Cơ hội tăng cường nguồn vốn FDI từ Nhật Bản vào Bình Định
09/09/2013

 

Ngày 05/9/2013, tại thành phố Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Kinh tế cấp cao Việt Nam – Nhật Bản 2013 (VJES 2013), do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Thời báo Kinh tế Nhật Bản – Nikkei Business Publications (Nikkei BP), cùng sự hỗ trợ chặt chẽ từ Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức. 

 

 Ảnh: Khách tham quan gian hàng.

Tham dự lễ khai mạc có đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI; ông Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam; ông Arata Takebe, đại diện lãnh đạo Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt của Quốc hội Nhật và hơn 400 đại biểu đại diện các cơ quan Chính phủ, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, cùng lãnh đạo gần 20 tỉnh, thành địa phương của Việt Nam cùng gặp gỡ và thảo luận nhằm tăng cường hợp tác kinh tế. Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Xúc tiến đầu tư cũng tham dự và tham gia gian hàng triển lãm tại Diễn đàn.

Gian triển lãm của Bình Định trưng bày lần này tập trung vào thông tin tổng quan về tỉnh, đặc biệt là Khu kinh tế Nhơn Hội, các dự án mời gọi đầu tư.

Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết, sau 40 năm kể từ ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, Nhật Bản đã trở thành đối tác hợp tác kinh tế quan trọng của Việt Nam. Hiện tại, Nhật Bản là quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với số lượng các dự án FDI ngày càng tăng. Trong năm 2011, 234 dự án đầu tư mới của các công ty Nhật Bản đã được được cấp phép tại Việt Nam, con số đó lên tới 317 trong năm 2012. Trong năm 2011, các dự án FDI của Nhật Bản chiếm 25% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Năm 2012, con số đó tăng lên gấp đôi, với các dự án FDI của Nhật Bản chiếm 50% lượng FDI đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản cũng là quốc gia cung cấp nguồn vốn ODA nhiều nhất cho Việt Nam với hơn 70% nguồn vốn ODA Nhật Bản được sử dụng cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông hay nhà máy điện. Việc Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam còn góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho thị trường trong nước, ví dụ, hơn 100 công ty sản xuất của Nhật Bản tại Khu công nghiệp Thăng Long đã giúp tạo công ăn việc làm cho hơn 60.000 người dân địa phương.

Nói về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản, GS.TS. Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản cho biết: “Hai nền kinh tế đã, đang và sẽ mang tính hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư lâu dài của các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn là người bạn, người đồng hành tin cậy của nhân dân xứ sở mặt trời mọc.”

Về phía Nhật Bản, ngài Yasuaki Tanizaki, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: “Trong mối quan hệ hợp tác kinh tế, hợp tác thông qua đầu tư là một trong những yếu tố chủ chốt nhằm tăng cường, thắt chặt mối quan hệ kinh tế nói chung. Là một quốc gia công nghiệp hoá với khả năng về tài chính và thế mạnh công nghệ, Nhật Bản luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư quốc tế. Với nguồn đầu tư từ Nhật Bản ngày càng được tăng cường, Việt Nam sẽ được tiếp sức để phát triển mạnh mẽ hơn, cuộc sống của người dân Việt có thể được củng cố tốt hơn, và nhờ vậy, Nhật Bản có thể sánh bước cùng phát triển với Việt Nam.”

Cải cách đẩy mạnh hợp tác đầu tư

Nhằm đẩy mạnh việc hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới Diễn đàn đã diễn ra phiên đối thoại với nội dung: Tái cấu trúc nền kinh tế ở Việt Nam và cơ hội tăng cường nguồn vốn FDI từ Nhật Bản.

Tại phiên đối thoại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây.

Cụ thể, kim ngạch ngoại thương giữa Nhật Bản và Việt Nam tăng khoảng 5,6 lần so với 10 năm trước, đạt 25,9 tỷ USD vào năm 2012. Hàng hóa xuất khẩu từ Nhật Bản sang Việt Nam chủ yếu là máy móc công nghiệp, thiết bị điện, linh kiện máy móc vận tải, vải may mặc. Các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam là dầu thô (chiếm 20%), tiếp theo là hàng may mặc. Giá trị nhập khẩu các mặt hàng linh kiện máy móc vận chuyển, linh kiện máy móc thiết bị năm 2012 lần lượt là 1,7 tỷ USD và 1,2 tỷ USD, tăng lần lượt là 7 lần và 2 lần so với năm 2009.

Ông Bùi Quang Vinh cũng nêu ra 3 vấn đề Việt Nam cần phải quan tâm gồm: Một là, cải cách về thể chế; hai là, xây dựng hệ thống khung pháp luật để tạo sức bật cho nền kinh tế Việt Nam; ba là, cần xây dựng hạ tầng giao thông đô thị tốt để thu hút đầu tư.

Ông Vũ Tiến Lộc đưa ra Chiến lược CNH trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trong đó có 6 ngành được ưu tiên tập trung phát triển gồm: Điện tử; chế biến nông, thủy sản; máy nông nghiệp; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô; đóng tàu. Đồng thời cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Việt Nam và Nhật Bản cần hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý và chính sách khuyến khích phát triển các ngành đã chọn, đồng thời đẩy mạnh cải cách đồng bộ thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, Việt Nam và Nhật Bản cần tập trung rà soát, đánh giá chiến lược, quy hoạch và chính sách hiện hành liên quan đến 6 ngành ưu tiên được đề ra nhằm đưa nền kinh tế hai nước ngày càng phát triển.

Chiều cùng ngày, VJES đã chính thức khởi động với ba phiên thảo luận về Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản gồm: Phát triển hạ tầng, Chiến lược Công nghiệp hoá của Việt Nam và Công nghiệp phụ trợ, Phát triển nguồn nhân lực – Chìa khoá để phát triển ngành công nghiệp chế tạo.

Trong khuôn khổ của Diễn đàn, các đại biểu tham dự còn tham quan khu gian hàng triển lãm của các tỉnh và doanh nghiệp của Việt Nam.

Sáng ngày 6/9, đại biểu tham dự VJES khảo sát thực địa tới các khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.

 

Hạnh Nguyên