Tọa đàm trực tuyến về xúc tiến đầu tư Duyên hải miền Trung
25/03/2013

 

Từ 9h sáng nay, 24/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến đầu tư vùng Duyên hải miền Trung”. Ảnh: Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến.  

 

Từ 9h sáng nay, 24/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với VTV Đà Nẵng tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Xúc tiến đầu tư vùng Duyên hải miền Trung”. Ảnh: Toàn cảnh tọa đàm trực tuyến.  

Vùng Duyên hải miền Trung gồm 9 tỉnh, thành là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, là khu vực có thời tiết khắc nghiệt, bù lại, nơi đây được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều tiềm năng, lợi thế về biển. Nhưng miền Trung chưa phải là vùng đất giàu.

Để thu hút các nhà đầu tư đến vùng đất này, các tỉnh miền Trung đã và đang nỗ lực tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, cụ thể là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các cơ chế, chính sách, các dịch vụ hỗ trợ, là đào tạo nguồn nhân lực…

Bên cạnh những lợi thế chung về tiềm năng du lịch biển, giao thông, cảng biển, những di sản văn hóa thế giới… mỗi tỉnh Duyên hải miền Trung cũng xác định cho mình những lợi thế so sánh để cạnh tranh. Đó là một trong nhiều nội dung sẽ được trao đổi trong toạ đàm trực tuyến “Xúc tiến đầu tư vùng Duyên hải miền Trung” với sự tham dự của các vị khách mời: Ông Lê Trường Lưu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế; ông Hồ Quốc Dũng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; ông Trịnh Minh Vân, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư miền Trung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chương trình sẽ được phát trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, phát sóng trực tiếp trên VTV Đà Nẵng, tiếp sóng trên Đài Phát thanh truyền hình Bình Định, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC1, SCTV - kênh 81 và MyTV - kênh 9 phát sóng toàn quốc.

BTV: Như quý vị đã xem qua đoạn phim ngắn vừa rồi, lợi thế chung của các tỉnh duyên hải miền Trung , đó là lợi thế về tiềm năng du lịch biển, về giao thông, cảng biển, về những di sản văn hóa thế giới,… Nhưng bên cạnh đó, mỗi địa phương cũng xác định cho mình những lợi thế so sánh để cạnh tranh. Vậy thưa ông Lưu , đối với tỉnh TT- Huế, lợi thế so sánh là gì ?

Ông Lê Trường Lưu: Thừa Thiên Huế có dân số 1,1 triệu người, có hệ thống giao thông, đường bộ, đường sắt,  có cảng nước sâu Chân Mây, cảng hàng không quốc tế Phú Bài, nên có thể nói chúng tôi có hệ thống hạ tầng tương đối hoàn thiện.

Thừa Thiên Huế cũng là tỉnh động lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cửa ngõ hành  lang kinh tế Đông Tây, là trung tâm văn hoá du lịch đặc sắc với thành phố di sản Huế, nhã nhạc cung đình, và nhiều danh lam thắng cảnh, du lịch là mũi nhọn phát  triểncủa tỉnh.

Năm 2012 tỉnh đã đón 2,4 triệu khách du lịch, trong đó khách nước ngoài là 870.000 người. Thừa Thiên Huế còn có có trung tâm y tế chuyên sâu, với bệnh viện Trung ương Huế với 2.000 giường và đại học Y dược Huế  và nhiều thiết chế như bệnh viện quốc tế, bệnh viện đa khoa Phong Điền. Thừa Thiên Huế còn là trung tâm  giáo dục đào tạo với 10 trường đại học  thành viên với nhiều GS, TS, hàng năm  đào tạo 50.000 sinh viên, cùng hệ thống trường cao đẳng nghề.

Ông Hồ Quốc Dũng: Tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế. Thứ nhất, có vị trí địa lý tương đối thuận lợi,  nằm ở trung tâm trục Bắc – Nam , nên có cả hệ thống đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và là cửa ngõ ra biển gần nhất, thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên.

Thứ hai, Bình Định là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử, là cố đô của Vương quốc Chăm Pa, là nơi là nơi phát tích của nhà Tây Sơn mà lịch sử đã ghi dấu ấn những chiến công hiển hách của Hoàng đế Quang Trung.

Bình Định cũng là một địa danh võ thuật, với môn võ Tây Sơn nổi tiếng, hiện phổ biến ở nhiều quốc gia.

