Công tác công tác xúc tiến ĐTNN khu vực Miền Trung - Tây Nguyên 6 tháng đầu năm 2012
11/07/2012

 

Ngày 9/7/2012, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài (ĐTNN) khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư đã tham dự và tổng hợp những nội dung chính của Hội nghị.

 

Ngày 9/7/2012, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài (ĐTNN) khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư đã tham dự và tổng hợp những nội dung chính của Hội nghị.

Những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài của các địa phương miền Trung – Tây Nguyên

1. Về thực hiện các dự án ĐTNN

- Xuất phát từ tình hình suy giảm kinh tế, nhà nước đang có chủ trương kiềm chế lạm phát, nhìn chung  tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng giống như các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn, tập trung vào các vấn đề cơ bản như:

+ Thị trường nguyên liệu, thị trường đầu ra bị thu hẹp; mức tiêu dùng nội địa và quốc tế giảm làm giảm khả năng tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp, tăng lượng hàng tồn kho lớn, khó giảm dư nợ vay của ngân hàng;

+ Đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản thì các khó khăn trên càng biểu hiện nhiều hơn, nhất là vấn đề về nguyên liệu, thị trường và hàng rào phi thuế quan của các thị trường nhập khẩu;

+ Khó tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước do lãi suất ngân hàng quá cao, hầu hết các khoản dư nợ tín dụng đều đến hạn hoặc chuyển qua nợ xấu, nợ khó đòi;

+ Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh ở mức độ cầm chừng bằng cách giảm bớt lao động, giảm thời gian tăng ca, công nhân phải nghỉ luân phiên, doanh nghiệp phải lập kế hoạch tái cấu trúc hệ thống tổ chức bộ máy.

- Tình hình triển khai thực hiện một số dự án FDI còn chậm, một số dự án không

đảm bảo tiến độ đã đề ra, thiếu vốn đầu tư do khó khăn kinh tế chung.

2. Về công tác quản lý ĐTNN

Đa số các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp của đài Loan, Trung Quốc, thường chấp hành chưa tốt các quy định pháp luật lao động tại Việt Nam mà họ thường lập ra các Tổ chức hiệp hội của họ để thống nhất với nhau về cách thức thực thi các quy định về pháp luật đầu tư tại Việt Nam và họ đưa ra mức lương tối đa để trả cho lao động Việt Nam. điều này đã tạo ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý của các cơ quan ban ngành và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập của lao động Việt Nam.

3. Về thực thi luật pháp, chính sách

- Liên quan đến đầu tư của các nhà đầu tư là người Việt Nam ở nước ngoài (Việt Kiều), theo Luật đầu tư thì các nhà đầu tư có quốc tịch từ nước ngoài, lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam phải đăng ký doanh nghiệp và có dự án đầu tư. Tuy nhiên, với chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ khuyến khích Việt kiều về đầu tư làm ăn ở Việt Nam mà phải thực hiện thủ tục theo đầu tư nước ngoài thì không khuyến khích được Việt Kiều, phải xem họ là nhà đầu tư trong nước chỉ đăng ký kinh doanh, nếu có dự án đầu tư trên 15 tỷ đồng thì đăng ký đầu tư như nhà đầu tư trong nước. Vấn đề này chưa được thể hiện trong các Nghị định của Chính phủ nên mỗi địa phương làm theo mỗi kiểu khác nhau như một số địa phương thì cho đăng ký kinh doanh, một số địa phương yêu cầu phải thực hiện theo hình thức đầu tư nước ngoài, sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

- Việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư về miễn giảm tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu phi thuế quan vẫn còn ý kiến chưa thống nhất.

- Trong quá trình thực hiện dự án, việc xác định khung giá thuê đất cho nhà đầu tư nước ngoài chưa thống nhất, lý do: các dự án đầu tư nước ngoài được nhà nước thu hồi đất, giao đất sạch để thuê, nên mức giá thuê đất cũng khác nhau (theo mức thuê đất của UBND tỉnh ban hành hằng năm hoặc giá thuê đất theo giá thị trường).

- Có nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án trong khi trong khi qui trình, thủ tục còn rườm rà, phức tạp nên doanh nghiệp khó tiếp cận ưu đãi của Nhà nước.

