Kim ngạch xuất khẩu quý 1 ước đạt 124 triệu USD
28/03/2012

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) Quý I năm 2012 ước thực hiện 124 triệu USD, đạt 25,8% kế hoạch năm, tăng 0,1% so với quý I năm 2011 (123,9 triệu USD).

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) Quý I năm 2012 ước thực hiện 124 triệu USD, đạt 25,8% kế hoạch năm, tăng 0,1% so với quý I năm 2011 (123,9 triệu USD).

Trong quý I/2012, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới vẫn chưa được kiểm soát, các nền kinh tế lớn chưa được phục hồi, đặc biệt là các nước Châu Âu; nhu cầu tiêu dùng sản phẩm có giá trị thấp, giá xăng dầu tăng, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, tỷ giá ngoại tệ không ổn định, các rào cản kỷ thuật của các nước nhập khẩu tiếp tục áp đặt và lãi suất ngân hàng trong nước vẫn còn cao cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trong nước nói chung và Bình Định nói riêng. Tuy nhiên, với sự năng động, nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành đã làm cho nhịp độ tăng trưởng KNXK của tỉnh được duy trì.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu

Nhóm hàng nông sản ước thực hiện 21,2 triệu USD, đạt 26,4% kế hoạch năm, giảm 20,3% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này là do xu hướng giảm giá xuất hiện từ cuối năm 2011 nên giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng có sự giảm sút so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó mặt hàng sắn lát có sự giảm sút đáng kể cả về lượng và giá trị, hoạt động xuất khẩu gạo đầu năm chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp chưa ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt, thị trường Indonexia mặc dù vẫn đứng vị trí hàng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm hơn ½ tổng giá trị gạo xuất khẩu, nhưng khối lượng và giá trị xuất khẩu sang thị trường này chỉ bằng 2/3 so cùng kỳ do chủ trương của Chính phủ Indonexia ngay từ những tháng đầu năm đã hạn chế nhập khẩu gạo của các nước khác.

Nhóm hàng lâm sản ước thực hiện 69,9 triệu USD, đạt 25,4% KH năm, giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2011, nguyên nhân năm 2011, các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu đến hết tháng 6 năm 2011, tuy nhiên năm 2012, mùa vụ kết thúc sớm, các đơn hàng chỉ ký kết đến tháng 2 năm 2012, mặc khác giá đầu ra của sản lại không tăng nên một số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ chỉ sản xuất cầm chừng, không chủ động mở rộng nhà máy và ký kết đơn hàng với khách hàng nước ngoài mà chỉ gia công lại cho các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước. Hiện nay một số doanh nghiệp đã ngừng hoạt động do không có đơn hàng để sản xuất đã làm KNXK quý I năm 2012 giảm so với cùng kỳ.

Nhóm hàng thuỷ hải sản ước thực hiện 10,9 triệu USD, đạt 27,4% KH năm, tăng 23,3% so với năm 2011, nguyên nhân do năm 2011 nguồn nguyên liệu để sản xuất bị thiếu hụt; biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng đến sản lượng, mùa vụ tôm nuôi; chi phí xăng dầu tăng và an toàn trên biển không đảm bảo do ảnh hưởng tình hình biển đông nhiều tàu không ra khơi đánh bắt và tình trạng cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu ở các cảng và chợ đầu mối của các thương nhân Trung Quốc đã ảnh hưởng đến giá cả, sản lượng xuất khẩu, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2012, các doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động hơn trong việc thu mua nguyên liệu của các nước để chế biến xuất khẩu, mặc khác giá thành xuất khẩu năm nay tăng hơn so với cùng kỳ, dẫn đến KNXK nhóm hàng này tăng.