Đây cũng là nơi sản sinh nghệ thuật tuồng và cũng là mảnh đất của văn chương, thi ca vì nơi đây đã sản sinh, nuôi dưỡng những nhà thơ lớn như Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu…

Bình Định cũng được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh để phát triển du lịch, có nguồn tài nguyên phong phú với 18 loại khoáng sản như titan, đá granit… Chúng tôi xác định khai thác khoáng sản là một trong những lĩnh vực thế mạnh của mình.

Chúng tôi sẽ có cơ chế, chính sách để phát huy cao nhất thế mạnh để tăng tốc phát triển, trở thành động lực phát triển cho các tỉnh duyên hải miền Trung.

BTV: Có thể nói khai thác lợi thế cạnh tranh là một trong những cách để thu hút đầu tư rất hiệu qủa. Nói lợi thế cạnh tranh không hẳn phải là cái ưu mà là cái để tạo ra sự khác biệt. Thưa ông Vân, để các địa phương  làm tốt việc khai thác lợi thế cạnh tranh, định hướng chiến lược xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung như thế nào ?

Ông Trịnh Minh Vân: Theo quy chế xúc tiến đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tỉnh miền Trung, các đầu mối xúc tiến đầu tư để xây dựng tổng thể chiến lược xúc tiến đầu tư của từng địa phương và cả khu vực.

Cụ thể, về lĩnh vực lựa chọn thu hút đầu tư, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa. Về đối tác thu hút đầu tư là các đối tác chiến lược và tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore...

Về phương thức triển khai theo hướng đa dạng hóa hình thức như tổ chức hội nghị, hội thảo, tài liệu, xây dựng cổng thông tin về đầu tư vào khu vực… cho đồng bộ.

Đặc biệt là về tăng cường liên kết đầu tư, tập trung vào thu hút đầu tư vào khu kinh tế, đào tạo nhân lực… từ đó tạo kịch bản tổng thể đảm bảo lợi thế của từng địa phương và toàn vùng.

BTV: Thực tế cho thấy những yếu tố tác động nhiều đến thu hút đầu tư là giao thông- hay nói rộng hơn là cơ sở hạ tầng, là dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư (như thủ tục hành chính, chính sách về vốn,. ..), là mặt bằng, là nguồn nhân lực,… Chắc các vị đây đều đồng quan điểm rằng để thu hút đầu tư mạnh thì cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước, phải được coi là khâu đột phá. Với TT – Huế, năm 2013 này được gọi là “ năm xây dựng hạ tầng và xúc tiến đầu tư” . Thưa ông Lưu, điều đó có nghĩa là gì ạ ?

Ông Lê Trường  Lưu: Cơ sở hạ tầng ở miền Trung đã đảm bảo liên kết nhưng vẫn còn hạn chế, về giao thông nội bộ chúng ta có đường bộ, đường sắt, tuy nhiên chất lượng còn kém, tốc độ lưu thông chậm. Về giao thông đối ngoại thì có cảng biển, sân bay nhưng quy mô nhỏ, lượng hàng hoá thông qua chưa đáp ứng yêu cầu phát triển

Ông Hồ Quốc Dũng: Ở các tỉnh miền Trung, hệ thống cơ sở hạ tầng đầy đủ, đồng bộ với đường bộ, đường sắt,  cảng biển, có hàng không nhưng chưa tương xứng với thế mạnh. Ở miền Trung khó nhất trong thu hút đầu tư là cơ sở hạ tầng, do khu vực này cách xa hai đầu đất nước, chạy dài trên địa hình phức tạp, làm cho giao lưu giữa các địa phương khó khăn. Vì vậy, làm thế nào để tạo được hệ thống giao thông đồng bộ thì cần có hợp tác, từng địa phương cần nỗ lực nhưng cũng rất cần sự quan tâm của Trung ương. Ví dụ từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định chỉ có một con đường độc đạo, trong khi đó đường đã xuống cấp nghiêm trọng… Vì vậy, cần phải hoàn thiện hệ thống giao thông trước hết là đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1A.

BTV: Có một điều cũng rất cần được đặt ra ở đây, đó là đẩy mạnh đầu tư nhưng không có nghĩa là thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải có cơ chế ràng buộc, tránh dự án treo, tránh lãng phí đất, và nhất là phải phù hợp với định hướng phát triển vùng và khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Thưa ông Vân, nhìn lại thời gian qua ông thấy các địa phương có vấn đề gì đáng nói ?

