Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển
07/02/2013

 

Ngày 22/01/2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Ảnh: Eo gió thuộc bán đảo Phương Mai - tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển.

 

Ngày 22/01/2013, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đặt mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp với hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển. Ảnh: Eo gió thuộc bán đảo Phương Mai - tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển.

Theo Quyết định, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh. Phát triển đồng thời cả du lịch nội địa và du lịch quốc tế; chú trọng du lịch quốc tế đến; tăng cường quản lý du lịch ra nước ngoài. Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo hài hòa tương tác giữa khai thác phát triển du lịch với bảo vệ giá trị tài nguyên tự nhiên và nhân văn. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia về yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng các vùng, miền trong cả nước; tăng cường liên kết phát triển du lịch.

Định hướng phát triển du lịch góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam; phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tăng cường đoàn kết, hữu nghị, tinh thần tự tôn dân tộc.Tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh và giải quyết các vấn đề xã hội. Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đảm bảo môi trường du lịch là yếu tố hấp dẫn, quyết định chất lượng, giá trị thụ hưởng du lịch và thương hiệu du lịch. Góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Theo quy hoạch mục tiêu phát triển 7 vùng du lịch với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng; 46 khu du lịch quốc gia; 41 điểm du lịch quốc gia; 12 đô thị du lịch và một số khu, điểm du lịch quan trọng khác tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho các vùng và cả nước. Kèm theo quyết định này danh mục các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia và đô thị du lịch.

Theo quy hoạch, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh, thành phố. Đà Nẵng - Quảng Nam gắn với Sơn Trà, Hải Vân, Hội An, Mỹ Sơn... Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa gắn với các bãi biển Phương Mai, Đầm Ô Loan, vịnh Nha Trang, Cam Ranh... Bình Thuận gắn với biển Mũi Né, đảo Phú Quý...Hướng khai thác sản phẩm đặc trưng: Du lịch biển, đảo. Du lịch tham quan di tích (hệ thống di sản) kết hợp du lịch nghiên cứu bản sắc văn hóa (văn hóa Chăm, các dân tộc thiểu số ở Đông Trường Sơn). Du lịch MICE (Hội họp, khuyến thưởng, hội nghị, triển lãm).

Bình Định hiện có 150 di tích lịch sử văn hóa (LSVH) và danh thắng đã được quy hoạch. Các di tích LSVH ở tỉnh Bình Định bao gồm các nhóm: di tích văn hóa Champa; di tích lịch sử và cách mạng thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ… Trong đó, có các di tích tiêu biểu như: Di tích đền thờ 3 anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ); các di tích văn hóa Champa như: tháp Bánh ít, tháp Đôi, tháp Cánh Tiên, cụm tháp Dương Long; căn cứ Núi Bà; chùa Linh Phong…

Bình Định còn được người ta biết đến với nhiều bãi biển đẹp, nước trong cát trắng lấp lánh ánh vàng. Đến Bình Định du khách sẽ có cơ hội đắm mình trong làn nước trong xanh của một trong những bãi biển đẹp nhất Nam Trung Bộ, như bãi biển Cát Hải, hay thả hồn phiêu du với phong cảnh hữu tình và không khí mát lạnh nơi chân đồi Ghềnh Ráng, hay ghé thăm đầm Thị Nại - Phương Mai vào mỗi buổi ban mai hay những tối trăng tròn để thưởng ngoạn cảnh đẹp nơi đây. Khu du lịch Phương Mai nằm trong danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia.

Trong năm 2012, tỉnh Bình Định có 1.462.314 lượt khách (tăng 24% so với năm 2011). Trong đó có 120.747lượt khách quốc tế (tăng 28%)  và 1.341.567 lượt khách nội địa (tăng 24%). UBND tỉnh có Quyết định về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2015; và ban hành Quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển các lò võ cổ truyền để phục vụ du lịch đến năm 2015.
 
Trương Chương