Rất cần sự quan tâm đặc biệt trong công tác xúc tiến đầu tư
23/12/2011

 

Ngày 22/12/2011, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức "Hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài khu vực Miền Trung - Tây Nguyên" dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

 

Ngày 22/12/2011, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức "Hội nghị giao ban đầu tư nước ngoài khu vực Miền Trung - Tây Nguyên" dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài.

Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo về tình đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam và của từng địa phương trong khu vực; thực trạng triển khai các dự án có quy mô vốn trên 50 triệu USD và vấn đề quản lý, theo dõi các dự án sau khi cấp phép; những định hướng, chính sách và công tác phối hợp hỗ trợ công tác xúc tiến đầu tư giữa các tỉnh thành với các cơ quan trung ương…Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Bá Cường cho rằng: Rất cần sự quan tâm đặc biệt trong công tác xúc tiến đầu tư, nhất là lãnh đạo của các địa phương.

Tại hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, BQL Khu kinh tế, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư các tỉnh, thành phố đã có những chia sẻ về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trong thời gian qua. Đặc biệt, các vướng mắc, tồn tại trong công tác theo dõi, quản lý đầu tư nước ngoài được thảo luận nhiều nhất.
Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết về đầu tư nước ngoài Chính phủ đã có Chỉ thị số 1617/CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì vậy các địa phương cần có hành động cụ thể. Về phân cấp quản lý đầu tư, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự chặt chẽ, do đó cần phải tăng cường phối hợp hơn nữa trong thời gian tới.

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên, hiện nay một số bộ, ngành còn chậm. Danh mục dự án cần chi tiết, thể hiện được tính khả thi thì mới có thể kêu gọi được nhà đầu tư.

Hội nghị cũng nhận được rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài, thủ tục đầu tư và quản lý dự án sau cấp phép. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư lược ghi một số ý kiến chính như sau:

- Việc thu hồi giấy phép đầu tư tại địa phương đang có nhiều bất cập, nhất là việc xử lý sau khi thu hồi.

- Cần xác định công tác xúc tiến phải có trọng điểm, lĩnh vực nào là quan trọng phù hợp với địa phương. Việc tham gia xúc tiến đầu tư chung của Chính phủ, bộ, ngành là rất quan trọng. Tuy nhiên, việc quan trọng không kém chính là sau khi tiến xúc chung chính quyền cần có những động thái tiếp cận ngay, lắng nghe và đưa ra những cam kết mạnh mẽ để các nhà đầu tư thực sự yên tâm hơn khi đầu tư vào địa phương mình.

- Việc xác định phương pháp theo dõi, giám sát một cách trực tiếp các dự án FDI là vô cùng quan trọng. Nhưng với tình hình nhân sự hiện nay, việc thành lập các đoàn kiểm xem ra khó khăn. Khó khăn tiếp theo là pháp luật hiện hành đang thiết kế theo tiêu chí thuận lợi hóa cho nhà đầu tư. Do vậy, nhiều địa phương hiện đang có hiện tượng “ba không”- không biết mặt nhà đầu tư (vì nhà đầu tư có thể ủy quyền giao hết cho một công ty tư vấn); không biết địa điểm (pháp luật không quy định thẩm tra địa điểm); không biết họ hoạt động như thế nào, trong đó "hai không" đầu là do cơ chế pháp luật hiện nay.

- Xác định vấn đề xúc tiến đầu tư là cơ bản nhưng công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều yếu tố tổng hòa khác, cụ thể như các yếu tố về cơ sở hạ tầng, sự ứng xử của các cơ quan chính quyền đối với nhà đầu tư.

- Chính phủ nên đánh giá đầy đủ hơn về mức độ đóng góp của các khu kinh tế cho đất nước và cho địa phương để có mức hỗ trợ phù hợp.

- Cụ thể hóa cơ chế thẩm tra năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài khi làm thủ tục đầu tư, ít ra là cũng mẫu hóa văn bản này.

- Các địa phương phải thực hiện việc Báo cáo về đầu tư nước ngoài quá nhiều, mẫu biểu phức tạp, rờm rà.

- Cần có cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vào làm công tác quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, đầu tư mở rộng (tức một nhà đầu tư có thể đầu tư nhiều dự án)

- Cần quy định rõ ràng hơn về bất động sản du lịch.

- Tách ngay thủ tục đăng ký kinh doanh với Giấy chứng nhận đầu tư của đầu tư nước ngoài cho tương thích với thủ tục của đầu tư trong nước.

- Cần quy định rõ về số liệu báo cáo, có tài liệu chứng minh về số liệu đó, nhất là vốn giải ngân.

- Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí xúc tiến đầu tư cho các địa phương và công khai thông tin này.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức tập huấn cho các địa phương về hình thức đầu tư PPP.

Ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến nêu ra và xem xét đưa vào Nghị định 108 sửa đổi và các văn bản liên quan, đồng thời ông đề nghị Hội nghị giao ban này sẽ tăng cường tổ chức thường xuyên để sớm nắm bắt tình hình từ các địa phương.

 

NB