Đầu tư nước ngoài: chuyển dần từ thu hút sang nâng cao chất lượng dòng vốn
16/03/2012

 

Đó là một trong những quan điểm được Giáo sư TSKH Nguyễn Mại, một trong những chuyên gia gắn bó lâu năm với hoạt động đầu tư nước ngoài đưa ra tại Hội thảo về Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vừa diễn ra vào ngày 15/3/2011 tại Hà Nội.

 

Đó là một trong những quan điểm được Giáo sư TSKH Nguyễn Mại, một trong những chuyên gia gắn bó lâu năm với hoạt động đầu tư nước ngoài đưa ra tại Hội thảo về Giải pháp thúc đẩy và nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vừa diễn ra vào ngày 15/3/2011 tại Hà Nội. Đây là hội thảo do Cục Đầu tư nước ngoài , Bộ Kế hoạch– Đầu tư phối hợp với Báo Đầu tư, Trung tâm Nghiên cứu đầu ĐTNN- ĐHQG Hà Nội tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, đại diện Ủy ban nhân dân, Sở kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất một số tỉnh, thành phố, các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Hội thảo tập trung đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đưa ra những mặt tích cực, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời thảo luận định hướng và các giải pháp nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng ĐTNN trong những năm tới.

Có thể nói trong hơn hai thập kỷ qua, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế. Ngoài việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển (Tính đến hết tháng 02/2012, tổng số dự án ĐTNN còn hiệu lực là 13.530 dự án với tổng vốn đăng ký gần 200 tỷ USD), hoạt động FDI đã góp phần hình thành một số ngành sản xuất mới, thúc đẩy xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, giải quyết việc làm cũng như đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước. Khu vực kinh tế FDI cũng đã có tác động tích cực tới các doanh nghiệp thông qua việc sản xuất, cung cấp phụ kiện, linh kiện cũng như tạo áp lực thúc đẩy năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, thực tiễn ĐTNN vào Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ không ít khó khăn, hạn chế: Đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia vào các lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam còn ít. Thu nhập bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có vốn FDI, nhất là khu vực sản xuất công nghiệp còn thấp. Chất lượng, hiệu quả của dự án ĐTNN còn bộc lộ không ít hạn chế, nhiều doanh nghiệp chủ yếu khai thác thị trường nội địa, tận dụng tài nguyên, lao động rẻ, ít dự án lớn có sức tác động lan tỏa tới các doanh nghiệp trong nước và  gần đây còn phát sinh nhiều nhiều vấn đề khác như chuyển giá, lãi thật, lỗ giả, ô nhiễm môi trường, dự án siêu tỷ “đô” trên giấy…

Do đó, hàng loạt các giải pháp được các diễn giả đưa ra như nhanh chóng sửa đổi, bổ sung luật pháp về đầu tư; sửa đổi chính sách ưu đãi; nâng cao năng lực phản ứng chính sách; tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước…thì việc rà soát, siết lại “ đầu vào” để chọn lọc vốn FDI theo đúng định hướng của Nhà nước cần phải được nghiêm túc đặt ra và thực hiện. Đã dần qua rồi thời kỳ thu hút FDI bằng mọi giá mà mục tiêu hàng đầu là cải thiện, thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả dòng vốn này. 

HTTT