Bình Định đang nỗ lực hoàn tất công tác chuẩn bị để chào đón du khách hành hương về miền đất võ tham dự Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, diễn ra từ ngày 1 - 3.8.2008.
Bình Định đang nỗ lực hoàn tất công tác chuẩn bị để chào đón du khách hành hương về miền đất võ tham dự Festival Tây Sơn - Bình Định 2008, diễn ra từ ngày 1 - 3.8.2008.
"Bản đồ hóa" khả năng du lịch
Bình Định là miền đất mang những nét văn hóa đặc sắc lưu truyền từ hàng nghìn năm nay. Đó là nơi trong quá khứ thường xuyên diễn ra những giao thoa và tiếp biến văn hóa, "hòa huyết" những nền văn hóa khác nhau, "chồng mờ" lên những lớp tầng văn hóa riêng biệt để tạo nên một bức tranh toàn cảnh độc đáo về văn hóa bản địa. Ở đây người ta có thể chứng kiến những hiện tượng kỳ thú khi tháp Chàm "giao lưu" với chùa Thập Tháp, khi thành Hoàng đế chồng lên thành Đồ Bàn, và những "làng võ Tây Sơn" lại liền kề với "làng rượu Bàu Đá", và đầm Thi Nại không chỉ là nơi từng diễn ra những trận thủy chiến hoành tráng trong quá khứ mà còn là nơi "kết nối" giữa Quy Nhơn với Khu kinh tế Nhơn Hội đang thành hình. Ngay trong lòng khu kinh tế lớn này cũng sẽ nổi lên những điểm du lịch biển tuyệt vời. Nghĩa là với Bình Định bây giờ, "sờ" vào đâu cũng có thể chạm gặp những tiềm năng du lịch. Vấn đề là làm sao cho chúng "lộ sáng" ra trên các bản đồ tour của các hãng lữ hành. Festival chính là hoạt động nhằm "bản đồ hóa" khả năng du lịch của một vùng đất.
Festival "kích cầu" du lịch
Không phải vì bây giờ đang có "phong trào festival" mà Bình Định cũng "chạy theo phong trào". Cũng không phải vì cần "thu nóng" vài chục hay vài trăm tỉ đồng mà vội vã tổ chức festival như có địa phương từng làm. Gạt ra ngoài kiểu tổ chức "lễ hội" đơn thuần hình thức, lấy "ba hoa" làm chính, lại phải thấy festival là một dịp để quảng bá, thu hút, tự giới thiệu mình với bè bạn gần xa, và cũng là một kiểu "kích cầu" trong du lịch và thương mại. Nếu du lịch là hoạt động thường niên, theo mùa, theo tour, theo nhu cầu du khách, thì festival chính là một hoạt động nhằm thu hút, quy tụ những hình thái du lịch khác nhau về cùng "một mối" và trong một thời điểm. Với festival Tây Sơn - Bình Định 2008, có lẽ thích hợp nhất về thời tiết và thời điểm thu hút du khách là tiết cuối hạ đầu thu, mùa nghỉ hè của du khách châu Âu, bắc Mỹ, và cũng là mùa nghỉ hè của người Việt. Dĩ nhiên, với lần đầu tổ chức festival thì phải nhắm đến số lượng khách nội địa, sau đó mới là khách du lịch nước ngoài.
"Nối mạng" Tháp Chàm sẽ là một trong những hoạt động thú vị
tại Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 - Ảnh: Đào Tiến Đạt
"Nối mạng" và "kết điểm"
Có mấy "mạng" du lịch mà du khách rất dễ "nối" khi về Quy Nhơn, Bình Định: đó là "mạng" nghệ thuật Chàm mà tiêu biểu là những tháp và quần thể tháp nổi tiếng như Dương Long, Bánh Ít, Cánh Tiên, Tháp Đôi, Phú Lốc, Thủ Thiện... Giới thiệu cho đúng mức, đúng bài bản, "mạng Tháp Chàm" này của Bình Định xứng đáng được công nhận là di sản thế giới. Nếu ở Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), các tháp Chàm quần tụ "cô đặc" trong một vùng đất một thung lũng hẹp, thì với Bình Định các tháp Chàm lại "từ trời xanh rơi vài giọt..." và rải ra trên một vùng đất rộng đầy những cổ tích, như câu thơ vô cùng chính xác của Văn Cao. "Nối mạng" những cụm tháp Chàm ở Bình Định lại, chúng ta sẽ có một tour du lịch văn hóa và nghệ thuật kỳ thú, độc đáo. Những làng nghề gốm Chăm cổ truyền lại mang tới cho du khách những phẩm vật mà họ sẽ lưu giữ trong những bộ sưu tập du lịch của mình. Gốm Gò Sành, rồi những tác phẩm điêu khắc Chăm từ đá sa thạch ở An Nhơn khiến du khách ngỡ ngàng không biết mình đang cầm trên tay những sản phẩm mỹ thuật của hôm nay hay những cổ vật từ nghìn năm trước. Trình độ nghệ thuật của những nghệ nhân ở vùng đất này và những tác phẩm của họ chính là một điểm rất thu hút du khách cả trong và ngoài nước.
Có một "mạng du lịch" cũng sẽ rất thú vị trong Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 - đó là mạng "làng nghề Bình Định" với những sản phẩm độc đáo như những đứa con được sinh ra từ tình yêu hòa huyết Chăm - Việt. Những làng nghề ấy lại nằm theo từng cụm địa lý, rất dễ cho du khách thăm thú và "mục sở thị" những cách thức làm ra sản phẩm. Bình Định còn đặc sắc ở những chợ quê truyền thống như chợ Gò, chợ Đập Đá, chợ Gò Găng, chợ Huyện, chợ An Thái, chợ Phú Phong, chợ Mỹ Yên... Mỗi chợ một vẻ, một dáng nét, một "tính cách", một sắc thái nhưng sẽ khiến du khách ngây ngất vì những "hương vị" đặc trưng. Với du khách Âu-Mỹ, họ đến ta là để "đi chợ" - chợ quê - chứ không phải đi siêu thị.
Nếu "đi chợ" là hình thức du lịch giúp du khách thư giãn tâm trí thì "đi chùa" lại là hình thức khiến du khách thanh thản tâm hồn, bồi đắp tâm linh. Đã có hẳn một tuyến du lịch "lên chùa" dành cho du khách. Với những ngôi chùa cổ ở Bình Định mà mỗi chùa là mỗi dáng vẻ kiến trúc độc đáo và đều tọa lạc ở những vùng đất u tịch, du khách sẽ được đáp ứng tốt nhất nhu cầu tâm linh của mình. Trong một ngày, du khách có thể vừa đi chùa vừa đi chợ lại vừa đi viếng các tháp Chàm, ăn nem chợ Huyện và uống rượu Bàu Đá, thưởng thức trống trận Quang Trung và xem tuồng cổ, học cách làm đồ gốm và cả học... võ. Các làng võ cổ truyền Bình Định đã nổi tiếng trong nước và trên thế giới sẽ là những "điểm đến" độc đáo cho du khách khi về thăm vùng đất này. Diện kiến các võ sư, xem các võ sĩ thi đấu, nhưng hay hơn, là được học võ trực tiếp ngay từ các "lò võ" trong các "làng võ" do các "thầy võ" trao truyền... Âu đó cũng là cái thú không dễ tìm ở bất cứ đâu! Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 là để khơi nguồn cho "các dòng sông đều chảy".
Nguồn: Thanh Niên Online