Hội nghị hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch Việt Nam - Thái Lan
17/05/2013

 

Nhằm tìm kiếm sự hợp tác trong lĩnh vực ngành hậu cần Logistic tiến đến hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch và thắt chặt mối quan hệ tốt giữa Bình Định và vùng Đông Bắc Thái Lan (gồm 4 tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon , Amnat Charoen), ngày 22/5/2013, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị giao lưu giữa các doanh nghiệp Bình Định với đoàn doanh nghiệp Thái Lan.

 

Nhằm tìm kiếm sự hợp tác trong lĩnh vực ngành hậu cần Logistic tiến đến hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch và thắt chặt mối quan hệ tốt giữa Bình Định và vùng Đông Bắc Thái Lan (gồm 4 tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket, Yasothon , Amnat Charoen), ngày 22/5/2013, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội nghị giao lưu giữa các doanh nghiệp Bình Định với đoàn doanh nghiệp Thái Lan.

Đoàn Thái Lan khoảng 60 đại biểu do tỉnh trưởng tỉnh Ubon Ratchathani - Vương Quốc Thái Lan Ông Wanchai Suthivorachai làm trưởng đoàn, Giám đốc Sở Thương mại các tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan, các nhà doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hậu cần (Logistic) và các lĩnh vực khác.

Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông sắt, bộ Bắc - Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Cách Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) 300km, cách tỉnh Champasak (CHDCND Lào) 600km, cách Ubon Ratchathani và Sisaket (Vương quốc Thái Lan) 1.000km

Hiện tại, tại Quy Nhơn đã có ba cảng biển hoạt động rất hiệu quả là Cảng Quy Nhơn (5 triệu tấn/năm), Tân cảng và Cảng Thị Nại (1 triệu tấn/năm). Các cảng này đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp để tăng công suất hơn nữa. Cùng với hai cảng hiện có, Bình Định còn có ba dự án xây dựng cảng đã được triển khai. Đó là dự án Cảng tổng hợp Nhơn Hội tại Khu kinh tế Nhơn Hội, rộng 165ha, Dự án Cảng tổng hợp thuế quan, cũng tại Khu kinh tế Nhơn Hội, rộng 119 ha, tổng công suất của 2 cảng này là 12 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng/năm… Thứ ba là Cảng Đống Đa, công suất 1,4 triệu tấn/năm, rộng 5 ha, đang xúc tiến đầu tư.

Vai trò của biển Đông trong phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực đã được khẳng định, là chiếc cầu nối cực kỳ quan trọng. Bởi Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực biển Đông. Trong đó, cảng biển Bình Định là cầu nối không thể thiếu của cả khu vực rộng lớn.

Như vậy, trong thời gian không xa nữa, cảng biển của Bình Định đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Tây Nguyên, là đầu mối quan trọng trên Trục hợp tác Đông - Tây, cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng sông Mê Kông… Ngoài ra, có gần 20 đại lý hãng tàu, dịch vụ vận tải đang hoạt động rất tốt và sẵn sàng phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, vận tải...

Các tỉnh miền Đông Bắc Thái Lan phía đông giáp với Lào, phía nam giáp với Campuchia, nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính của khu vực này.

Thông qua Hội nghị lần này, hy vọng sẽ đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong việc giao thương giữa các tỉnh trong Trục hợp tác Đông Tây. Với tư cách là điểm cuối của Trục hợp tác Đông Tây, Bình Định sẽ ủng hộ và làm hết sức mình để Trục hợp tác Đông Tây sớm được hình thành và phát huy tiềm lực của nó trong phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã nhiều lần nhấn mạnh như vậy.

 

Trương Chương