Xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 334,6 triệu USD
27/08/2012

 

Tình hình khủng hoảng nợ công ở một số nước EU vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của thế giới. Trong nước, thị trường giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng lên do giá xăng và giá điện tăng; lãi suất ngân hàng có giảm nhưng điều kiện cho vay cao gây khó khăn cho việc tiếp cận các nguồn vốn vay của các doanh nghiệp. Tuy vậy, với sự năng động, nỗ lực của mình các doanh nghiệp Bình Định đã làm cho nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh được duy trì và đạt 334,6 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2012.

 

Tình hình khủng hoảng nợ công ở một số nước EU vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của thế giới. Trong nước, thị trường giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng lên do giá xăng và giá điện tăng; lãi suất ngân hàng có giảm nhưng điều kiện cho vay cao gây khó khăn cho việc tiếp cận các nguồn vốn vay của các doanh nghiệp. Tuy vậy, với sự năng động, nỗ lực của mình các doanh nghiệp Bình Định đã làm cho nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh được duy trì và đạt 334,6 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2012.

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tháng 7 năm 2012 thực hiện 31,1 triệu USD, tăng 27,1% so với tháng 7 năm 2011 (24,5 triệu USD). KNXK tháng 8 năm 2012 ước thực hiện 29,6 triệu USD, tăng 12,5% so với tháng 8 năm 2011 (26,4 triệu USD). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2012 ước thực hiện 334,6 triệu USD, đạt 69,7% kế hoạch năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Tổng số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trong 8 tháng có 101 doanh nghiệp. Trong đó, KNXK của khối doanh nghiệp Nhà nước chiếm tỷ trọng 0,7%, giảm 34,7%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng 93,5%, tăng 19,1% ; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 5,8%, tăng 42,8% so với cùng kỳ năm 2011.

Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu

Nhóm hàng nông sản ước thực hiện 74,2 triệu USD, đạt 92,8% kế hoạch năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, tình hình xuất khẩu gạo của nước ta trong những tháng gần đây có chuyển biến tích cực, sản lượng và giá cả xuất khẩu đang có xu hướng tăng, một mặt do Thái Lan vừa đưa vào áp dụng chính sách hỗ trợ tăng giá lúa, điều đó có nghĩa là họ sẽ ngưng tham gia xuất khẩu ra thị trường một thời gian, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ta mở rộng thị trường, giới thiệu hàng hóa, nâng giá bán. Mặc khác, thị trường Indonesia cũng đã nhập khẩu gạo của nước ta, vượt Philippines để trở thành thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất Việt Nam.

Nhóm hàng lâm sản ước thực hiện hiện 136,7 triệu USD, đạt 49,7% kế hoạch năm, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2011. Nguyên nhân do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, đặc biệt là thị trường các nước Châu Âu, làm cho người tiêu dùng có xu hướng sử dụng mặt hàng giá rẻ hơn.

Nhóm hàng thuỷ hải sản ước thực hiện 33,8 triệu USD, đạt 84,6% kế hoạch năm, tăng 34,3% so cùng kỳ năm 2011. Trong đó, hải sản đông số lượng 3,6 nghìn tấn, giá trị 21,2 triệu USD, tôm đông lạnh số lượng 1,6 nghìn tấn, giá trị 12,6 triệu USD. Thời gian qua, các doanh nghiệp của tỉnh đã chủ động nguồn cung của mình nên đã đảm bảo việc thực hiện xuất khẩu theo các hợp đồng. Ngoài ra, giá xuất khẩu của các mặt hàng nhóm thủy hải sản tăng mạnh nên làm tăng giá trị KNXK nhóm hàng thủy hải sản.

Nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng ước thực hiện 57,8 triệu USD, đạt 115,6% kế hoạch năm, giá trị tăng 171,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, đá xây dựng Granite: khối lượng 9,7 nghìn m3 (giảm 1,2 nghìn m3), giá trị 3,9 triệu USD (tăng 339 nghìn USD); khoáng sản titan các loại: số lượng 293,9 nghìn tấn (tăng 195,6 nghìn tấn) giá trị 53 triệu USD (tăng 35,5 triệu USD). Kể từ ngày 01/7/2012, thực hiện chủ trương cấm xuất khẩu mặt hàng tinh quặng Ilmernite của Chính phủ, các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu chuyển dần sang việc chế biến sâu để xuất khẩu mặt hàng xỉ titan, titan hoàn nguyên,….. Bên cạnh đó, 8 tháng đầu năm 2012, sản lượng sản phẩm xỉ titan xuất khẩu tăng, đồng thời giá xuất khẩu cũng tăng đã góp phần lớn vào việc tăng KNXK nhóm hàng khoáng sản.

Nhóm hàng công nghiệp tiêu dùng ước thực hiện hiện 32 triệu USD, đạt 91,5% kế hoạch năm, tăng 101,6% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, giày dép các loại: số lượng 609 nghìn đôi (giảm 448 nghìn đôi), giá trị đạt 4,4 triệu USD (giảm 903 nghìn USD); sản phẩm may mặc các loại đạt giá trị 21,9 triệu USD (tăng 18,3 triệu USD).

Về kim ngạch nhập khẩu

KNNK thực hiện tháng 7 năm 2012 đạt 17,3 triệu USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2011 (12,1 triệu USD).

KNNK tháng 8 năm 2012 ước thực hiện 14,9 triệu USD, tăng 18,9% so với cùng kỳ năm 2011(12,5 triệu USD). Lũy kế 8 tháng đầu năm 2012 ước thực hiện 106 triệu USD, đạt 58,9% kế hoạch năm, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu 8 tháng đầu năm 2012 chủ yếu là nhóm nguyên nhiên vật liệu và nhóm máy móc thiết bị phục vụ sản xuất chế biến hàng xuất khẩu như: gỗ các loại: khối lượng 115,7 nghìn m3 (giảm 34,1 nghìn m3), giá trị 25,2 triệu USD (giảm 8,1 triệu USD); hải sản cấp đông: khối lượng 5,1 nghìn tấn (tăng 1,7 nghìn tấn), giá trị 15,4 triệu USD (tăng 7,1 triệu USD); phân bón các loại: khối lượng 99,3 nghìn tấn (tăng 44,9 nghìn tấn), giá trị 39,2 triệu USD (tăng 24,1 triệu USD).

 

Hạnh Nguyên