- Hiện nay các dự án FDI đều hoạt động tốt ở giai đoạn đầu, khi mà còn hưởng được các ưu đãi của Nhà nước, đến khi hưởng hết các ưu đãi thì thường dẫn đến các tình trạng vỡ nợ, phá sản xảy ra.

- Ngoài ra, một số điều luật về Luật đầu  tư, Luật Doanh nghiệp, Luật đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã có sự điều chỉnh nhưng chưa đồng bộ, rõ ràng gây khó khăn cho công tác thu hút cũng như quản lý đầu tư nước ngoài.

4. Về công tác xúc tiến đầu tư

- Kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư còn hạn chế nên chưa tổ chức hoặc tham gia các chương trình, đoàn đi xúc tiến đầu tư  tại các quốc gia, đối tác lớn, có tiềm năng đầu tư vào Việt Nam.

- Hiện còn thiếu định vị cụ thể về vị trí, thị phần, tỷ lệ tham gia của FDI trong các quy hoạch ngành, vùng và sản phẩm của địa phương; chưa có quy hoạch các dự án thu hút FDI, đòi hỏi nhiều điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, về lâu dài dẫn đến phá vỡ quy hoạch.

5. Về các vấn đề khác

- Công nghiệp phụ trợ của các địa phương còn thiếu và yếu.Với nhu cầu chuyên môn hoá ngày càng cao, xu hướng hiện nay doanh nghiệp thường chỉ sản xuất, cung cấp một hoặc một số loại mặt hàng, thiết bị nhất định. Do đó, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò quan trọng trong quyết định đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm giảm thiểu chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

- Một số tỉnh còn là tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, việc giao đất sạch cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do  kinh phí để bố trí cho công tác đền bù giải phóng mặt, bố trí tái định cư không có, dẫn đến thu hút đầu tư nước ngoài hạn chế.

- Cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, chưa được Trung ương quan tâm đầu tư (đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên) dẫn đến việc lưu thông hàng hóa, đi lại còn gặp nhiều khó khăn.

Kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến ĐTNN của các địa phương miền Trung – Tây Nguyên

1. Về luật pháp, chính sách

- Đề nghị Chính phủ sớm ban hành sửa đổi Nghị định 108/2006/ NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đầu tư; Ban hành chế độ báo cáo thống kê, biểu mẫu báo cáo áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN và bên hợp doanh nước ngoài;

- Đồng thời kiến nghị văn bản pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp cần nghiên cứu, xem xét tách riêng việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cũng như Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện và tương ứng giao cho các cơ quan có chức năng quản lý đầu tư và cơ quan có chức năng quản lý doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện riêng.

- Đề nghị Chính phủ rà soát lại, sửa đổi, bổ sung các chính sách về đầu tư, kinh doanh cho phù hợp; Tập trung chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực và địa bàn trọng điểm.

- Cần sớm ban hành chính sách thu hút đầu tư riêng cho các tỉnh Tây Nguyên nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đất giàu tài nguyên này.

- Không áp dụng chính sách ưu đãi đối với các dự án hoạt động không quá 5 năm vì trong nhiều trường hợp, thời hạn được hưởng ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp còn cao hơn (đối với các dự án tận thu khoáng sản và một số lĩnh vực khác…).

- Đẩy mạnh cải cách hành chính đối với công tác quản lý hoạt động ĐTNN. Thực hiện cơ chế “một cửa” quy trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo mô hình ISO; mẫu hoá hồ sơ thủ tục đầu tư, đặc biệt là trên website của địa phương bằng tiếng Việt và tiếng Anh; Tiếp tục cải cách, phòng chống tham nhũng trong hoạt động FDI.

- Song song với các giải pháp tìm kiếm, thu hút đầu tư thì Nhà nước cần phải xây dựng các cơ chế chính sách đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp FDI thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về đảm bảo môi trường và các chế độ đối với lao động Việt Nam. Cần phải quy định rõ ràng, cụ thể những công việc, ngành nghề nào cho phép  các doanh nghiệp FDI sử dụng lao động nước ngoài và các phương thức đào tạo lao động Việt Nam để thay thế.