Ông Trịnh Minh Vân: Quá trình thu hút đầu tư nước ngoài đem lại tác động tích cực cho nền kinh tế nhưng mặt trái là gây ô nhiễm môi trường, công nghệ cũ, chuyển vốn ra nước ngoài…. Theo quan điểm của chúng tôi, nguyên nhân của tình trạng trên là do thu hút đầu tư bằng mọi giá. Giai đoạn đầu chúng ta chấp nhận đầu tư bằng mọi cách, chưa quá chú trọng đến vấn đề môi trường, công nghệ, tiêu tốn tài nguyên khoáng sản... Giai đoạn thứ hai sau khi Chính phủ phân cấp đầu tư thì một số địa phương đã xé rào, ưu đãi vượt ngưỡng. Bộ trường Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh đã nói đến lúc phải chấm dứt kêu gọi đầu tư bằng mọi giá.

Đối với Duyên hải miền Trung là vùng phát triển kinh tế còn thấp so với 2 đầu đất nước, cơ sở hạ tầng còn yếu, lợi thế tương đồng nên chính sách kêu gọi và ưu đãi đầu tư giữa các địa phương là tương đối giống nhau nên đã có tình trạng đầu tư bằng mọi giá. Từ những bất cập nêu trên, có thể nói đã đến lúc cần xây dựng một không gian kinh tế lành mạnh, làm thế nào thu hút đầu tư nhưng không phá vỡ tổng thể, không làm cho tỉnh bạn yếu đi, không làm phá vỡ tính lan toả, và từ đó có thể thấy đây là một vùng có thể phát triển mạnh và bền vững thông qua liên kết, hợp tác.

BTV: Trước khi vào đầu tư, nhà đầu tư quan tâm không chỉ hạ tầng mà là cơ chế chính sách. Bên cạnh chính sách từ Trung ương, các địa phương cũng có chính sách ưu đãi riêng. Vậy các địa phương có những ưu đãi gì?

Ông Lê Trường Lưu: Trong chính sách của Chính phủ, Thừa Thiên Huế dành ưu đãi tối đa cho nhà đầu tư như ưu đãi về đất đai, thuế. Thừa Thiên Huế hết sức quan tâm hỗ trợ đào tạo nhân lực, một  lợi thế cạnh tranh của miền Trung.

Tỉnh đầu tư hoàn chỉnh các khu công nghiệp, khu kinh tế, tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính. Là một tỉnh du lịch, chúng tôi cũng dành nhiều ưu tiên để thu hút đầu tư vào  công nghệ xanh, sạch, có giá trị gia tăng cao, tập trung các lĩnh vực sử dụng nhiều nhân lực như dệt may, chế biến.

Ông Hồ Quốc Dũng: Bình Định đang tập trung thu hút nhiều dự án lớn. Dự án đầu tiên là dự án lọc hóa dầu của Tập đoàn dầu khí quốc gia Thái Lan, đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư. Chúng tôi đã tiến hành đàm phán gần 2 năm nay và đang trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhiều dự án công nghiệp và du lịch trọng điểm.Trong đó, có 2 dự án du lịch chúng tôi tạo điều kiện tối đa. Đó là khu du lịch Hải Giang do Tập đoàn VinGroup đầu tư, dự kiến khởi công vào ngày 30/3 này. Thứ hai là khu du lịch Vĩnh Hội do một doanh nghiệp Mỹ đầu tư với số vốn 250 triệu USD trên diện tích 300 ha.

Để thu hút đầu tư, chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng 4 công việc:

-Thứ nhất, quy hoạch phải có sẵn.

-Thứ hai, cơ sở hạ tầng phải có sẵn. Chúng tôi đã bỏ ra trên 1.000 tỷ đồng để đầu tư toàn bộ hạ tầng của khu kinh tế Nhơn Hội, sẵn sàng đón nhà đầu tư.

-Thứ ba là chuẩn bị sẵn chính sách, không thay đổi để nhà đầu tư yên tâm.

-Thứ tư là chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, đón đầu các dự án lớn.

Chúng tôi vận dụng tối đa chính sách chung của Nhà nước và có chính sách phù hợp với đặc thù địa phương. Cụ thể, để thu hút nhà đầu tư, Bình Định áp dụng giá thuê đất thấp nhất trong khung giá của Chính phủ. Thứ hai, chúng tôi có chính sách từ khâu đầu đến khâu cuối, tức là từ chuẩn bị đầu tư đến xúc tiến đầu tư. Tại khâu chuẩn bị đầu tư, chúng tôi hỗ trợ về thông tin, đo đạc, hỗ trợ đánh giá tác động môi trường… Có lĩnh vực chúng tôi hỗ trợ 100% kinh phí về đánh giá tác động môi trường.

