Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam
04/01/2012

 

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2011 và những dự kiến cho năm 2012. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Công tác quản lý đầu tư nước ngoài dưới sự quản lý, điều hành của Chính phủ đã có những chuyển biến và đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

 

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài đã tổ chức cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2011 và những dự kiến cho năm 2012.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại của nền kinh tế Việt Nam, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Công tác quản lý đầu tư nước ngoài dưới sự quản lý, điều hành của Chính phủ đã có những chuyển biến và đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam.

Việt Nam: Địa chỉ đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, tính đến ngày 15/12/2011, Việt Nam có 13.667 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 198 tỷ USD, trong đó công nghiệp và xây dựng chiếm 54%. Singapore là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 24 tỷ USD, tiếp theo lần lượt là Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Vốn đăng ký đầu tư mới và tăng thêm tính đến 15/12/2011 tại Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, bằng 74% so với năm 2010, trong đó có 2 dự án trên 1 tỷ USD. Riêng vốn đăng ký mới đạt 11,6 tỷ USD, bằng 65% năm 2010 nhưng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Vốn thực hiện của khu vực FDI tại Việt Nam năm 2011 ước đạt 11 tỷ USD, bằng với mức thực hiện của năm 2010 và đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xuất khẩu khu vực FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 54,5 tỷ USD, chiếm 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 39,3% so với năm 2010. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI (không kể dầu thô) ước đạt 47,2 tỷ USD. Góp phần làm giảm gánh nặng cho cán cân thương mại. Nhập khẩu của khu vực FDI là 47,8 tỷ USD, tăng 29,3% so với năm 2010. Thu nội địa từ khu vực FDI đã có sự khởi sắc biểu hiện qua số liệu năm 2011 khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2010 (3,04 tỷ USD). Nhờ có sự đóng góp từ khu vực FDI, dẫn đến tăng thu ngân sách và giảm bội chi ngân sách nhà nước.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thế giới. Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2010 – 2012 của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) cho thấy Việt Nam đã thăng hạng 3 bậc, đứng thứ nhất trong ASEAN về mức độ hấp dẫn FDI và là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á. Theo kết quả điều tra đầu tư hải ngoại của JETRO đối với các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, Việt Nam đươc lựa chọn là điểm đầu tư hấp dẫn nhất với tư cách là thị trường sản xuất và đứng thứ ba về thị trường tiêu thụ.

Hoạt động xúc tiến đầu tư đã được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng diểm vào các đối tác tiềm năng, thể hiện tính khu vực, liên vùng, liên ngành cao và mang tính chuyên đề, dự kiến thu hút đầu tư khoảng 15 – 16 tỷ USD vốn đăng ký và giải ngân dự kiến là 11 tỷ USD. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang cùng các bộ, ngành soạn thảo Đề án đối tác chiến lược, Danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011 – 2015 và Nghị quyết của Chính phủ về ban hành Quy định về quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới. Đối với lệnh ngừng cấp phép đầu tư vào các ngành sắt thép, xi măng và dệt may của Thủ tưởng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự định tập trung vào các ngành mũi nhọn khác về năng lượng sạch như gió, nước…và các dự án về công nghệ cao.

Công tác quản lý, cấp phép dự án của nhà nước trong thời gian qua đã được xem xét kỹ hơn, chuyên sâu để hạn chế các dự án kém hiệu quả và các nhà đầu tư thiếu năng lực. Năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các Bộ, ngành tiến hành một số cuộc kiểm tra trong lĩnh vực xi măng, bất động sản, chuyển giá, rà soát việc vay vốn trong nước, để nắm bắt được tình hình thực tế.

Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam đã có những bước chuyển biến tích cực

Về tình hình đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, tính đến nay có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam đăng ký đạt 10,8 tỷ USD tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung chủ yếu tại Lào, Campuchia, Venezuela… Vốn thực hiện lũy kế đến nay ước đạt khoảng 2,7 tỷ USD.

Trong năm 2011, đã có 75 dự án đầu tư ra nước ngoài được cấp mới tại 26 quốc gia, vùng lãnh thổ và điều chỉnh 33 dự án đầu tư. Tổng vốn đầu tư đăng ký (bao gồm cả cấp mới và tăng vốn) đạt 2,12 tỷ USD, bằng dự kiến năm 2011. Một số dự án đầu tư quy mô lớn trong năm 2011 là Dự án Nhà máy thủy điện Hạ Sê San II tại Campuchia, có tổng số vốn đầu tư 806 triệu USD, công suất 400MW; Dự án viễn thông của Tập đoàn Viettel đầu tư sang Peru, với tổng số vốn đầu tư 408 triệu USD; Dự án Thủy điện Sê Kông 3 Thượng và Hạ lưu tại tỉnh Sê Kông, với tổng số vốn đầu tư 275,2 triệu USD, công suất thiết kế 205MW…

