Nhân dịp UBND tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, binhdinhinvest.gov.vn xin trích đăng bài viết của ông Nguyễn Bay - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư về vấn đề này.
Nhân dịp UBND tỉnh tổng kết 5 năm thực hiện quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, binhdinhinvest.gov.vn xin trích đăng bài viết của ông Nguyễn Bay - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư về vấn đề này.
Trong 2 năm 2007 và 2008, Thủ tướng Chính phủ và sau đó là UBND tỉnh Bình Định cũng đã ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Tôi cho rằng, việc ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí là rất cần thiết để đảm bảo quyền tự do ngôn luận của công dân và của báo chí. Đảm bảo sự công khai, minh bạch hóa thông tin của các cơ quan hành chính Nhà nước và những người có trách nhiệm trong hoạt động quản lý Nhà nước.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt Quy chế này đã tạo cơ hội cho báo chí cũng như công chúng tiếp cận đầy đủ hơn những nguồn tin chính thống, hữu ích, tin cậy, chính xác nhất với những sự kiện, vấn đề nóng, nhạy cảm.
Trong các năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, mà trực tiếp là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động mang tính quảng bá hình ảnh của tỉnh đến với cộng đồng trong và ngoài nước, đặc biệt là các hội nghị xúc tiến đầu tư (XTĐT) vào tỉnh và XTĐT lớn có tính chất vùng và quốc gia. Công tác XTĐT đã thu được những kết quả nhất định, thể hiện được tính chuyên nghiệp, đặc biệt là việc chuẩn bị tài liệu quảng bá hình ảnh của tỉnh để thu hút đầu tư.
Qua 5 năm thực hiện Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí cơ quan, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Bình Định đã nghiêm túc thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho các nhà báo tác nghiệp, tiếp nhận được nguồn thông tin chính thống từ các cơ quan.
Trung tâm có phân công người được phát ngôn cụ thể. Những người này đã thực hiện tốt việc cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tiếp nhận nguồn thông tin chính thức, đầy đủ, kịp thời, chính xác, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Những người được phân công phát ngôn và cung cấp thông tin đều bảo đảm các tiêu chuẩn, năng lực, hiểu biết, nắm vững các quy định pháp luật về báo chí; có khả năng giao tiếp, phân tích, tổng hợp, xử lý thông tin; có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng; có phẩm chất đạo đức tốt, trung thực khách quan, am hiểu sâu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thuộc lĩnh vực của cơ quan quản lý.
Thông tin do Trung tâm phát ngôn được đăng, phát chính xác, kịp thời, đúng thực tiễn xã hội, phản ánh sâu rộng về những thuận lợi, khó khăn cũng như những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện quản lý Nhà nước trên lĩnh vực phạm vi quản lý của mình, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở địa phương.
Trung tâm thường xuyên cộng tác, phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam, Báo Đối ngoại Vietnam Economic News, Báo Thế giới và Việt Nam, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Tạp chí Vietnam Business Forum, Báo Đầu tư, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Thương mại, Tạp chí Quản lý Nhà nước, Hãng Truyền thông Ngôi sao Việt, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu, Báo Bình Định, Đài Phát thanh Truyền hình Bình Định... giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, quảng bá hình ảnh của tỉnh.
Trung tâm cũng đã làm tốt công tác thông tin, xuất bản sách. Đặc biệt, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Bình Định còn thường xuyên đăng tải thông tin liên quan đến hoạt động XTĐT và hợp tác bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh trên trang tin www.binhdinhinvest.gov.vn. Đây cũng là 1 kênh thông tin chính thống để cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng nghiên cứu, đăng tải lại.
Hiện nay hầu hết các cơ quan hành chính đều đã có người phát ngôn, tuy nhiên việc phát ngôn chưa mang tính kịp thời, ngại tiếp xúc báo chí hoặc né tránh, cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc cung cấp thông tin cho báo chí còn mang tính bị động. Bên cạnh đó, việc đưa thông tin trên các trang thông tin điện tử của một số cơ quan cũng còn chậm và chưa cập nhật thường xuyên. Điều này dẫn đến việc một số sự việc bị kẻ xấu lợi dụng để nêu lên những vấn đề chưa đúng sự thật làm mất lòng tin trong nhân dân đối với cơ quan công quyền.
Người phát ngôn đều kiêm nhiệm, thời gian đầu tư cho công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí không nhiều nên hiệu quả chưa cao; việc phối hợp giữa người phát ngôn và các cơ quan liên quan chưa tốt nên người phát ngôn bị động trong cung cấp thông tin; một số đơn vị có tâm lý ngại tiếp xúc hoặc trả lời, thậm chí né tránh, khất lần những vấn đề liên quan đến đơn vị mình, đặc biệt là những thông tin xung quanh các vụ việc tiêu cực, vi phạm...
Do đó, tại Hội nghị lần này tôi xin đề xuất một số ý như sau:
Một là, cần bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm cung cấp thông tin cho báo chí đối với người phát ngôn của các cơ quan, tổ chức. Kịp thời, cung cấp thông tin theo quy định phạm vi cho phép để cơ quan báo chí phản ánh sự việc chính xác. Mọi phát ngôn và thông tin trên báo chí phải đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu...
Hai là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.
Ba là, xây dựng kế hoạch cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho các cơ quan báo chí bằng những hình thức phù hợp với thực tế của từng cơ quan. Tăng cường sử dụng hình thức thông cáo báo chí, giao lưu trực tuyến, đối thoại trực tuyến trên các trang thông tin điện tử của các cơ quan.
Bốn là, nên có người phát ngôn chuyên nghiệp ở các cơ quan hành chính Nhà nước, hạn chế tình trạng kiêm nhiệm, gây ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả cung cấp thông tin. Mỗi cơ quan hành chính nên thiết lập đường dây “nóng” để trong những trường hợp khẩn cấp, báo chí có thể liên lạc trực tiếp với người phát ngôn để thu thập thông tin được kịp thời, chính xác, tránh trường hợp phóng viên thu thập thông tin qua đường vòng, lãng phí thời gian và không đảm bảo tính thời sự của báo chí.
Năm là, phát ngôn và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác là rất cần thiết, tuy nhiên phải tính đến mức độ và liều lượng, thời điểm phát ngôn có phù hợp và hiệu quả hay không. Nếu không tính kỹ, rất có thể thông tin phát ngôn ra sẽ gây ra hiệu ứng không tốt cho địa phương.
Sáu là, về phía các cơ quan báo chí, cần tăng cường thông tin kịp thời, trung thực, khách quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bám sát đời sống để phân tích, lý giải những tấm gương tích cực vì sự phát triển; tiếp cận với các sự kiện tại các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và công dân để có thông tin chính xác trong đấu tranh chống tiêu cực..
Bảy là, tôi cũng đề nghị các nhà báo phải chia sẻ khó khăn với người phát ngôn, tránh sự nôn nóng, căng thẳng không cần thiết. Nhất là khi được cung cấp thông tin phải đưa tin trung thực, khách quan, không làm sai lệch thông tin… không tranh thủ việc lấy tin để mời chào những việc không phải nghiệp vụ báo chí, gây cảm giác “lẫn tránh” nhà báo cho nhiều người.
Hạnh Nguyên