‘Cởi trói’ cho mô hình PPP
08/01/2013

 

Không chỉ lĩnh vực thí điểm, mà cả các quy định về tỷ lệ phần tham gia của Nhà nước trong dự án hợp tác công – tư (PPP) sẽ được sửa đổi theo hướng cởi mở hơn, nhằm hấp dẫn nhà đầu tư. Sẽ không còn giới hạn phần tham gia của Nhà nước trong một dự án PPP nữa, thay vào đó, sẽ là một cơ chế mở hơn. Đó là thông tin được ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định khi Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được sửa đổi.

 

Không chỉ lĩnh vực thí điểm, mà cả các quy định về tỷ lệ phần tham gia của Nhà nước trong dự án hợp tác công – tư (PPP) sẽ được sửa đổi theo hướng cởi mở hơn, nhằm hấp dẫn nhà đầu tư.

Sẽ không còn giới hạn phần tham gia của Nhà nước trong một dự án PPP nữa, thay vào đó, sẽ là một cơ chế mở hơn. Đó là thông tin được ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định khi Quyết định 71/2010/QĐ-TTg về thí điểm đầu tư theo hình thức PPP được sửa đổi.

“Vướng mắc lớn nhất của Quyết định 71 chính là hạn chế phần tham gia của Nhà nước không được quá 30% tổng vốn đầu tư, mà không tính tới tính đặc thù của các dự án. Một số dự án PPP tiềm năng, nhưng lại yêu cầu phần tham gia của Nhà nước lớn hơn 30%, nên đã không được chấp nhận”, ông Tăng nói và cho biết, dự kiến, quy định này sẽ được sửa đổi theo hướng không quy định cứng mức trần phần vốn của Nhà nước tham gia dự án, hoặc có thể, sẽ nâng mức trần lên một tỷ lệ phù hợp.

Trên thực tế, theo quy định tại Quyết định 71, trong trường hợp dự án PPP có đề xuất phần tham gia của Nhà nước vượt quá 30%, thì Thủ tướng Chính phủ sẽ là người xem xét, quyết định. Tuy nhiên, việc này, theo bà Vũ Quỳnh Lê, Văn phòng PPP (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lại tạo tâm lý về cơ chế xin - cho. Còn nếu không “xin” lên Thủ tướng, thì mức trần 30%, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, sẽ cản trở khả năng huy động vốn ngoài thị trường.

Thêm vào đó, điều mà ông Trịnh Minh Triều, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa băn khoăn, đó là phần tham gia của Nhà nước có bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hay không. Câu hỏi này cũng từng được ông Tony Foster, Trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề cập.

“Nhiều khi, tính khả thi của dự án không phải chỉ nằm ở khả năng hoàn vốn, mà còn ở việc giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư. Nhiều nhà đầu tư rất ngại khâu này ở Việt Nam. Vì thế, nên chăng, khi dự án đã hoàn tất giải phóng mặt bằng, thậm chí đã làm xong nền đường, chúng ta mới kêu gọi đầu tư PPP phần mặt đường và các công trình phụ trợ. Như vậy, sẽ dễ dàng hơn”, ông Triều nói và cho rằng, nếu kêu gọi đầu tư PPP khi dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, nhà dân ngổn ngang, thì rất khó.

Liên quan tới vấn đề này, bà Lê cho biết, ngay từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm PPP, đã có những đề xuất về việc trong những dự án khó, có thể tách giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng, sau đó mới triển khai dự án PPP. “Nhưng cũng có những dự án không vướng ở khâu này, do vậy, quan điểm của chúng tôi là, tùy từng dự án để có hướng xử lý linh hoạt”, bà Lê nói.

Trên thực tế, ở Dự án Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, dự án đầu tiên được thí điểm theo PPP, Chính phủ cũng đã chấp thuận dùng vốn ngân sách để chi trả cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư…, với trị giá khoảng 2.150 tỷ đồng. Và việc không đưa chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng vào tổng chi phí đầu tư của dự án này được cho là cần thiết, bởi theo thông lệ quốc tế, đối với các dự án PPP, đây là phần rủi ro mà Nhà nước phải gánh để tạo lòng tin và thu hút các nhà đầu tư tư nhân.

Không chỉ sửa đổi quy định về tỷ lệ tham gia của Nhà nước, theo ông Tăng, khi sửa đổi Quyết định 71, ban soạn thảo cũng đề xuất việc mở rộng lĩnh vực thí điểm đầu tư theo hình thức PPP. Đồng thời, cũng sẽ bổ sung quy định về việc bảo lãnh doanh thu của các dự án. “Hiện tại, Quyết định 71 chưa quy định cụ thể về việc bảo lãnh doanh thu của các dự án và điều này sẽ hạn chế tính hấp dẫn của các dự án đối với nhà đầu tư quan tâm, hoặc thậm chí gây bất lợi cho phía Nhà nước trong trường hợp doanh thu dự án tăng đột biến, hoặc không dự đoán trước được”, ông Tăng nói.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Scott Jazynka, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) cho rằng, để thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án theo hình thức PPP, Việt Nam nên tạo điều kiện để có thêm nguồn thu cho các nhà đầu tư tư nhân. “Việc thu phí ở những tuyến đường cao tốc chưa chắc đã thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Có thể, họ sẽ quan tâm hơn tới những dịch vụ, những khu công nghiệp… có thể có trên dọc tuyến đường đó”, ông Jazynka nói và cho rằng, Việt Nam nên xem xét công bố trước quy hoạch, cũng như có cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư theo hình thức PPP.

Trong khi đó, theo ông Tony Foster, Trưởng nhóm công tác Cơ sở hạ tầng của VBF, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải xem xét vấn đề bảo lãnh. “Với mức độ phát triển và tình hình kinh tế của Việt Nam hiện nay, khó có thể hình dung một dự án PPP quy mô lớn nào có thể triển khai nếu ít nhất không có một hình thức bảo lãnh nào đó của Chính phủ”, ông Foster nhấn mạnh.

Theo thông tin mà Báo Đầu tư có được, bản sửa đổi Quyết định 71 sẽ được hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý I/2013.

 

Trương Chương (Nguồn: Báo đầu tư)