Làm rõ khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
31/08/2012

 

Sự không rõ ràng trong khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang làm khó cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh.

 

Sự không rõ ràng trong khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang làm khó cho cả cơ quan quản lý nhà nước lẫn doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục đầu tư kinh doanh.

Trong buổi Toạ đàm về Khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và thủ tục kinh doanh do Báo Đầu tư phối hợp với Vụ Pháp chế  (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa diễn ra sáng nay, xác định thế nào là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục được tranh luận gay gắt.

Theo phân tích của ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, cho dù Luật Đầu tư năm 2005 đã có hiệu lực gần 7 năm, hoạt động đầu tư nước ngoài đang hiện diện ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế quốc dân, song khái niệm mang tính dẫn hướng cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như nhà đầu tư trong thực thi pháp luật về đầu tư lại vẫn không rõ ràng.

Khoản 6 Điều 3 của Luật Đầu tư định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại...

Với quy định chung này, doanh nghiệp Việt Nam chỉ cần có 1 cổ  phần của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đương nhiên, các doanh nghiệp này sẽ phải gánh chịu những điều kiện đầu tư dành cho khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường theo cam kết với WTO của Việt Nam.

Tuy nhiên, Khoản 4, Điều 29, cũng của Luật Đầu tư quy định: "nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện đầu tư như nhà đầu tư trong nước trong trường hợp các nhà đầu tư Việt Nam sở hữu từ 51% vốn điều lệ của doanh nghiệp trở lên…".

Nghị định 102/2010/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp quy định cụ thể, doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 49% cổ phần được áp dụng các điều kiện đầu tư, kinh doanh như đối với nhà đầu tư trong nước tức là doanh nghiệp Việt Nam.

Hệ luỵ của tình trạng này là có thể cùng một vấn đề song cách ứng xử ở các cơ quan, các địa phương khác nhau rất khác nhau trong thực hiện thủ tục đầu tư. Câu chuyện phải xin huỷ niêm yết, khoá room nhà đầu tư nước ngoài của CTCP Hoá - Dược phẩm Mekophar chỉ là một giọt nước làm tràn ly.

Tuy vậy, xác định câu trả lời cụ thể cho vấn  đề này dường như vẫn quá khó. Ngay cả tỷ lệ 10%  hay 49% sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp mà nhiều chuyên gia đề xuất căn cứ theo pháp luật của một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, quy định của OECD cũng chưa nhận được sự đồng thuận.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) chia sẻ kinh nghiệm, theo pháp luật của Hàn Quốc, đầu tư nước ngoài là sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty của Hàn Quốc, khoản vay nước ngoài và đóng góp nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức phi lợi nhuận.

“Tiêu chí xác định doanh nghiệp có vốn ĐTNN gồm: với hình thức góp vốn, mua cổ phần: là trên hoặc bằng 50 triệu Won, sở hữu trên 10% vốn điều lệ hoặc cổ phần có quyền biểu quyết hoặc thoả thuận về bãi nhiệm/bổ nhiệm người quản lý; thoả thuận mua nguyên vật liệu, sản phẩm; cung cấp công nghệ, cùng R&D. Điều kiện này áp dụng cho từng nhà đầu tư và được tính tính theo vốn thực tế khi hoàn thành thủ tục đầu tư”, ông Hiếu cho biết các tiêu chí này được xác định nhằm mục tiêu quản lý dòng vốn nước ngoài thực. “Với Việt Nam, câu hỏi cần phải được trả lời lúc này là đặt mục tiêu gì đối với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phải xác định rõ mục tiêu, việc xây dựng tiêu chí, khái niệm sẽ đúng hướng, phục vụ theo mục tiêu đã định” ông Hiếu đề xuất.

Cho tới thời điểm này, các thảo luận vẫn đang được tiếp tục. Tuy nhiên, khuyến nghị của các nhà đầu tư là nếu như các cơ quan lập pháp không nhanh chóng làm rõ và thống nhất khái niệm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong tất cả các văn bản pháp luật hiện hành, những rắc rối tương tự như Mekophar chắc chắn sẽ xảy ra nhiều hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng bất lợi tới môi trường kinh doanh của Việt Nam.

 

Trương Chương (nguồn: baodautu.vn)