điểm hiện tại, Sân bay Phù Cát tỉnh Bình đã cơ bản được nâng cấp tốt, đáp ứng loại máy bay hạng trung và lớn, có thể phục vụ tốt nhu cầu đi lại, hỗ trợ phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển du lịch.
Đây có thể xem là lợi thế lớn nhất của tỉnh hiện nay so với một số địa phương có GDP hạng trung như Bình Định.
Tuy nhiên, để phát triển toàn diện, Bình Định không thể chỉ dựa vào hạ tầng sân bay. Trong khi đó, vị trí của Bình Định được xem là cánh cửa xuất khẩu hàng hóa cho cả khu vực Tây Nguyên rộng lớn và vùng Tam giác Phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia. Vì vậy, để Bình Định phát triển đúng tầm, khai thác hết tiềm năng hiện có, đòi hỏi phải hoàn thiện rất nhiều hệ thống hạ tầng khác liên quan.
Tại cuộc họp với Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu giữa tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ giải quyết vấn đề đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế tỉnh.
Trong đó, Bình Định kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1D, đoạn từ Quy Nhơn đến Sông Cầu (Phú Yên). Đây là đoạn đường đã được Chính phủ phê duyệt và nâng cấp lên chuẩn loại III, quy mô 2 làn xe, với chiều dài 35 km, tổng vốn đầu tư 222,5 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương.
Mặc dù đã chính thức khởi công từ tháng 3/2013, nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được, do chưa thu xếp được nguồn vốn. Tỉnh Bình Định kiến nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn để triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã kiến nghị Trung ương bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư tuyến đường ven biển, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch của địa phương. Tuyến đường ven biển này kéo dài 107 km từ Nhơn Hội đến Tam Quan, thuộc Dự án tuyến đường ven biển quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.
Trọng tâm nhất trong các vấn đề kiến nghị liên quan đến hạ tầng chính là hỗ trợ đầu tư phát triển Khu kinh tế Nhơn Hội. Theo ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Bình Định, việc đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp tại Bình Định vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vốn hỗ trợ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Ông Lý cho rằng, tỉnh đang tập trung giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư để triển khai 2 dự án du lịch trọng điểm, gồm Khu du lịch Khách sạn Vĩnh Hội (vốn đầu tư 250 triệu USD) và Dự án Khu du lịch Hải Giang (Vingroup) với tổng vốn đầu tư 3.424 tỷ đồng. Đây là hai dự án bức thiết nhất hiện nay tại Bình Định, địa phương rất cần Trung ương bổ sung thêm ngân sách năm 2013, để hỗ trợ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Chưa kể, Khu kinh tế Nhơn Hội đang tích cực hỗ trợ nhà đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan nghiên cứu hoàn tất các thủ tục để triển khai lập dự án khả thi Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội. Theo đăng ký, dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 28 tỷ USD, công suất 30 triệu tấn/năm. Tỉnh Bình Định rất mong muốn Trung ương ủng hộ chủ trương đầu tư và hỗ trợ về cơ chế chính sách để dự án này sớm được triển khai.
Ưu tiên nâng cấp Quốc lộ 19
Thời gian gần đây, khi làm việc với tỉnh Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên, Chính phủ luôn khẳng định vai trò đặc biệt của hệ thống cơ sở hạ tầng đối với việc phát triển kinh tế, liên kết vùng. Đặc biệt, trong đó có Quốc lộ 19, huyết mạch giao thông đóng vai trò quan trọng đối với Tây Nguyên trong phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, phát triển Tây Nguyên phải bằng các giải pháp, chính sách đặc thù, nhằm huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng, tăng cường liên kết với các khu vực và trung tâm đô thị lớn.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho biết, đã chỉ đạo rà soát, thu xếp nguồn vốn đầu tư nâng cấp những tuyến giao thông chính, trong đó có Quốc lộ 14, Quốc lộ 19 liên kết Tây Nguyên với các khu vực khác, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa.
