Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà đồng chủ trì phiên thảo luận “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội: Định hướng chiến lược và các bước triển khai”
24/06/2013

 

Như tin đã đưa, ngày 22/6/2013 tại thành phố Hội An, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Địa phương và Ngoại giao Đoàn” dành cho các tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động kinh tế đối ngoại. Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà (thứ 2 từ phải sang) đồng chủ trì phiên thảo luận.

 

Như tin đã đưa, ngày 22/6/2013 tại thành phố Hội An, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ Địa phương và Ngoại giao Đoàn” dành cho các tỉnh thuộc khu vực duyên hải miền Trung nhằm hỗ trợ các địa phương triển khai hoạt động kinh tế đối ngoại. Hội nghị là dịp để các địa phương trao đổi và đề nghị các Cơ quan Đại diện nước ngoài hỗ trợ địa phương trong việc phát triển, quảng bá tiềm năng, thế mạnh; làm cầu nối giữa địa phương với các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà (thứ 2 từ phải sang) đồng chủ trì phiên thảo luận.

Hội nghị có sự tham dự của 60 Đại sứ, Tổng lãnh sự, các vị Trưởng đại diện của các Cơ quan Đại diện nước ngoài tại Việt Nam; 10 tổ chức quốc tế gồm: Liên hiệp quốc, ADB, WB, IMF,  Amcham, Eurocham, JICA, JBIC, KOICA… và 50 đại biểu đại diện lãnh đạo của các tỉnh vùng duyên hải miền Trung. Tham dự Hội thảo, Đoàn Bình Định do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà làm trưởng đoàn cùng với lãnh đạo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Ngoại vụ và Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh.
"Các tỉnh duyên hải miền Trung có vị trí chiến lượt trọng yếu và rất giàu tiềm năng phát triển: Đây là trục giao thông nối liền hai trung tâm kinh tế lớn của cá nước ở phía Bắc và phía Nam, có bờ biển dài với hệ thống các đô thị phân bố đều và nhiều cảng biển nước sâu. Miền Trung có nguồn nhân lực dồi dào, có lợi thế và nhu cầu rất lớn về phát triển các ngành khai thác và chế biến nông lâm thủy sản, năng lượng sạch, hóa dầu, cơ khí chế tạo, phát triển cơ sở hạ tầng...", Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga phát biểu.
Ngoài ra, đây là mảnh đất của những nét đặc thù về tự nhiên, văn hóa và con người, có tiềm năng to lớn cả về du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa với những bãi biển đẹp nổi tiếng thế giới và những di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Để phát huy được những tiềm năng đó, việc tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng, giúp các tỉnh duyên hải miền Trung tiếp cận kinh nghiệm phát triển của các nước, tranh thủ nguồn lực, đầu tư từ bên ngoài cũng như quảng bá ra thế giới hình ảnh tốt đẹp về đất nước con người Việt Nam.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chưa đồng đều, nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, phát triển bền vững kinh tế - xã hội là mục tiêu hàng đầu của các địa phương trong nước. Để đạt được mục tiêu đó, các địa phương có thể phải rà soát lại quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, điều chỉnh kế hoạch và xác định lại các dự án trọng điểm, đánh giá đúng tiềm năng của mình, xác định trúng cơ hội và tận dụng được nguồn lực nước ngoài để bổ trợ cho nguồn lực trong nước còn hạn hẹp. Việt Nam là một quốc gia có nguồn nhân lực đông đảo, giá rẻ, cần cù. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế, cần có sự trao đổi, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc phát triển, đào tạo, quản lý và sử dụng lao động giữa các địa phương và trong hợp tác với các tổ chức nước ngoài. Khu vực miền Trung có nhiều tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, tham quan biển đảo, di sản văn hóa, di tích lịch sử độc đáo.

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cùng với đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên; Ngài Ranjit Rae, Đại sứ Ấn Độ; Ông Kim Sik Hyon, Phó Trưởng đại diện KOICA đồng chủ trì phiên thảo luận “Phát triển bền vững kinh tế - xã hội: Định hướng chiến lược và các bước triển khai”.

Tại phiên thảo luận này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Thu Hà cho biết Bình Định đã thành lập Ban chỉ đạo và Ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển bền vững tỉnh Bình Định giai đoạn 2011-2020.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, quy mô đô thị theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tương đối tỷ trọng nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020, Bình Định trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại, nền nông nghiệp mang tính hàng hóa và là một trong những trung tâm đô thị, dịch vụ thương mại, du lịch của vùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Vùng kinh tế Tây Nguyên và cả nước; đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, giá trị văn hóa bản địa được bảo tồn và phát huy, môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh và quốc phòng luôn bảo đảm.

Với các mục tiêu cụ thể như:

- Về các chỉ tiêu phát triển kinh tế bền vững: Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ năm 2011 đến năm 2020 đạt 13 - 14%. GDP bình quân đầu người năm 2020 là 4.000 USD; Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2020 tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 43%, ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 16%, ngành dịch vụ chiếm 41%; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,4 tỷ USD năm 2020; Tỷ lệ đô thị hoá đạt 52% vào năm 2020;

- Về các chỉ tiêu phát triển bền vững xã hội: Phấn đấu nâng số lượng lao động được giải quyết việc làm lên khoảng 25.000 - 30.000 lao động/năm; trong đó, nhu cầu việc làm của lao động nội tỉnh hàng năm là 16.000 - 17.000 lao động; Tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo để năm 2020 về cơ bản không còn hộ nghèo; Hoàn thành chương trình đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020. Phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em (dưới 5 tuổi) suy dinh dưỡng đến năm 2020 còn dưới 11%.

- Về các chỉ tiêu môi trường đến năm 2020: Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 49%; khoảng 85% dân cư đô thị sử dụng nước sạch, 95% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; thu gom và xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt và nước thải sinh hoạt ở thành phố Quy Nhơn và 85% ở các đô thị; 100% chất thải công nghiệp, chất thải y tế được thu gom và 95% xử lý đạt chuẩn môi trường.

Các đại biểu tham gia Hội nghị cho rằng các tỉnh Vùng duyên hải miền Trung cùng sở hữu những lợi thế độc nhất vô nhị để phát triển du lịch, công nghiệp, thương mại và dịch vụ, các tỉnh ven biển miền Trung cũng đang cạnh tranh trực tiếp với nhau để thu hút các nguồn lực đầu tư có cần có sự hợp tác, liên kết với nhau tạo thành động lực, tiếng nói chung cùng nhau phát triển.

Hội nghị có 3 phiên thảo luận về các nội dung: Phát triển bền vững kinh tế - xã hội, Phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, Phát triển văn hóa và du lịch.

Hội nghị kết thúc cùng ngày.

Phát triển bền vững là một khái niệm mới nhằm định nghĩa một sự phát triển về mọi mặt trong hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Khái niệm này hiện đang là mục tiêu hướng tới nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi quốc gia sẽ dựa theo đặc thù kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa... riêng để hoạch định chiến lược phù hợp nhất với quốc gia đó.

 

Trương Chương