Vốn thực hiện và tình hình thực hiện dự án đầu tư ra nước ngoài theo báo cáo của các tập đoàn, doanh nghiệp có nhiều đầu tư ra nước ngoài cho thấy năm 2011, vốn thực hiện ước đạt khoảng 950 triệu USD. Trong đó, đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với tổng số vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài khoảng 347 triệu USD; đứng thứ hai là Tập đoàn Viettel với tổng số vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài khoảng 185 triệu USD; tiếp sau đó là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai…với tổng số vốn đầu tư chuyển ra nước ngoài lần lượt là 134,6 triệu USD, 161 triệu USD và 39 triệu USD…

Trong năm 2011, công tác quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài đã được chú trọng, biểu hiện qua một số hoạt động do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì liên quan đến các nội dung như rà soát về tình hình đầu tư ra nước ngoài theo hướng cân đối lại kế hoạch đầu tư, chuyển vốn ra nước ngoài trong năm 2011 cho phù hợp; thực hiện chính sách thắt chặt cho vay ra nước ngoài; công tác giám sát đầu tư ra nước ngoài và cuối cùng là các hoạt động kiểm tra tình hình đầu tư ra nước ngoài. Việc hoàn thiện hệ thống luật pháp về đầu tư ra nước ngoài cũng được triển khai đồng bộ. Song song với đó là công tác xúc tiến đầu tư ra nước ngoài ngày càng được đẩy mạnh.

Trong năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thành công các Hội nghị, xúc tiến đầu tư tại Campuchia, Myanmar và Lào nhân các chuyến thăm hữu nghị chính thức của Lãnh đạo Chính phủ tại các nước này; đồng thời cũng đã ký thoả thuận hợp tác xúc tiến đầu tư với Sri-lanka nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức của Chủ tịch nước đến nước này.

Gần 87 triệu USD vốn FDI đăng ký đầu tư vào Bình Định trong năm 2011

Năm 2011, Bình Định thu hút được 10 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 66,8 triệu USD, 07 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp và 03 dự án thương mại - dịch vụ. Cũng trong năm nay, tổng vốn giải ngân của các dự án FDI đạt gần 12 triệu USD.

Trong đó, UBND tỉnh cấp 4 dự án, tổng vốn 21,28 triệu USD. Cụ thể là Dự án tư vấn, quản lý sản xuất, kỹ thuật của Công ty TNHH Phát triển Năng lượng KST (Thái Lan), vốn đăng ký 3 triệu USD; Dự án sản xuất quần jeans của Công ty JKK Investment Limited (Xây Sen), vốn đăng ký 4 triệu USD; Khu nghỉ dưỡng cap cấp Ban Mai của Công ty TNHH Ban Mai (Canada), vốn đăng ký 14 triệu USD và Chi nhánh KFC tại Bình Định (Singapore), vốn đăng ký 280.000 USD. Khu Kinh tế, khu công nghiệp cấp 6 dự án, tổng vốn 45,52 triệu USD. Cụ thể là Nhà máy sản xuất VLXD Nhựa UPVC tại KKT Nhơn Hội, vốn đăng ký 5,6 triệu USD (Trung Quốc); Dự án Phong điện thí điểm tại KKT Nhơn Hội, vốn đăng ký 1,4 triệu USD (Đức); Nhà máy sản xuất và Kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm, vốn đăng ký 9,52 triệu USD (Thái Lan); Nhà máy thức ăn Gia súc Bình Định, vốn đăng ký 20 triệu USD (Thái Lan); Dự án sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, vốn đăng ký 4 triệu USD (Trung Quốc); dự án may của Công ty TNHH JWD Industries, vốn đăng ký 5 triệu USD (Hàn Quốc).

Ngoài ra còn có 1 dự án tăng vốn từ 48 triệu USD lên 68 triệu USD là Nhà máy gia công chất bột biến tính sắn Minh Dương Bình Định của Công ty TNHH Sinh hoá Minh Dương Việt Nam (Trung Quốc).

Tính đến nay Bình Định có 45 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 689,358 triệu USD, gồm 35 dự án 100% vốn nước ngoài và 10 dự án liên doanh hoặc có góp vốn giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Nếu chia theo loại hình thì có 36 doanh nghiệp, 8 chi nhánh sản xuất, 1 hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nếu chia theo lĩnh vực: Nông - Lâm - Ngư nghiệp: 5 dự án, vốn đăng ký: 29,950 triệu USD; Công nghiệp - Xây dựng : 23 dự án, vốn đăng ký: 229,648 triệu USD; Thương mại - Dịch vụ: 17 dự án, vốn đăng ký: 429,760 triệu USD.

Nhà đầu tư đến từ hầu hết các nước có tiềm lực kinh tế trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Đức, Úc, Singapore, Malaysia, Hong Kong, Thái Lan, Pháp.

 

NB, có sử dụng nguồn từ MPI