Về giải phóng mặt bằng, khi nhà đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, tỉnh hỗ trợ 100%, theo hướng nhà nước bỏ ra 50%, nhà đầu tư 50% và sau khi nhà đầu tư vào thì sẽ hoàn trả lại. Như vậy, để tăng tính cam kết, trách nhiệm của nhà đầu tư.

Chúng tôi cũng hỗ trợ về xử lý môi trường, khi đầu tư vào khu công nghiệp, nhà đầu tư được hỗ trợ 150 triệu đồng/ha và hỗ trợ 15% mức đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải.

Thứ nữa là hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật như hỗ trợ về đường, điện, nước đến chân hàng rào, còn trong hàng rào thì nhà đầu tư sẽ tự thực hiện.

Bên cạnh đó, có hỗ trợ về đào tạo nghề. Nếu nhà đầu tư tự đào tạo thì nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí. Kinh nghiệm của chúng tôi là không hỗ trợ hoàn toàn để tránh việc nhà đầu tư ỷ lại.

BTV:  Theo các vị trong các yếu tố thì yếu tố nào cần nhiều thời gian: nhân lực, chính sách, cơ sở hạ tầng?

Ông Lê Trường Lưu: Tuỳ từng thời điểm, chính sách và dự án cụ thể nhưng vấn đề quan trọng nhất là cơ sở hạ tầng, điện nước, giải phóng mặt bằng… vốn là yếu tố cản trở nhà đầu tư lâu nay.

Ông Hồ Quốc Dũng: 4 yếu tố trên đều rất quan trọng nhưng đầu tiên là chúng ta phải đầu tư sẵn hạ tầng chứ nếu không họ sẽ chậm tiến độ đầu tư, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án.

BTV: Các nhà đầu tư đã có nhiều kiến nghị về môi trường đầu tư, thưa ông Vân, ông đánh gì về những ý kiến đó?

Ông Trịnh Minh Vân: Từ khi có sự liên kết xúc tiến đầu tư giữa 9 tỉnh miền Trung đã tạo hình ảnh rõ hơn về điểm đến đầu tư của các tỉnh và khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, kiến nghị của các nhà đầu tư đặt ra cho chúng ta suy nghĩ phải tăng cường hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Ông Lê Trường Lưu: Vấn đề xúc tiến đầu tư thì quan trọng là cần xem xét nhà đầu tư muốn gì và chúng ta có những gì và khả năng đáp ứng đến đâu. Để có môi trường đầu tư tốt, chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, hạn chế những khiếm khuyết.

BTV: Đầu tư trực tiếp nước ngoài đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển KT của VN, nhất là từ khi chúng ta có Luật đầu tư nước ngoài được ban hành năm 1987, đến nay đã 25 năm. Thưa ông Vân, ngoài những con số biết nói thì theo đánh giá của ông, thành quả lớn nhất sau 25 năm thực hiện Luật đầu tư nước ngoài là gì?

Ông Trịnh Minh Vân: Đến nay FDI là một nguồn vốn góp phần thực sự vào tăng trường kinh tế, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, dịch chuyển cơ cấu lao động, tạo nhiều việc làm, nguồn nhân lực cao. Nó đã tác động rất mạnh vào quá trình cạnh tranh ở 3 cấp độ doanh nghiệp, quốc gia, sản phẩm. Giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị, góp phần tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là quá trình quan trọng góp phần phần vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Bạn Thái Công Đào hỏi: Dự án nhà máy bột giấy Mỹ Châu đã được tỉnh Bình Định phê duyệt 4 năm nay, xin ông cho biết hiện tiến độ dự án này đến đâu và có khả thi hay không?

Ông Hồ Quốc Dũng: Đối với dự án nhà máy bột giấy Mỹ Châu thì tỉnh Bình Định đã cấp phép được 4 năm, nhưng qua soát xét thì thấy không khả thi nên chúng tôi đã thu hồi giấy phép đầu tư dự án này.

BTV: Một khán giả hỏi Thừa Thiên Huế đang kêu gọi đầu tư khu công nghệ cao Chân Mây - Lăng Cô, xin ông cho biết những chính sách ưu tiên, ưu đãi cụ thể?

Ông Lê Trường Lưu: Chúng tôi đã có văn bản quy định chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, nêu rõ ưu đãi về tiền thuê đất, giải phóng mặt bằng, đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại. Nhà đầu tư quan tâm có thể cập nhập thông tin trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế.

