Hội nghị giao ban các Ban Quản lý KCN, KKT khu vực phía Nam: Đẩy mạnh thu hút vốn FDI
18/04/2013

 

Hôm nay, 18.4, tại TP Quy Nhơn, sẽ diễn ra Hội nghị giao ban các Ban Quản lý (BQL) khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là KCN, KKT) khu vực các tỉnh, thành phía Nam lần thứ 18. Hội nghị sẽ tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KKT; trao đổi kinh nghiệm tăng cường công tác quản lý tiến độ đầu tư, xây dựng, quản lý lao động nước ngoài… Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện (giữa) giới thiệu với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (bên phải) về các dự án đầu tư tại KKT Nhơn Hội.

 

Hôm nay, 18.4, tại TP Quy Nhơn, sẽ diễn ra Hội nghị giao ban các Ban Quản lý (BQL) khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất (gọi chung là KCN, KKT) khu vực các tỉnh, thành phía Nam lần thứ 18. Hội nghị sẽ tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các KCN, KKT; trao đổi kinh nghiệm tăng cường công tác quản lý tiến độ đầu tư, xây dựng, quản lý lao động nước ngoài… Ảnh: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện (giữa) giới thiệu với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (bên phải) về các dự án đầu tư tại KKT Nhơn Hội.

Thu hút FDI vào các tỉnh phía Nam

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển các KCN, KKT tại Việt Nam, ngành Công nghiệp quốc gia đã đạt được những thành tựu vượt bậc và có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Đến hết năm 2012, cả nước đã thu hút 14.522 dự án FDI từ 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với vốn đăng ký gần 211 tỉ USD, trong đó các KCN, KKT cả nước đã thu hút trên 4.550 dự án FDI với vốn đăng ký 108 tỉ USD, chiếm 31% số dự án, 51,3% vốn đăng ký.

Đối với khu vực phía Nam (từ Đà Nẵng đến Cà Mau, bao gồm 32 tỉnh, thành phố thuộc các vùng: Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long), đến nay có 180 KCN, 8 KKT ven biển và 7 KKT cửa khẩu; thu hút 3.378 dự án FDI với vốn đăng ký khoảng 48,6 tỉ USD, vốn thực hiện 22,74 tỉ USD (chiếm 74% số dự án và 45% vốn đăng ký so với tổng các KCN, KKT cả nước).

Cụ thể, vùng Duyên hải Nam Trung bộ (gồm 8 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) hiện có 29 KCN và 5 KKT. Đến hết năm 2012 đã thu hút được 223 dự án FDI với vốn đăng ký 8,07 tỉ USD, vốn thực hiện 1,82 tỉ USD, tỉ lệ 22,5%.

Vùng Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Hiện có 8 KCN và 2 KKT cửa khẩu, đến hết năm 2012 đã thu hút được 21 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 180 triệu USD, vốn thực hiện 145 triệu USD.

Vùng Đông Nam bộ gồm 6 tỉnh, TP: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện có 92 KCN, KCX và 2 KKT cửa khẩu,  đến hết năm 2012 đã thu hút được 2.776 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 35,53 tỉ USD, vốn thực hiện 19,35 tỉ USD, tỉ lệ 54,5%.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gồm 13 tỉnh, TP: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) hiện có 48 KCN, 3 KKT ven biển và 3 KKT cửa khẩu; đến hết năm 2012 đã thu hút được 358 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 4,84 tỉ USD, vốn thực hiện 1,78 tỉ USD, tỉ lệ 37%.

Theo đánh giá tại Hội nghị tổng kết 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, FDI đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng tỉ trọng hàng chế tạo. FDI cũng tác động tích cực tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Đóng góp của FDI vào ngân sách ngày càng tăng. FDI góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH; tạo việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thay đổi cơ cấu lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh; năng lực quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp, tạo thêm áp lực đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh và góp phần quan trọng vào hội nhập quốc tế…

Bên cạnh những đóng góp tích cực, thu hút FDI vào KCN, KKT vẫn còn một số hạn chế: Hiệu quả tổng thể nguồn vốn FDI chưa cao, trong công nghiệp các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; có ít dự án về cơ sở hạ tầng. Đối tác đầu tư chủ yếu từ châu Á, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỉ lệ cao. Tỉ lệ vốn thực hiện còn thấp so với vốn đăng ký. Tỉ lệ việc làm mới tạo ra không tương xứng; việc quản lý lao động người nước ngoài còn nhiều bất cập; cùng nhiều vấn đề khác đáng quan tâm khắc phục…

