Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2
15/04/2013

 

Sáng ngày 12.4, tại Hội trường 2-9 TP. Pleiku, Tỉnh Gia Lai, Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 đã chính thức diễn ra, Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh Tây Nguyên phối hợp tổ chức. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên-Đại tướng Trần Đại Quang cùng lãnh đạo của một số Bộ, ban ngành của Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.

 

Sáng ngày 12.4, tại Hội trường 2-9 TP. Pleiku, Tỉnh Gia Lai, Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 đã chính thức diễn ra, Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và UBND các tỉnh Tây Nguyên phối hợp tổ chức. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Tấn Dũng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên-Đại tướng Trần Đại Quang cùng lãnh đạo của một số Bộ, ban ngành của Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên. Hơn 600 đại biểu là lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trực tiếp vào quá trình cung cấp vốn cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư tại khu vực Tây Nguyên, đại diện 450 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng tham dự sự kiện quan trọng này. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị.

Về phía tỉnh Bình Định, tham dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh.Tham gia hội nghị lần này, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh đã gửi đến các đại biểu tham dự hội nghị tài liệu quảng bá, giới thiệu về tỉnh Bình Định, danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh năm 2013 – 2015.

Là sự kiện xúc tiến đầu tư trọng điểm cấp quốc gia, Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 lần này là nhằm mục đích tiếp tục tạo cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào khu vực Tây Nguyên; giới thiệu, quảng bá đến các nhà đầu tư, các doanh nghiệp về tiềm năng, thế mạnh, các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư tạo điều kiện đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên…

Tại Hội nghị, nhiều thông tin quan trọng liên quan tới các lĩnh vực, chính sách đầu tư, chương trình hỗ trợ vốn… được giới thiệu đến các nhà đầu tư. Hội nghị cũng cung cấp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư những thông tin có hệ thống về các dự án và lĩnh vực kêu gọi đầu tư. Cụ thể, từ nay đến năm 2020, vùng Tây Nguyên tập trung khuyến khích ưu tiên thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước (đặc biệt là FDI) vào các lĩnh vực: Phát triển cơ sở hạ tầng (tập trung ưu tiên cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông), lĩnh vực nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến (hướng đến nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, hiệu quả kinh tế-xã hội, thiết thực, đặc biệt hướng tới ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông-lâm sản); lĩnh vực công nghiệp, du lịch và dịch vụ…

Với diện tích tự nhiên hơn 5,4 triệu héc-ta, trong đó có 1,36 triệu héc-ta đất đỏ bazan, dân số 4,8 triệu người, có đặc thù văn hóa đa dạng và phong phú, Tây Nguyên thực sự là vùng đất giàu tiềm năng lợi thế phát triển, nhất là về nông, lâm nghiệp, thuỷ điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là vùng khó khăn, sản xuất chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, đời sống một bộ phận đồng bào DTTS còn thấp. Do vậy, đầu tư để phát triển Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và sự ổn định, phát triển bền vững đất nước, bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Tây Nguyên là vùng đất có tiềm năng to lớn, thời gian qua Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên. Có nhiều chính sách ưu đãi với Tây Nguyên nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, Quốc lộ 14, 19, đường Đông Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các sân bay ngày càng được nâng cấp mở rộng. Hiện nay, Tây Nguyên là vùng sản xuất nhiều loại nông sản hàng hoá với sản lượng lớn, chất lượng và giá trị kinh tế ngày càng tăng, có lợi thế cạnh tranh cả trong và ngoài nước như cà phê, cao su, chè, tiêu, bông vải, dược liệu, cây ăn quả, nguyên liệu giấy... Thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh từ 2,9 triệu đồng (năm 2001) lên 26,9 triệu đồng năm 2012. Kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho khu tam giác Việt Nam- Lào- Cam-pu-chia phát triển. Đến nay, Tây Nguyên mới thu hút được 169 dự án với tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 1 tỷ USD, chỉ bằng 1,2% về số dự án và 0,4% về tổng vốn FDI đăng ký của cả nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ đạo tiếp tục xây dựng Tây Nguyên phát triển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông, nâng cấp các sân bay…; các địa phương cần tăng cường phối hợp, cùng nhau tận dụng vốn quí về tiềm năng đất đai, cây công nghiệp, du lịch…; các bộ, ngành phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên, các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào Tây Nguyên, đầu tư trọng điểm có tính lan tỏa; tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao nguồn vốn đầu tư, tiếp sức và tạo đà cho Tây Nguyên phát triển và ngày càng hấp dẫn, góp phần tạo điều kiện để Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước,

Ngoài ra, một số doanh nghiệp gắn bó với Tây Nguyên cũng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như đóng góp ý kiến quan trọng dành cho các Bộ, ngành và địa phương trong việc tạo điều kiện để thu hút các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư hiệu quả tại Tây Nguyên. Tại Hội nghị, một số doanh nghiệp và ngân hàng đã ký các văn kiện hợp tác; đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã đóng góp một lượng vật chất đáng kể vào chương trình phát triển nhằm tạo an sinh xã hội cho khu vực Tây Nguyên.

 

Trương Chương