Festival Tây Sơn - Bình Định 2008: Hội tụ và phát triển
23/07/2008

 

Diễn ra tại TP.Quy Nhơn và huyện Tây Sơn từ ngày 1 đến 3.8, nhưng ngay ở nửa cuối tháng 7, festival đã kịp khởi động bằng chuỗi hoạt động tiền lễ hội tưng bừng, náo nhiệt

 

Diễn ra tại TP.Quy Nhơn và huyện Tây Sơn từ ngày 1 đến 3.8, nhưng ngay ở nửa cuối tháng 7, festival đã kịp khởi động bằng chuỗi hoạt động tiền lễ hội tưng bừng, náo nhiệt.

PV Báo Lao Động đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, Trưởng BTC Festival Tây Sơn - Bình Định 2008 (ảnh).

Thưa bà, tại sao là 2008 và Bình Định trông chờ gì ở sự kiện này?

- Festival Tây Sơn - Bình Định không phải là ý tưởng nhất thời mà là sản phẩm của một quyết tâm chính trị, được cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng. Những năm qua, Bình Định đã xác lập cho mình một vị thế chắc chắn trong tiến trình đổi mới đất nước. Từ chỗ gần như đứng bên lề vận hội phát triển, Bình Định trở thành một cực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung để không lâu sau, đặt chân vào "Câu lạc bộ 1.000 tỉ" và sắp tới là "Câu lạc bộ 2.000 tỉ".

Việc ra đời Khu kinh tế Nhơn Hội mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi về thăm đã khen là "vừa quyết tâm, vừa bài bản" cùng cầu Thị Nại - cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á... thể hiện tầm vóc, sức bật, sự quả quyết mới trên quê hương những anh hùng áo vải cờ đào. Chỉ dấu tăng trưởng mạnh mẽ ấy đặt Bình Định trước yêu cầu phải hội nhập chủ động, toàn diện, sâu sắc hơn.

Đi tìm hình ảnh đất võ tương lai, chúng tôi xem festival này là cơ hội thích hợp hầu cố kết nhân tâm, trùng hưng phong khí, phát huy nội lực, quảng bá hình ảnh, giao lưu thân thiện, kiếm tìm đối tác. Thời điểm tổ chức lễ hội cũng là một lựa chọn mang ý nghĩa biểu trưng. Những ngày này cách đây 235 năm (1773), nghĩa quân Tây Sơn tiến đánh phủ thành Quy Nhơn, dọn đường cho những chiến công hiển hách của một trong những triều đại huy hoàng nhất lịch sử dân tộc.

Festival sắp khai diễn. Là Trưởng BTC, bà có hài lòng với công tác chuẩn bị?

- Đến thời điểm này, các công trình phục vụ festival cơ bản đã chạm đích. Tại Quy Nhơn, tuyến đường du lịch ven biển mang tên Xuân Diệu đã hoàn tất; thành phố đang ráo riết triển khai vệ sinh môi trường, kiến tạo cảnh quan, di dời tàu thuyền về nơi neo đậu mới. Khu quảng trường trung tâm cũng được được chỉnh trang, nâng cấp và được tô điểm đẹp thêm với hình ảnh của Nhà văn hoá Lao động, hồ phun nước nghệ thuật. Trung tâm Văn hoá - thông tin, hoa viên Quang Trung, công viên di tích Tháp Đôi đang ở những hạng mục cuối.

Tại Tây Sơn, việc mở rộng, nâng cấp Bảo tàng Quang Trung, đền thờ nữ tướng Bùi Thị Xuân đã cơ bản hoàn thành. Chúng tôi cũng phát hành "Cẩm nang du lịch Bình Định", in 30.000 tài liệu bằng nhiều thứ tiếng nhằm đưa các hành trình tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng, xúc tiến đầu tư tới tận tay từng khách tham quan và nhà doanh nghiệp. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn đã sẵn sàng đón khách.

Điều khiến tôi an tâm nhất là nội dung chương trình lễ hội. Toàn bộ các kịch bản chi tiết đã được phê duyệt, trong đó có những đại cảnh huy động hàng ngàn lượt người cùng khối lượng lớn voi ngựa, đạo cụ, thiết bị âm thanh, ánh sáng như lễ khai mạc, lễ dâng hương, dâng hoa tại đền thờ Tây Sơn Tam kiệt, đêm hội hoa đăng trên đầm Thị Nại...

Quá nhiều địa phương lựa chọn hình thức tự quảng bá bằng "công nghệ" festival. Lần đầu "trình làng", Bình Định thể hiện ra sao để nổi bật bản sắc "trời văn, đất võ" cũng như tinh thần "hội tụ và phát triển"?

- Khi tìm kiếm chủ đề cho festival, chúng tôi rất trăn trở. Và rồi những cái tên như Quy Nhơn, Nhơn Hội đã là một gợi ý: Sự quy tụ, hòa hợp, nhân lên những điều nhân, những tấm lòng, những tinh hoa, tiềm lực. Bí thư Tỉnh uỷ Vũ Hoàng Hà nói một câu rất thấm thía về con người Bình Định: "Trọng nhân nghĩa, quý hiền tài, yêu lẽ phải, ham kết giao, hiếu học, cầu tiến...". "Đất võ trời văn" là hoa trái của môi trường văn hoá - lịch sử và thứ "khí chất trời cho" ấy. Để làm nổi bật thần thái, bản sắc, không thể thiếu hệ thống hình tượng cách điệu về sản vật, con người, nước non Bình Định.

Lấy hào khí Tây Sơn làm điểm tựa, làm nguồn cảm hứng chủ đạo, kịch bản - không gian lễ hội là dòng chảy xuyên suốt, liền mạch giữa quá khứ và hiện tại, giữa võ và văn, giữa đánh giặc, giữ nước và làm thơ, dựng nước. Ở đó có hát bội, bài chòi, có Đào Tấn, Nguyễn Diêu, song cũng có voi gầm ngựa hí, có "roi Thuận Truyền, quyền An Thái"; có thơ Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, có cả những tráng ca, tuồng tích sử thi về Đống Đa, Rạch Gầm, Xoài Mút. Có rượu Bàu Đá, nem Chợ Huyện, bún Song Thằn, nón lá Gò Găng, gốm Nhơn Hậu, lư đồng Bằng Châu và tất nhiên, có cầu Thị Nại, Khu kinh tế Nhơn Hội - biểu tượng mới của tinh thần tiến công vũ bão, tốc chiến tốc thắng, của khí thế Tây Sơn thời hội nhập - phát triển.

- Cảm ơn Phó chủ tịch

Nguồn: Báo Lao động