Tuyến Quốc lộ 19 không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với Tây Nguyên, mà còn của cả khu vực hạ lưu, trong đó có tỉnh Bình Định. Theo đó, Quốc lộ 19 nối từ Cảng Quy Nhơn (Bình Định) đến Lệ Thanh (Gia Lai) dài 238 km, trong đó đoạn từ cảng Quy Nhơn đến đèo An Khê dài 77 km.
Liên quan đến tuyến đường này, ông Lê Hữu Lộc cho biết, thực trạng đoạn đường này đang hư hỏng nặng, xe cộ đi lại rất khó khăn. Trong khi đó, đây là tuyến giao thông huyết mạch kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây ra biển Đông thông qua Cảng Quy Nhơn từ các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia. Do đó, cần khẩn trương đầu tư nâng cấp tuyến đường này theo Quyết định số 07/2011/QĐ-TTg.
Theo ông Lộc, trên tuyến Quốc lộ 19, đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến Ngã ba cầu Bà Gi đã được Chính phủ giao UBND tỉnh làm cấp quyết định đầu tư và đã được khởi công xây dựng từ cuối năm 2012, với tổng mức đầu tư 5.279,6 tỷ đồng, trong đó cơ cấu vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương chiếm 70% và địa phương là 30%.
UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu bố trí đủ phần vốn Trung ương để dự án triển khai đúng tiến độ, đồng thời tỉnh Bình Định cũng đã được Chính phủ cho phép ứng vốn theo tiến độ thực hiện dự án.
Trong khi đó, đoạn từ ngã ba cầu Bà Gi đến Lệ Thanh (Gia Lai) chưa có chủ trương đầu tư nâng cấp. UBND tỉnh Bình Định cũng đã kiến nghị Chính phủ về việc sớm cho chủ trương để nâng cấp đoạn đường này theo hình thức BOT.
Ông Lộc nhận định: “Tây Nguyên và Khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia đang có hướng phát triển khá mạnh. Đặc biệt, đây là khu vực có lượng hàng hóa nông, lâm sản xuất khẩu khá lớn. Phần lớn lượng hàng này đều xuất khẩu qua Cảng Quy Nhơn theo tuyến Quốc lộ19”.
Với lượng hàng hóa khá lớn như vậy, tỉnh Bình Định đã quy hoạch phát triển Cảng Quy Nhơn đến năm 2015 đạt 5 triệu tấn/năm và 12 - 15 triệu tấn/năm đến năm 2020.
“Lượng hàng hóa lưu thông mạnh, trong khi hạ tầng giao thông trên tuyến Quốc lộ 19 ngày càng xuống cấp nghiêm trọng là vấn đề khiến không chỉ Bình Định, mà các tỉnh Tây Nguyên trăn trở. Do vậy, việc sớm đầu tư nâng cấp Quốc lộ 19, cũng như mở rộng Cảng Quy Nhơn sẽ giúp hàng hóa lưu thông tốt hơn, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, cũng như quốc phòng”, ông Lộc nói.
Liên quan đến sự cần thiết của việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 19, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, tập trung nguồn lực nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 19 không chỉ đảm bảo giao thông, thông thương, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh các tỉnh Tây Nguyên và vùng Hành lang kinh tế Đông - Tây, tạo kết nối giữa Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Bắc Campuchia và Đông Bắc Thái Lan.
Theo ông Hà, Cảng Quy Nhơn vốn là cửa ngõ giao thông quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông quan tại cảng trên 20% trong giai đoạn vừa qua và sẽ đạt trên 30% trong giai đoạn 2014-2020. Điều này cho thấy, việc nâng cấp Quốc lộ 19 sẽ tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Tây Nguyên với các nước.
Riêng việc đầu tư nâng cấp Cảng Quy Nhơn, trong buổi làm việc gần đây với tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng khẳng định, sẽ đề xuất việc cổ phần hóa một số hệ thống cảng, trong đó có Cảng Quy Nhơn.
Theo mô hình này, Nhà nước chỉ nắm 49% vốn của Cảng, còn lại được tư nhân hóa. Có như vậy, mới có nguồn vốn phát triển hệ thống Cảng. Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã kiến nghị nâng cấp lượng hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn lên 12 - 15 triệu tấn/năm vào năm 2020.
Tuấn Linh (Nguồn: baodautu.vn)