- Cần có những chính sách để quản lý tốt nguồn vốn mà các doanh nghiệp FDI bỏ vào đầu tư tại Việt Nam và quản lý chặt chẽ nguồn tiền “chảy” ra nước ngoài. Các cơ quan thuế, hải quan phải giám sát chặt chẽ quá trình nhập khẩu máy móc thiết bị của các doanh nghiệp FDI để tránh trường hợp Việt Nam trở thành bãi rác thải máy móc thiết bị, gây ô nhiễm môi trường.

- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phê duyệt các quy hoạch còn thiếu; rà soát để định kỳ bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch đã lạc hậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc xác định và xây dựng dự án. Hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất, công bố rộng rãi quy hoạch.

- Các thể chế, chính sách của pháp luật phải có hiệu lực trong thời gian dài, tạo tâm lý yên tâm, ổn định cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư tại Việt Nam.

- Bộ Kế hoạch và đầu tư cần có văn bản hướng dẫn các Sở Kế hoạch và đầu tư địa phương thực hiện thống nhất bộ thủ tục đầu tư đã quy định, hạn chế phải thực hiện bộ thủ tục đầu tư theo nhiều Nghị định.

2. Về công tác quản lý ĐTNN

- Các cơ quan tham mưu trong lĩnh vực đầu tư cần tăng cường công tác giám sát tình hình hoạt động, triển khai của các dự án, phát hiện khó khăn, vướng mắc kịp thời tham mưu trình UBND tỉnh, thành phố xem xét, giải quyết; đồng thời cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai và không đủ khả năng thực hiện để tạo cơ hội lựa chọn nhà đầu tư mới.

- Tiến hành rà soát lại các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đôn đốc tiến độ triển khai dự án và xem xét thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng triển khai.

3. Về công tác xúc tiến đầu tư

- Xây dựng hoàn thiện danh mục và tóm tắt các dự án kêu gọi đầu tư.

- Tập trung xúc tiến thu hút các nhóm nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư ở Trung Quốc  và Thái Lan  (mục tiêu hướng đến là  các  nhà đầu tư:  Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ); các tập đoàn đa quốc gia (TNCs). Tăng cường thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế…

- Đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư (Cục đầu tư nước ngoài) có kế hoạch triển khai thực hiện và tạo điều  kiện cho các địa phương được tham gia các đoàn công tác nước ngoài của Trung ương nhằm tiếp cận các nhà đầu tư, các tập đoàn, các công ty lớn của nước ngoài để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thế mạnh, tiềm năng nhằm đón cơ hội làn sóng đầu tư mới sau khủng hoảng.

- Tiếp tục tập huấn, đào tạo kỹ năng và phương pháp xúc tiến đầu tư cho những cán bộ tham gia vào công tác xúc tiến đầu tư.

- Các hoạt động xúc tiến đầu tư cần có sự gắn kết giữa Trung ương và địa phương để tạo thành một thể thống nhất trong hoạt động xúc tiến đầu tư trên cả nước.

3. Về các vấn đề khác

- Đề nghị Chính Phủ quan tâm hỗ trợ vốn ngân sách Trung ương hàng năm, vốn trái phiếu chỉnh phủ, vốn ứng trước, tạo điều kiện kêu gọi vốn ODA cho các tỉnh để xây dựng cơ sở hạ tầng các Khu Kinh tế, Khu du lịch nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác triển khai dự án của các nhà đầu tư.

- Xem xét ưu tiên bố trí vốn đầu tư hạ tầng giao thông (Quốc lộ 14) cho vùng Tây Nguyên, vì đây là những địa phương kinh tế - xã hội còn khó khăn.

- Cần có định hướng và kế hoạch thu hút FDI cho vùng Tây Nguyên dài hạn, để có cơ sở cho địa phương chuẩn bị công tác đào tạo tây nghề, cung ứng lao động có trình độ, chuyên môn, tay nghề cao kịp thời cho các doanh nghiệp FDI.

- Tạo điều kiện thuận lợi, cho gia hạn thời gian thực hiện dự án và hỗ trợ Nhà đầu tư trong công tác GPMB, hoàn thành thủ tục về đất đai, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các KCN…đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

- Đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh các chính sách kinh tế vĩ mô để tháo gỡ khó khăn do chính sách gây ra, cân đối điều chỉnh các chỉ tiêu giữa lạm phát và tăng trưởng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn vay, khôi phục sản xuất, tăng việc làm, giảm bớt các gánh nặng tiêu cực cho xã hội.

 

NB