Thu hút vốn FDI vào Bình Định

Theo BQL KKT Bình Định, hiện trên địa bàn tỉnh có 5 KCN, trong đó KCN Phú Tài với diện tích 346 ha và KCN Long Mỹ 110 ha đã cơ bản lấp đầy. KCN Nhơn Hòa 314 ha đã lấp đầy mặt bằng giai đoạn 1 với 116 ha. KCN Hòa Hội 265 ha và KCN Cát Trinh 368 ha đang xây dựng hạ tầng. Theo quy hoạch đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 8 KCN với tổng diện tích 1.831 ha. Đối với KKT Nhơn Hội, theo quy hoạch chung khoảng 12.000 ha; mục tiêu là xây dựng và phát triển từng bước trở thành hạt nhân tăng trưởng, trung tâm đô thị công nghiệp-dịch vụ-du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là đầu mối giao lưu quốc tế quan trọng, góp phần mở rộng thị trường khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và là cầu nối với thị trường Campuchia, Lào và Thái Lan.

Nhìn chung, KKT Nhơn Hội và các KCN đã tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp, hệ thống hạ tầng nội khu đã được xây dựng khá cơ bản, bảo đảm thuận lợi để triển khai xây dựng các nhà máy cũng như đáp ứng điều kiện cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tổng vốn hạ tầng thực hiện đến nay khoảng 3.168 tỉ đồng.

Theo ông Man Ngọc Lý, Trưởng BQL KKT tỉnh Bình Định: Công tác thu hút đầu tư mà trọng tâm là thu hút FDI được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và thường xuyên của BQL KKT tỉnh. Việc triển khai được tiến hành đồng thời trên nhiều phương diện, từ công tác quảng bá, tuyên truyền đến giao dịch, đối thoại trực tiếp; kết hợp giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính với chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng xây dựng; cũng như cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, nguồn nhân lực… Công tác xúc tiến đầu tư các dự án FDI được tỉnh rất quan tâm thực hiện với nhiều hoạt động đa dạng. Nhiều hội nghị, hội thảo được chủ động tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là ở các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc… Việc liên kết phát triển 9 tỉnh khu vực duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận) nhằm nghiên cứu đề xuất các chính sách, cơ chế, định hướng thúc đẩy phát triển kinh tế Vùng cũng tạo thêm nhiều cơ hội để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư đối với khu vực FDI của địa phương. Công tác cải cách hành chính mà vấn đề cấp bách là nâng cao chỉ số năng lực lãnh đạo của địa phương cũng được thực hiện quyết liệt, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư tích cực. Nhờ đó, chỉ số PCI của Bình Định năm 2012 đã tăng ngoạn mục từ vị trí 38 lên thứ 4, thuộc top cao nhất của cả nước.

Với nhiều nỗ lực trong thời gian qua, dòng FDI cũng bắt đầu có tín hiệu chuyển hướng đến với Bình Định mà điểm nhấn là các KKT tập trung. Hiện nay, đã có 20 dự án FDI (chiếm 8,4 % tổng số dự án) với vốn đầu tư đăng ký 1,6 tỉ USD (chiếm 85% tổng vốn đầu tư) được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào KKT Nhơn Hội và các KCN Bình Định. Trong đó, có 7 dự án đã xây dựng hoàn chỉnh và đi vào hoạt động, các dự án còn lại đang trong giai đoạn xây dựng hoặc vừa triển khai vừa hoạt động từng phần. Đến nay, tổng vốn FDI thực hiện khoảng 77,9 triệu USD, đạt 4,9% vốn đăng ký. Lĩnh vực đầu tư của các dự án FDI khá đa dạng, như chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, nhựa dân dụng, may mặc, du lịch, hạ tầng KCN, … nguồn vốn chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Nga...

Tuy nhiên tỉ trọng và quy mô vốn từ các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa kỳ, Đài Loan chưa đạt sự kỳ vọng. Các dự án với quy mô lớn đa phần tập trung ở KKT Nhơn Hội được hưởng chính sách ưu đãi cao nhưng tiến độ rất chậm, tỉ lệ vốn giải ngân thấp. Hiện tại, tỉnh đang tập trung xúc tiến thu hút Dự án Tổ hợp lọc - hóa dầu quy mô 30 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn dự kiến 28,7 tỉ USD tại KKT Nhơn Hội của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, tình hình thu hút đầu tư FDI vào Bình Định cũng gặp một số khó khăn chung như cả nước và khu vực. Vì vậy, chủ đề của Hội nghị giao ban các BQL KCN, KKT khu vực phía Nam lần này là sẽ tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KKT và công tác quản lý tiến độ đầu tư; xây dựng theo quy hoạch, quản lý lao động nước ngoài trong quá trình triển khai thực hiện, với mong muốn có nhiều sáng kiến, giải pháp hữu ích được trao đổi, tham khảo, rút kinh nghiệm giữa các BQL để giúp đẩy mạnh thu hút FDI và tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp KCN, KKT ngày càng tốt hơn.

 

Tuấn Linh (nguồn: baobinhdinh.com.vn)