BTV: Thời gian qua Chính phủ tạo điều kiện khai thác những mỏ Titan mới, vậy ở Thừa Thiên Huế thì triển khai chính sách này ra sao?

Ông Lê Trường Lưu: Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, diện tích được khảo sát, khai thác titan không lớn, và có một công ty TNHH của nhà nước làm công tác này. Tỉnh cũng đã hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư, yêu cầu doanh nghiệp khai thác Titan cam kết bảo vệ môi trường nhưng diện tích khai thác cũng hạn chế do có thể ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và hệ thống rừng phòng hộ ven biển.

BTV: Liên kết là vấn đề quan trọng đối với miền Trung và nên bắt đầu như thế nào?

Ông Hồ Quốc Dũng: Liên kết là vấn đề bức thiết. Cái khó của miền Trung là nguồn lực hạn chế. Miền Trung trải dài nên không thể lấy một tỉnh nào để làm động lực. Do vậy, liên kết phải bắt đầu từ quy hoạch, không thể tiếp tục tình trạng tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, hạ tầng giống nhau, lĩnh vực kinh tế na ná nhau.

Chúng ta cần bắt đầu từ quy hoạch, lãnh đạo các tỉnh miền Trung phải ngồi lại xem lại lợi thế của mình và lựa chọn hướng đi. Các tỉnh miền Trung không nên cạnh tranh với nhau.

Ông Lê Trường Lưu: Tôi thống nhất với ý kiến của ông Dũng. Liên kết là để khai thác hiệu quả lợi thế của các địa phương và cả vùng. Ví dụ như du lịch, một tiềm năng lớn của miền Trung, liên kết có thể phát huy rất tốt lợi thế này.

Ông Trịnh Minh Vân: Để liên kết chúng ta cần thực hiện hai bước là tạo đồng thuận và nâng cấp đồng thuận đó. Hiện các tỉnh miền Trung đã có được sự đồng thuận, 9 tỉnh trong khu vực đã ngồi lại với nhau để tạo bức tranh chung. Khu vực miền Trung đã có nhiều liên kết vùng.

Theo tôi, bắt đầu liên kết, chúng ta cần xem lại quy hoạch khu vực, quy hoạch của từng tỉnh để viết lại kịch bản tổng thể để phân vai cụ thể cho từng tỉnh về công nghiệp, hóa dầu, du lịch… Tôi ví dụ như không nên dồn các dự án công nghiệp nặng về Đà Nẵng, còn công nghiệp phụ trợ và công nghiệp ô tô nên tập trung vào Khu kinh tế biển Chu Lai (Quảng Ngãi)…

Còn về nhạc trưởng liên kết, tôi nghĩ không nhất thiết phải là một tỉnh nào đó mà là sự ràng buộc. Vai trò điều phối liên kết vùng có thể luân phiên thực hiện.

BTV: Nếu phân vai thì Thừa Thiên Huế sẽ nhận vai gì, thưa ông Lưu?

Ông Lê Trường Lưu: Với vai trò là trung trung tâm văn hoá du lịch, đào tạo và y tế ở khu vực miền Trung thì Thừa Thiên Huế xác định tập trung phát triển những ngành trên. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ phát triển trung tâm đô thị. Như vậy, trong các tỉnh của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung việc “phân vai” đã tương đối rõ, tuy nhiên, xác định vai trò “nhạc trưởng” chưa rõ nét và để khắc phục thì 9 tỉnh đã thống nhất hàng năm họp đánh giá quá trình thực hiện để đảm bảo phát huy lợi thế của từng tỉnh. Hoặc như Đà Nẵng đã có sân bay, đường bay quốc tế, nếu tập trung vào phát triển thu hút du khách, mở thêm nhiều đường bay quốc tế đến Đà Nẵng thì các tỉnh miền Trung sẽ được lợi rất lớn.

BTV: Còn đối với Bình Định thì sao thưa ông Dũng?

Ông Hồ Quốc Dũng: Bình Định đang có lợi thế rất lớn về nguồn tài nguyên, có cảng Quy Nhơn là 1 trong 3 cảng lớn quốc gia, chiến lược phát triển của chúng tôi không phát triển mạnh du lịch mà đi sâu vào công nghiệp và dịch vụ. Về công nghiệp là khu lọc hoá dầu của nhà đầu tư Thái Lan, phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, dịch vụ tài chính là động lực phát triển cực Nam của Duyên hải miền Trung, Nam lào và cả Campuchia, Thái Lan.

