Hội nghị Tăng cường Hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch Việt Nam - Thái Lan
23/05/2013

 

Chiều ngày 22.5, tại khách sạn Hải Âu, thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị Hợp tác về đầu tư, thương mại và du lịch giữa Bình Định (Việt Nam) và 4 tỉnh: Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon, Amnat Charoen (Vương quốc Thái Lan). Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng tặng quà lưu niệm cho Phó tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani - Vương Quốc Thái Lan Ông Suttinun Boonmee.

 

Chiều ngày 22.5, tại khách sạn Hải Âu, thành phố Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị Hợp tác về đầu tư, thương mại và du lịch giữa Bình Định (Việt Nam) và 4 tỉnh: Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon, Amnat Charoen (Vương quốc Thái Lan). Ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng tặng quà lưu niệm cho Phó tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani - Vương Quốc Thái Lan Ông Suttinun Boonmee.

Về phía tỉnh Bình Định, bên cạnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Thanh Thắng chủ trì tiếp và làm việc còn có đại diện lãnh đạo các sở ngành, Hội Doanh nhân tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực vận tải, logistic, thủy sản, dịch vụ du lịch lữ hành.

Đoàn Thái Lan có khoảng 60 đại biểu do Phó tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani - Vương Quốc Thái Lan Ông Suttinun Boonmee làm trưởng đoàn, Giám đốc Sở Thương mại các tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan và 30 nhà doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hậu cần (Logistic) và các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ du lịch.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch tỉnh Mai Thanh Thắng khẳng định Bình Định đã và đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với các địa phương của Thái Lan, coi Thái Lan là đối tác kinh tế quan trọng, đồng thời cần khẩn trương thúc đẩy quan hệ nhiều mặt, tìm hiểu luật pháp, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, nắm bắt tiềm năng và thế mạnh của Thái Lan, nhất là với các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho công cuộc hội nhập và phát triển. Thông qua tỉnh kết nghĩa Champasak (Lào), Bình Định và Ubon Ratchathani (Thái Lan) đang từng bước xúc tiến xây dựng quan hệ hợp tác phát triển…Thái Lan cũng luôn chia sẻ những kinh nghiệm và tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan đã và đang có những phối hợp chặt chẽ và cùng đóng góp giải quyết nhiều vấn đề vì lợi ích phát triển của hai nước nói riêng và các nước tiểu vùng sông Mêkông cũng như các nước trong khối ASEAN nói chung. Các mặt hàng của Việt Nam có chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường Thái Lan, trong đó một số mặt hàng đồng thời cũng là sản phẩm thế mạnh của Bình Định như hàng nông sản, thủy hải sản, thủ công mỹ nghệ,...

Tại Bình Định, các công ty có vốn đầu tư của Thái Lan đang triển khai 6 dự án với tổng vốn 44,5 triệu USD, hầu hết đang triển khai rất tốt. Cụ thể là Cty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư Trại sản xuất tôm giống tại Phù Mỹ và Nhà máy thức ăn Gia súc mới trong KCN Nhơn Hòa; Cty CP Greenfeed Việt Nam đầu tư dự án Nhà máy sản xuất và Kinh doanh thức ăn Gia súc, Gia cầm trong cụm công nghiệp Nhơn Bình (Quy Nhơn), sau thời gian kinh doanh hiệu quả đã tiến hành xây dựng thêm Nhà máy trong Khu công nghiệp Nhơn Hòa. Bên cạnh đó, trong năm 2012 UBND tỉnh Bình Định cũng đã cấp giấy CNĐT cho dự án Vườn ươm cây giống công nghệ cao tại Bình Định của Tập đoàn Shaiyo.

Đặc biệt, hiện nay Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đang xúc tiến đầu tư xây dựng tổ hợp lọc hóa dầu tại Bình Định, tổng vốn lên đến 28 tỷ USD, bởi Bình Định hội đủ các yếu tố thuận lợi mà các chuyên gia Thái Lan và thế giới đánh giá cao.

Cũng tại Hội nghị lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã cùng thảo luận, đánh giá về lợi thế hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch giữa hai nước nói chung, giữa Bình Định và 4 tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon, Amnat Charoen nói riêng. Các đại biểu xác định vai trò của biển Đông trong phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực đã được khẳng định, là chiếc cầu nối cực kỳ quan trọng. Trong đó, Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn.

Vai trò của biển Đông trong phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực đã được khẳng định, là chiếc cầu nối cực kỳ quan trọng. Bởi Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực biển Đông. Trong đó, cảng biển Bình Định là cầu nối không thể thiếu của cả khu vực rộng lớn.

Như vậy, trong thời gian không xa nữa, cảng biển của Bình Định đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Tây Nguyên, là đầu mối quan trọng trên Trục hợp tác Đông - Tây, cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng sông Mê Kông

Nằm ở phía Nam của vùng Đông Bắc của Thái Lan, 4 tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon, Amnat Charoen giáp với Lào và Campuchia, hành chính gồm 63 huyện, có tổng dân số trên 4,1 triệu người, diện tích đất canh tác nông nghiệp 1,95 triệu ha (chiếm 60,9% diện tích), với thế mạnh là sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Hiện nay, kinh tế của các địa phương này phát triển mạnh mẽ, cần thị trường đầu ra cho sản phẩm lớn, nên mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Bình Định để phát triển kinh tế hai bên.

Hội nghị là cơ hội để Bình Định giới thiệu tiềm năng, lợi thế của mình, tăng cường thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư phát triển với bạn bè trong thời gian đến.

 

Trương Chương