Ngày 02.8, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Ban Điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) các tỉnh duyên hải miền Trung” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung, Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng cùng các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Quang cảnh Hội thảo.
Ngày 02.8, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Ban Điều phối vùng các tỉnh duyên hải miền Trung đã tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN) các tỉnh duyên hải miền Trung” với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 9 tỉnh, thành phố khu vực duyên hải miền Trung, Ban quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng cùng các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ảnh: Quang cảnh Hội thảo.
Theo Báo cáo của nhóm tư vấn hợp tác phát triển miền Trung tính đến thời điểm này, vùng duyên hải 7 tỉnh, thành phố miền Trung gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập 42 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 13.870 ha. Trong đó có 7 khu công nghiệp thuộc các khu kinh tế ven biển trong Vùng với diện tích quy hoạch là 5.980 ha đang triển khai xây dựng và thu hút đầu tư. Trong hơn 10 năm qua, các tỉnh, thành trong Vùng đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút nhiều dự án và nhà đầu tư tương đối lớn, vào hoạt động trong các khu công nghiệp. Một số khu công nghiệp đã lấp đầy và khai thác có hiệu quả. Trong 42 khu công nghiệp hiện đã có 24 khu công nghiệp với diện tích hơn 5.430 ha đã xây dựng và đi vào hoạt động; thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, nhiều dự án lớn hoạt động, tạo được công ăn việc làm cho người dân địa phương; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết; như việc xây dựng KCN khá dàn trải dẫn đến phân tán vốn đầu tư, thiếu đồng bộ trong xây dựng kết cấu hạ tầng, khó thu hút nhà đầu tư;Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp còn thấp, chưa đóng góp vào nền kinh tế tương xứng với nguồn lực đã đầu tư; chưa thể hiện được vai trò động lực phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, các ngành nghề thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp còn trùng lắp; chính sách thu hút không đồng bộ, thiếu gắn kết; ngay trong từng địa phương cũng còn thiếu sự liên kết phát triển giữa các khu công nghiệp; công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập…Do đó, các tỉnh trong vùng cần phải xây dựng, thực thi các chính sách và cơ chế liên kết để phát triển các KCN của cả vùng, bảo đảm sự phát triển nhanh, bền vững trong thời gian đến; cần nhận định được những lợi thế của địa phương mình, từ đó xác định tập trung đầu tư xây dựng các KCN một cách phù hợp.
Tại hội thảo này, trên cơ sở các nghiên cứu, báo cáo, đề xuất của các nhà khoa học, các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Duyên Hải Miền Trung đã thống nhất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp trong vùng. Trong phát biểu kết luận hội thảo, ông Nguyễn Bá Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà nẵng, Trưởng ban điều phối vùng nhấn mạnh: Trước mắt, các tỉnh, thành phố cần hoàn thiện công tác quy hoạch và quản lý các khu công nghiệp trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và của vùng, gắn kết với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư. Đồng thời, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp, đặc biệt là việc hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, gắn kết các khu công nghiệp ở từng địa phương. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng cần định hướng các ngành nghề tập trung thu hút vào từng khu công nghiệp trên cơ sở tư duy cơ cấu kinh tế vùng, lợi thế so sánh và điều kiện phát triển thực tiễn của từng địa phương.
Ông Thanh cũng nhấn mạnh rằng, các tỉnh, thành cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư thống nhất vào các khu công nghiệp giữa các địa phương trong Vùng; Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư chung cho các khu công nghiệp trong vùng nhằm tránh chồng chéo; tăng cường liên kết giữa các khu công nghiệp, giữa các khu công nghiệp trong vùng thông qua hỗ trợ, sản xuất, tiêu thụ, đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, các tỉnh, thành trong vùng cũng cần hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ các khu công nghiệp, phục vụ người lao động và dân cư ở những địa bàn có ảnh hưởng của khu công nghiệp.
Cũng tại hội thảo lần này, Ban điều phối vùng các tỉnh Duyên Hải Miền Trung đã tổ chức kết nạp 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cùng tham gia hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng. Đồng thời, lãnh đạo 13 Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao của 9 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung cũng đã tiến hành ký kết chương trình hợp tác phát triển trên một số nội dung có tính khả thi như thu hút đầu tư, đào tạo nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm… nhằm góp phần tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu công nghệ cao của các tỉnh trong vùng.
Hội thảo lần thứ 5 với chủ đề “Phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế các tỉnh duyên hải miền Trung” dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6 -2013 do tỉnh Khánh Hòa đăng cai tổ chức.
Trương Chương