Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc 2008: Gìn vàng, giữ ngọc có hay?
28/07/2008

 

Bên lề Festival Tây Sơn - Bình Định, Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc 2008 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VHTTDL Bình Định tổ chức sẽ khai mạc tại Quy Nhơn tối nay - 25.7.

 

Bên lề Festival Tây Sơn - Bình Định, Liên hoan nghệ thuật tuồng truyền thống toàn quốc 2008 do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở VHTTDL Bình Định tổ chức sẽ khai mạc tại Quy Nhơn tối nay - 25.7.

Liên hoan kéo dài đến 30.7, quy tụ hơn 400 diễn viên. Đây được coi là một trong những sự kiện lớn nhằm "kiểm định" nỗ lực bảo tồn di sản tuồng truyền thống.

Có 8 vở diễn góp mặt tại liên hoan nhờ công phu dàn dựng của 7 đoàn nghệ thuật tuồng chuyên nghiệp... sót lại, gồm "Nữ tướng Đào Tam Xuân", "Triệu Đình Long cứu chúa" (Nhà hát tuồng VN); "Trầm hương các" (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh); "Diễn võ đình" (Nhà hát tuồng Đào Tấn); "Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu" (Nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM); "Thanh gươm hát bội" (Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hoà); "Đào Duy Từ" (Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế); "Sơn Hậu" (Đoàn nghệ thuật tuồng Thanh Hoá).

Con số 7 tạo cảm giác ngậm ngùi ít nhiều đối với những người trong giới, bởi theo Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương, đã diễn ra một cuộc rơi rụng đáng xót xa, quan ngại nếu so với 13 đơn vị tuồng chuyên nghiệp trong toàn quốc trước kia.

8 vở diễn mang đến liên hoan là sự phân bổ đẹp và ý vị giữa các dòng tuồng: Trước Đào Tấn, của Đào Tấn và tuồng sử. Tất cả đều là tuồng truyền thống hoặc ít nhiều gắn bó với truyền thống. Một cuộc hội ngộ mừng mừng, tủi tủi cho các thế hệ yêu tuồng, làm tuồng, đang cố lèo lái nỗ lực giữ tuồng đi cùng một hướng.

NSND Hoà Bình (Nhà hát tuồng Đào Tấn) xúc động: "Lâu lắm rồi, những người giữ tuồng và mê tuồng mới có dịp quây quần bên nhau trong một không gian vừa ấm áp, gần gũi, vừa bề thế, trang trọng như vậy, nhất là nó diễn ra trên chính quê hương hậu tổ tuồng Đào Tấn".

Phát biểu tại buổi tiếp xúc báo chí sáng 24.7, Cục phó Nguyễn Đăng Chương nói: Bộ VHTTDL trông chờ ở liên hoan một cuộc tôn vinh sáng giá giá trị nghệ thuật tuồng truyền thống. Đây cũng là dịp để chung sức, chung lòng trả lời câu hỏi: Làm cách nào "gìn vàng, giữ ngọc" và phát huy giá trị báu vật tuồng? Làm thế nào để tuồng truyền thống đi vào đời sống đương đại; đặc biệt, lay động được giới trẻ, chủ nhân tương lai của văn hoá dân tộc.

Liên hoan cũng là dịp tổng kết thành quả lưu giữ, phát huy di sản tuồng cha ông. Việc đó, trước nay đã làm, nhưng giờ là lúc xúc tiến một cách có hệ thống, có chiều sâu hơn nhằm giúp Bộ VHTTDL định hướng chính sách quốc gia bảo tồn di sản tuồng truyền thống.

Trong khuôn khổ liên hoan, sáng 30.7, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc sẽ tổ chức cuộc toạ đàm giữa đại diện giới sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu và công chúng yêu tuồng. Chúng tôi coi buổi toạ đàm này là sự khởi động thiết thực trước thềm hội thảo khoa học về tuồng truyền thống - dự kiến diễn ra tại Hà Nội tháng 10 tới"- ông Chương cho biết.

Nguồn: Báo Lao động