Bước vào năm 2012, nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc nhiều nước áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” làm cho nhu cầu tiêu dùng sản phẩm giảm đáng kể, cùng với những rào cản kỹ thuật mới và chính sách bảo hộ. Trong nước giá nguyên, nhiên vật liệu nhiều ngành sản xuất tăng cao cùng với việc khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã làm cho các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề..
Bước vào năm 2012, nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc nhiều nước áp dụng các chính sách “thắt lưng buộc bụng” làm cho nhu cầu tiêu dùng sản phẩm giảm đáng kể, cùng với những rào cản kỹ thuật mới và chính sách bảo hộ. Trong nước giá nguyên, nhiên vật liệu nhiều ngành sản xuất tăng cao cùng với việc khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã làm cho các doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và giải pháp của Chính phủ. Bên cạnh đó các doanh nghiệp đã năng động, nỗ lực tự cứu mình nên hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2012 nhìn chung có giảm sút nhưng một số ngành, mặt hàng có tăng trưởng.
Tình hình xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 6 tháng đầu năm 2012 ước thực hiện 258,8 triệu USD, đạt 53,9 kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2011 (229 triệu USD).
Nhóm hàng nông sản ước thực hiện 54,7 triệu USD, đạt 68,4% kế hoạch năm, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2011. Nhóm hàng lâm sản ước thực hiện 115,6 triệu USD, đạt 42% kế hoạch năm, giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2011. Nhóm hàng thủy hải sản ước thực hiện 23,8 triệu USD, đạt 59,6% kế hoạch năm, tăng 36,6% so với cùng kỳ năm 2011. Nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng ước thực hiện 38,6 triệu USD, đạt 77,1% kế hoạch năm, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2011. Nhóm công nghiệp chế biến tiêu dùng ước thực hiện 26,1 triệu USD, đạt 74,6% kế hoạch năm, gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu có khối lượng tăng so với cùng kỳ năm 2011 đã tăng KNXK 44,8 triệu USD gồm: sắn lát, hải sản các loại, tinh quặng Ilmenite, xỉ titan, sản phẩm may mặc
Thị trường xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2012 hàng hóa của tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục gồm 69 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Châu Á 25 quốc gia, ước đạt 132,9 triệu USD, chiếm tỷ trọng 51,3% (tăng 29%); Châu Âu 29 quốc gia, ước đạt 108 triệu USD, chiếm 41,7% (tăng 3%); Châu Mỹ 5 quốc gia, ước đạt 8,9 triệu USD, chiếm 3,5% (giảm 2,4%); Châu Đại Dương 2 quốc gia, ước đạt 4,5 triệu USD, chiếm 1,7% (giảm 38,1) và Châu Phi 5 quốc gia, ước đạt 4,6 triệu USD chiếm 1,8% (giảm 5,3%) so với cùng kỳ. Một số thị trường truyền thống như: Trung Quốc 56 triệu USD, Nhật Bản 35,4 triệu USD, Đức 32 triệu USD, Pháp 23,7 triệu USD, Anh 18 triệu USD, Mỹ 6,4 triệu USD…
Tình hình nhập khẩu
Tổng kim ngạch nhập khẩu (KNNK) 6 tháng đầu năm 2012 ước thực hiện 73,8 triệu USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước. Hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên, nhiên vật liệu và máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất chế biến hàng xuất khẩu. Trong đó nhóm nguyên, nhiên vật liệu ước thực hiện 73,4 triệu USD, chiếm 99,4 tổng KNNK, bao gồm: gỗ các loại khối lượng 80,2 nghìn m3 giá trị 16,9 triệu USD; hải sản cấp đông khối lượng 3,7 nghìn tấn, giá trị 3,8 triệu USD; phân bón cái loại khối lượng 72,8 nghìn tấn, giá trị 27,9 triệu USD, nguyên phụ liệu may 4,6 triệu USD… Nhóm máy móc thiết bị, xe cộ, phụ tùng khác ước 456 nghìn USD giảm 3,1 triệu USD so với cùng kỳ năm 2011.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường để duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP; Nghị quyết số 13/NQ-CP của Chính phủ sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước, giảm lạm phát, lãi suất ngân hàng giảm so với 6 tháng đầu năm tác động tích cực đến nền hoạt động sản xuất kinh doanh, các khó khăn của doanh nghiệp về vốn và thị trường sẽ dần được cải thiện, sức mua sẽ tăng dần, việc làm và thu nhập người dân sẽ được cải thiện.
Trương Chương