BTV: Trong 2 ngày 21 và 22/3 tại Đà Nẵng vừa diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung với sự tham gia của hơn 400 đại biểu. Thưa ông Vân, nhân đây xin ông cho biết, từ hội nghị này có thêm những thông tin gì mới đáng quan tâm và mở ra triển vọng gì cho liên kết vùng ?

Ông Trịnh Minh Vân: Có thể nói đây là hội nghị lớn, đã có những thoả thuận, cam kết đầu tư và Duyên hải miền Trung với con số ấn tượng là khoảng 31 tỷ USD và 400 tỷ đồng, với những hợp đồng tín dụng rất lớn…

Đây là hội nghị thành công tốt đẹp, mở ra triển vọng to lớn tại khu vực. Trong hội nghị này, chúng tôi đã tiếp cận làm việc với 3 đoàn và manh nha 2 dự án lớn là dệt may dự kiến triển khai tại Quảng Nam (với khoảng 5.000 nhân công) và một dự án về bệnh viện quốc tế. Điều đó nói lên Duyên hải miền Trung, với những tiềm năng, lợi thế ngày càng rõ nét, đang là điểm đến của các nhà đầu tư. Thứ hai hội nghị đã đưa ra thông điệp liên kết đồng bộ, hài hoà lợi ích giữa các tỉnh khu vực, và điều này đã cho thấy sự chín muồi trong liên kết vùng Duyên hải miền Trung. Mô hình của hội nghị lần này có thể được nhân rộng cho cả các tỉnh trong vùng và cả quốc gia.

BTV: Một thành công của hội nghị là đã có hơn 730 dự án được ký kết với tổng trị giá hơn 30 tỷ USD. Tỉnh Bình Định cũng là một trong những địa phương gặt hái thành công lớn từ hội nghị này với dự án trị giá hàng chục tỷ USD. Cụ thể là như thế nào, thưa ông Dũng ?

Ông Hồ Quốc Dũng: Đó là dự án tổ hợp lọc hoá dầu của Thái Lan, ước tính khoảng 27 tỷ USD, là một trong  6 tổ hợp lọc hoá dầu lớn nhất, hiện đại nhất thế giới. Lý do nhà đầu tư Thái Lan chọn khu kinh tế Nhơn Hội, Bình Định, để triển khai dự án này là do Khu kinh tế Nhơn Hội được đầu tư hạ tầng khá đồng bộ, có cảng nước sâu, lại nằm giữa hai đầu đất nước nên có thể cung cấp sản phẩm thuận lợi cho các nước trong khu vực.

Dự án này chúng tôi đã xúc tiến 2 năm nay, ban đầu nhà đầu tư dự kiến đầu tư dự án quy mô nhỏ như Dung Quất, Vũng Rô, Nghi Sơn… nhưng nếu với quy mô nhỏ thì thu hồi vốn khó khăn nên nhà đầu tư đã quyết định nâng mức đầu tư, lập báo cáo tiền khả thi rất công phu, để trình Chính phủ xem xét. Nếu dự án này được triển khai đúng tiến độ sẽ là bước nhảy vọt về kinh tế của tỉnh Bình Định và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.

BTV: Đối với Thừa Thiên Huế thì sao, thưa ông Lưu?

Ông Lê Trường Lưu: Tại hội nghị này, chúng tôi kêu gọi đầu tư vào các dự án sản xuất chế biến thực phẩm, chăn nuôi, đầu tư vào hạ tầng khu công nghiệp. Tuy nhiên, tại hội nghị lần này, chúng tôi mới chỉ tiếp xúc bước đầu sắp tới sẽ mời nhà đầu tư đến tỉnh để trao đổi cụ thể.

BTV: Những thông tin như các vị khách vừa trao đổi không chỉ nêu bật thành công của hội nghị xúc tiến đầu tư mà còn là những tín hiệu đáng mừng về lĩnh vực thu hút đầu tư vùng duyên hải miền Trung.  Trong 25 năm đổi mới, vùng duyên hải miền Trung đã có những bước phát triển ấn tượng và đang trở thành một khu vực kinh tế năng động của cả nước, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,5%/năm trong giai đoạn 2006-2011, cao gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm để làm sao sự phát triển đó ngày càng bền vững và mang tính liên kết chặt chẽ.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị khán giả đã quan tâm theo dõi và đặt câu hỏi cho khách mời. Xin tạm biệt và hẹn gặp lại.

 

Tuấn Linh (nguồn: baochinhphu.vn)