Nhóm hàng khoáng sản và vật liệu xây dựng ước thực hiện 7,7 triệu USD, đạt 15,4% KH năm, giảm 10,2% so với năm 2011. Bên cạnh việc các doanh nghiệp vẫn xuất khẩu sản phẩm xỉ titan và các sản phẩm sau titan thì mặt hàng tinh quặng Ilmenite là mặt hàng xuất khẩu chính, tuy nhiên trong Quý I năm 2012, chỉ một số doanh nghiệp vẫn xuất khẩu thị trường truyền thống là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thì hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp vẫn chưa ký hợp đồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc nên lượng tinh quặng tồn kho của mặt hàng này vẫn chưa xuất khẩu dẫn đến KNXK nhóm hàng này giảm so với cùng kỳ.

Nhóm công nghiệp chế biến tiêu dùng ước thực hiện 14,3 triệu USD, đạt 40,9% KH năm, tăng 168,7% so với năm 2011, do sản phẩm may mặc của các Công ty thành viên của Tổng Công ty May Nhà Bè đã tham gia xuất khẩu trực tiếp với đối tác các nước (Quý I năm 2012, KNXK ước thực hiện trên 8 triệu USD).

Về các mặt hàng nhập khẩu

Một số mặt hàng xuất khẩu có khối lượng và giá trị tăng so với quý I năm 2011 như: Hải sản các loại: khối lượng 1,7 nghìn tấn (giảm 134 tấn), giá trị 11 triệu USD (tăng 2,1 triệu USD); dăm bạch đàn: khối lượng 58,7 nghìn tấn (tăng 7,7 nghìn tấn), giá trị 7,3 triệu USD (tăng 1,1 triệu USD); Sản phẩm may mặc các loại giá trị 10,1 triệu USD (tăng 9,7 triệu USD),…; Một số mặt hàng có khối lượng và giá trị giảm như: Gạo, nếp các loại: khối lượng 18,1 nghìn tấn (giảm 3,2 nghìn tấn), giá trị 9,4 triệu USD (giảm 1,6 triệu USD); sắn lát: khối lượng 51,4 nghìn tấn (giảm 4,6 nghìn tấn), giá trị 11,7 triệu USD (giảm 2,9 triệu USD); Gỗ tinh chế các loại: khối lượng 35,9 nghìn m3 (giảm 6,2 nghìn m3), giá trị 62,6 triệu USD (giảm 6,5 triệu USD); Đá xây dựng granit: khối lượng 2,4 nghìn m3 (tăng 511 m3) giá trị 773 nghìn USD (giảm 69 nghìn USD); titan các loại: khối lượng 38,7 nghìn tấn (giảm 7 nghìn tấn), giá trị 6,8 triệu USD (giảm 940 nghìn USD); giày dép các loại: khối lượng 278 nghìn đôi (giảm 343 nghìn đôi), giá trị 2 triệu USD (giảm 1,1 triệu USD); bột nhang: khối lượng 818 tấn (giảm 520 tấn), giá trị 905 nghìn USD (giảm 35 nghìn USD); …

Về thị trường xuất khẩu

Trong Quý I năm 2012 hàng hoá của tỉnh đã xuất khẩu trực tiếp qua 5 châu lục gồm 61 nước và vùng lãnh thổ, trong đó Châu Á 20 nước, ước đạt 46,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 37,2% (giảm 3,3%); Châu Âu 29 nước, ước đạt 68,2 triệu USD, chiếm 55,4% (tăng 0,1%); Châu Mỹ 05 nước, ước đạt 5,4 triệu USD, chiếm 4,4% (tăng 18,9%); Châu Đại Dương 02 nước, ước đạt 1,8 triệu USD, chiếm 1,5% (giảm 20,7%) và Châu Phi 05 nước, ước đạt 2 triệu USD chiếm 1,5% (tăng 71,1%) so với cùng kỳ.

