Hôm qua, ngày 02 tháng 8 năm 2012, lLãnh đạo các Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao của 09 tỉnh/ thành phố vùng duyên hải miền Trung thống nhất ký kết và cam kết hợp tác phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao vùng duyên hải miền Trung.
Hôm qua, ngày 02 tháng 8 năm 2012, tại Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng khu công nghiệp duyên hải miền Trung” được Ban Điều phối Vùng duyên hải miền Trung và UBND tỉnh Bình Định tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, với sự chứng kiến của lãnh đạo lãnh đạo các bộ ngành Trưng ương và lãnh đạo chủ chốt 09 tỉnh/thành phố vùng duyên hải miền Trung từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận; Lãnh đạo các Ban Quản lý Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao của 09 tỉnh/ thành phố vùng duyên hải miền Trung thống nhất ký kết và cam kết hợp tác phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao vùng duyên hải miền Trung. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư đăng các nội dung chủ yếu của Bản cam kết như sau:
1. Quan điểm hợp tác phát triển
- Quán triệt tư duy phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao là điểm kết nối phát triển Vùng - Quốc gia, tạo sự đột phá mạnh, có tác động lan tỏa rộng trong Vùng, liên Vùng và cả nước.
- Phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao vùng duyên hải miền Trung theo hướng hình thành các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao liên hoàn có vai trò dẫn dắt sự phát triển ngành công nghiệp của Vùng.
- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao đảm bảo đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn Vùng.
2. Mục tiêu hợp tác phát triển
Tăng cường liên kết ngành, liên kết vùng trong phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao vùng duyên hải miền Trung nhằm hình thành các liên kết về nguyên liệu, sản phẩm, thị trường, công nghệ, đào tạo nghề…, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao vùng duyên hải miền Trung.
3. Định hướng hợp tác phát triển
3.1. Tạo lập các liên kết ngành (Cluster) giữa các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao trong Vùng
- Trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương về nguồn nguyên liệu, lao động, các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao hiện có…, lựa chọn các ngành nghề chủ lực cho các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao trong Vùng.
- Tạo sự gắn kết giữa các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao, các doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao thông qua các liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tiêu thụ, đào tạo lao động, chuyển giao công nghệ…
- Từng bước hình thành các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao chuyên sâu, đẳng cấp cao (thể chế, ngành nghề, công nghệ, sản phẩm) làm đầu tàu dẫn dắt, tạo sự lan tỏa phát triển các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao trong Vùng.
3.2. Hợp tác trong thu hút đầu tư
- Xây dựng diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thu hút đầu tư trên cổng thông tin điện tử vùng duyên hải miền Trung (www.duyenhaimientrung.com và www.vietccr.com); tổ chức các đoàn công tác tham quan, tìm hiểu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao của các địa phương trong Vùng.
- Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư chung cho các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao trong Vùng để tăng tính hiệu quả, tránh chồng chéo; thực hiện xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung ưu tiên cho một số đối tác lớn, quan trọng vào những ngành nghề, lĩnh vực lợi thế của các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao vùng duyên hải miền Trung.
- Thống nhất cơ chế, chính sách ưu đãi chung trong thu hút đầu tư vào các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao vùng duyên hải miền Trung. Xây dựng chính sách riêng khuyến khích hình thành các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao liên hoàn, chuyên sâu cho các đối tác đầu tư quan trọng đối với vùng duyên hải miền Trung.
3.3. Hợp tác trong phát triển cơ sở hạ tầng
- Hoàn thiện các tuyến giao thông đường bộ (tỉnh lộ); phối hợp với các Bộ, Ngành Trung ương nâng cấp các tuyến quốc lộ (đặc biệt sớm xây dựng các tuyến đường cao tốc) để kết nối các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao trong từng địa phương và toàn vùng, gắn kết với các thị trường tiêu thụ và xuất khẩu.
- Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, lưu thông, vận tải, xuất nhập khẩu… để các doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có của các địa phương (đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay, lưới điện, cấp nước…) để phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
- Phối hợp huy động các nguồn vốn đầu tư xã hội theo các hình hợp tác đầu tư BT, BTO, PPP, ODA…
3.4 Các hợp tác khác
- Liên kết đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp trong các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao, nhất là đào tạo nghề cho lao động thuộc các doanh nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp trong cùng một dây chuyền liên hoàn sản xuất.
- Hỗ trợ để người lao động và các doanh nghiệp tại các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao trong Vùng được tiếp cận và sử dụng dễ dàng, thuận lợi, bình đẳng các dịch vụ công (y tế, giáo dục, văn hóa…) của các địa phương trong Vùng.
- Định kỳ 6 tháng tổ chức giao ban giữa các Ban quản lý các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao trong Vùng nằm cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm về thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, hợp tác phát triển giữa các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao...
Bản cam kết hợp tác phát triển này là cơ sở pháp lý để triển khai các công việc hợp tác phát triển tiếp theo giữa các Khu Công nghiệp, Khu kinh tế và Khu công nghệ cao của 09 tỉnh/thành phố vùng duyên hải miền Trung Việt
Bản cam kết hợp tác đã được lãnh đạo Ban Quản lý KKT Chân Mây – Lăng Cô, Ban Quản lý các KCN tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Quản lý KCNC thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý KCN & KCX thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý KKT mở Chu Lai, Ban Quản lý các KCN tỉnh Quảng Nam, Ban Quản lý KKT Dung Quất, Ban Quản lý các KCN tỉnh Quảng Ngãi, Ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định, Ban Quản lý KKT tỉnh Phú Yên, Ban Quản lý KKT Vân Phong tỉnh Khánh Hòa, Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận thống nhất ký kết và thực hiện.
NB