Trung tuần tháng 9 tới, hội thảo xúc tiến đầu tư vào Bình Định sẽ được chính quyền địa phương này tổ chức tại
Trung tuần tháng 9 tới, hội thảo xúc tiến đầu tư vào Bình Định sẽ được chính quyền địa phương này tổ chức tại
Ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn và thách thức đã tác động đáng kể đến tình hình thu hút đầu tư của địa phương. Đó là chưa kể vấn đề xác định năng lực của nhà đầu tư trong giai đoạn này đang là một bài toán khó đối với công tác xúc tiến, cũng như việc triển khai các dự án của những nhà đầu tư đã đăng ký.
Theo ông Lộc, việc lựa chọn giải pháp xúc tiến đầu tư có trọng điểm, “gõ cửa” từng doanh nghiệp có tiềm lực, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương là một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của Bình Định hiện nay.
“Nhật Bản là một trong những quốc gia Đông Á có nhiều yếu tố văn hóa tương đồng với Việt Nam, cũng như cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã nhiều năm đầu tư có hiệu quả tại nước ta. Đặc biệt, xét về công nghệ, năng lực tài chính và kinh nghiệm, có thể đánh giá các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản là một trong những quốc gia phù hợp với chiến lược kêu gọi đầu tư của Bình Định”, ông Lộc nhận định.
Xét về điều kiện hạ tầng, Bình Định có Cảng quốc tế Quy Nhơn, là cửa ngõ ra biển gần và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên, nam Lào, đông - bắc Campuchia và Thái Lan. Đây là một trong 10 cảng biển lớn của Việt Nam, có vùng neo đậu kín gió, mức nước sâu, kho bãi rộng, đảm bảo tàu trọng tải 30.000 tấn ra vào an toàn. Từ Cảng Quy Nhơn có thể đi thẳng tới các cảng biển lớn của châu Á, trong đó có Nhật Bản. Bên cạnh đó, Bình Định cũng đã ưu tiên nâng cấp sân bay Phù Cát hiện đại hơn, với tuần suất bay từ Hà Nội hoặc TP. HCM trải đều các ngày trong tuần. Đây có thể xem là nhân tố quan trọng, đưa Bình Định gần hơn với thế giới bên ngoài, qua đó mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong việc giao thương, kết nối đầu tư.
Những năm qua, Bình Định phát huy tiềm năng và nội lực, tranh thủ nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội trở thành một trong những khu kinh tế trọng điểm của miền Trung. Tầm quan trọng của Khu kinh tế Nhơn Hội được Chính phủ ghi nhận và xếp vào nhóm 5 khu kinh tế được ưu tiên phát triển của cả nước hiện nay.
Ông Man Ngọc Lý, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội cho biết, khu kinh tế này được quy hoạch xây dựng trên diện tích 12.000 ha. Trong đó, khu phi thuế quan 520 ha, khu thuế quan (gồm 3 khu A, B, C) với tổng diện tích 1.324 ha, khu công nghiệp sạch phía Nam 75 ha, khu phong điện 283 ha. Phần còn lại là các khu đô thị, du lịch và khu vực trồng cây xanh 3.480 ha.
Theo ông Lý, thời điểm hiện tại, Khu A do Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn đầu tư hạ tầng được đánh giá là đã hoàn thành 90% về hạ tầng và mặt bằng, sẵn sàng mời gọi và đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư. Kế đến là khu B, do Công ty TNHH một thành viên Hong Yeung Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư đầu tư 34 triệu USD, chiếm diện tích 460ha. Hong Yeung đã tiến hành khai hoang hơn 200ha đất, và đang tiếp tục san lấp mặt bằng còn lại. Khu này thu hút khá nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
Ông Lý cho rằng, Nhơn Hội đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế tỉnh Bình Định. Mục tiêu sau khi hoàn thiện, Khu kinh tế Nhơn Hội sẽ thu hút 40.000 tỷ đồng vốn đăng ký, khoảng 15.000 tỷ đồng vốn thực hiện các dự án, tạo việc làm cho 10.000 lao động, giá trị sản xuất công nghiệp đến 2015 chiếm khoảng 20% và kim ngạch xuất khẩu khoảng 10% so với toàn tỉnh.
“Trước mắt, tỉnh sẽ ưu tiên hoàn thành chi tiết toàn bộ các khu chức năng của khu kinh tế, quy hoạch chi tiết khu đô thị mới để đấu thầu hoặc giao đất cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Bình Định sẽ hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư các khu chức năng hành chính, các dự án du lịch ven biển Nhơn Lý – Cát Tiến, hoàn thành đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu của khu kinh tế giai đoạn I, bao gồm hệ thống giao thông, cảng biển, cấp điện, viễn thông…”, ông Lý khẳng định.
Bên cạnh điều kiện phục vụ nhà đầu tư, Bình Định cũng đã và đang xây dựng TP. Quy Nhơn trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại và giao dịch quốc tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đây cũng là một trong thành phố biển hội đủ nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ, du lịch.
Đồng thời, Bình Định đang có chiến lược ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trọng điểm mà tỉnh có lợi thế như công nghiệp chế biến lâm - nông - thuỷ sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, giày da, may mặc, cơ khí, cảng biển nước sâu, đóng mới tàu biển quy mô lớn, lọc và hoá dầu, sản xuất lắp ráp đồ điện, điện tử, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...
Với các điều kiện thuận lợi vậy, đến nay, Bình Định có 49 dự án FDI thực hiện, các nhà đầu tư này đến từ hầu hết các nước có tiềm lực kinh tế như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức, Australia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Pháp…. và đặc biệt có 4 doanh nghiệp đến từ đất nước Nhật Bản đang triển khai dự án rất có hiệu quả.
Chiến lược thu hút đầu tư hợp lý kêt hợp với tiềm năng phát triển rộng mở, ông Lộc rất tự tin vào chuyến “xuất ngoại” lần này của Bình Định. Ông khẳng định rằng, song song với tinh thần hợp tác tích cực là những chính sách cởi mở, thông thoáng, ưu đãi và hỗ trợ thiết thực, coi lợi ích hợp pháp và thành công của nhà đầu tư là lợi ích và thành công của chính mình, Bình Định luôn “miền đất lành” cho doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng và các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung.
Trương Chương (nguồn: baodautu.vn)