Một số thị trường truyền thống như: Trung Quốc 12,7 triệu USD, chiếm 10,3% (giảm 50,5%); Singapore 1,5 triệu USD, chiếm 1,2% (giảm 14,9%, do mặt hàng gạo giảm); Nhật Bản 15,1 triệu USD, chiếm 12,2% (gần gấp 5 lần); Anh 12,8 triệu USD, chiếm 10,3% (tăng 101,7%); Đức 17,3 triệu USD, chiếm 14% (giảm 8,4%); Hà Lan 5,7 triệu USD, chiếm 4,6% (giảm 17,7%); Ý 5,2 triệu USD, chiếm 4,2% (giảm 16,1%); Pháp 14,7 triệu USD, chiếm 11,9% (tăng 4,5%); Tây Ban Nha 2,3 triệu USD, chiếm 1,8% (giảm 43,9%); Mỹ 3,9 triệu USD, chiếm 3,2% (tăng 6,1%);…

Những hạn chế

Do sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh cũng như năng lực sản xuất yếu, thiếu vốn hoạt động sản xuất kinh doanh không thể cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu nên kim ngạch xuất khẩu giảm đáng kể; Một số doanh nghiệp chậm đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm; việc tiếp thị quảng bá, xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn mác, xây dựng thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 9000, HACCP, ...  chưa thật sự quan tâm đúng mức, làm cho sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của tỉnh trên thị trường thấp; Hoạt động của một số Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh chưa phát huy mạnh mẽ, thiếu sự hợp tác liên kết phối hợp giữa các doanh nghiệp xuất khẩu trong thu mua nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu, bị khách hàng ép giá trong các hợp đồng xuất khẩu.

Những hạn chế yếu kém trên, ngoài nguyên nhân khách quan, chủ yếu là do một số nguyên nhân chủ quan: Mỗi doanh nghiệp chưa xây dựng chiến lược phát triển của mình về trình độ, năng lực sản xuất, vùng nguyên liệu, thị trường, thương hiệu, chất lượng sản phẩm,…; năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh yếu; sự phối hợp giữa các ngành với ngành, ngành với địa phương hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp thiếu chặt chẽ, đồng bộ.

Các giải pháp đẩy mạnh tăng cường xuất khẩu trong quý 2

Triển khai thực hiện tốt các chính sách tài chính, tiền tệ nhất là cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các DN; hỗ trợ tín dụng đầu tư; có chính sách hỗ trợ các DN chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh, nhất là giảm lãi suất vay vốn để mua nguyên liệu gỗ.

Tăng cường việc đào tạo lao động trong các DN sản xuất chế biến gỗ, may mặc, thủy sản; tiếp tục thực hiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật,...) nhằm khắc phục tình trạng thiếu lao động ở một số DN đáp ứng cho nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh góp phần nâng cao chất lượng quản lý sản xuất - kinh doanh, tăng năng suất lao động, và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tập trung khai thác triệt để năng lực sản xuất để nâng cao khả năng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, đảm bảo đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu lớn. Nghiên cứu, khai thác thị trường, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị và hàm lượng kỹ thuật, công nghệ cao, chuyển dần sản xuất đồ gỗ ngoài trời sang sản xuất đồ gỗ nội thất.

Đẩy mạnh sản xuất và đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đẩy mạnh đầu tư chiều sâu, tăng năng lực sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, áp dụng các biện pháp giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng; xây dựng thương hiệu sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng KNXK lớn của tỉnh như: mặt hàng gỗ và lâm sản chế biến; thủy hải sản; nông sản và khoáng sản.

Thúc đẩy các doanh nghiệp tự nguyện hợp tác, liên kết, hình thành những doanh nghiệp có quy mô lớn, làm đối tác chính trong việc đàm phán, ký kết với các đối tác nước ngoài, những đơn hàng lớn; thống nhất điều hành từ khâu nguyên liệu vật tư đến sản xuất, chế biến và giao hàng, bảo đảm chất lượng phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và lợi ích cho các doanh nghiệp thành viên.

Nâng cao vai trò của các Hiệp hội, ngành hàng nhằm tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có được thông tin và nắm bắt kịp thời về diễn biến cung cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới; tham gia làm thành viên Hiệp hội ngành hàng Trung ương, đây vừa là cấp thiết trước mắt vừa là chiến lược ổn định lâu dài khi Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO). Thông qua các Hiệp hội ngành hàng để phối hợp và tăng sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của tỉnh trên thị trường quốc tế và tham gia tích cực việc giải quyết các tranh chấp về rào cản kỷ thuật gây bất lợi cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh.

 

Hạnh Nguyên