Liên kết cùng phát triển
20/12/2011

 

Hội nghị “Hợp tác phát triển giữa các tỉnh nằm trong trục kinh tế Đông - Tây của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan” (diễn ra vào ngày 14.12 tại tỉnh Kon Tum), đã nhận định: Các tỉnh có nhiều điểm tương đồng, có thể hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh trong khu vực cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ... Ảnh: Hệ thống cảng biển của Bình Định đóng vai trò quan trọng trên trục hợp tác Đông - Tây, cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng sông Mê Kông

 

Hội nghị “Hợp tác phát triển giữa các tỉnh nằm trong trục kinh tế Đông - Tây của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan” (diễn ra vào ngày 14.12 tại tỉnh Kon Tum), đã nhận định: Các tỉnh có nhiều điểm tương đồng, có thể hỗ trợ nhau để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, các tỉnh trong khu vực cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ... Ảnh: Hệ thống cảng biển của Bình Định đóng vai trò quan trọng trên trục hợp tác Đông - Tây, cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng sông Mê Kông

Thế mạnh riêng

Tại Hội nghị, đại diện các tỉnh nằm trên trục kinh tế Đông - Tây của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan đã có bài giới thiệu về những thế mạnh riêng của địa phương mình. Theo đó, đối với 2 tỉnh Sisaket và Ubon Ratchathani của Thái Lan có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, du lịch, giáo dục, các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, dệt lụa... Tại tỉnh Sisaket có ngôi chùa Sisaket cổ kính với hơn 10.000 bức tượng lớn nhỏ, thu hút khá đông du khách. Tỉnh Ubon Ratchathani là nơi trung chuyển về hợp tác đầu tư và thương mại của toàn vùng, có Trường Đại học Ubon Ratchathani Rajabhat, là nơi đào tạo nguồn nhân lực có quy mô lớn trên các lĩnh vực quản trị kinh doanh, du lịch, quan hệ quốc tế… 

Các tỉnh Champasak, Sê Kông, Attapư của Lào có các ngành công nghiệp đang phát triển như: thủy điện, khai thác vàng, sản xuất phân vi sinh, chế biến gỗ, chế tác vàng bạc. Ngoài ra, các tỉnh này còn có nhiều loại khoáng sản quý như: sắt, đồng, vàng, than đá… Đặc biệt, mật độ dân số ở các tỉnh Nam Lào khá thưa, chỉ khoảng 25 người/km2. Lâu nay, việc thiếu nguồn nhân lực và cảng biển đã làm chậm sự phát triển của vùng đất giàu tiềm năng kinh tế này. Từ khi tuyến đường 18B (Lào) khánh thành, cửa khẩu quốc tế Bờ Y được mở rộng, hành lang Đông-  Tây nối liền từ Thái Lan, qua Lào, đến Việt Nam ra biển Đông thông thoáng, đã mở ra cơ hội mới cho các tỉnh Nam Lào tăng tốc phát triển.

Đối với 3 tỉnh Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi của Việt Nam, có những thế mạnh mà các tỉnh nằm trên trục kinh tế Đông - Tây của Thái Lan và Lào không có được. Trong đó, tỉnh Kon Tum có vị trí quan trọng của tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Camphuchia, có các quốc lộ 40, 24, 14 chạy qua, nối Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y với Khu kinh tế Dung Quất, cùng các cảng biển ở miền Trung. Hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi có tiềm năng lớn về cảng biển và kinh tế biển. Riêng Bình Định là cửa ngõ ra biển gần nhất, thuận lợi nhất của Tây Nguyên với các cảng biển đang hoạt động là cảng Quy Nhơn, cảng Thị Nại, Tân cảng. Trong tương lai gần, cảng biển Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội được xây dựng hoàn chỉnh, thì Bình Định đóng vai trò quan trọng trên trục hợp tác Đông - Tây, cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng sông Mê Kông.

Liên kết cùng phát triển

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Hội nghị “Hợp tác phát triển giữa các tỉnh nằm trong trục kinh tế Đông - Tây của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan” được hình thành dựa trên cơ sở xu thế hợp tác quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, không gian kinh tế ngày càng mở rộng; các tỉnh Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan); Champasak, Sê Kông, Attapư (Lào); Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum (Việt Nam) gặp nhau ở sự gần gũi về địa lý, có sự tương đồng về văn hóa, có những thế mạnh kinh tế riêng và cùng có nhu cầu hợp tác phát triển. Một trong những chiến lược quan trọng của sự hợp tác này là gia tăng các lợi ích, mở ra nhiều cơ hội đầu tư, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành viên trong khu vực. Điểm khởi đầu của trục hợp tác này xuất phát từ tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) qua một số tỉnh, đến các cảng biển của Bình Định và Quảng Ngãi, với chiều dài chỉ trên 1.000 km.

Ngoài xác định những tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong khu vực, vấn đề liên kết giữa các địa phương để cùng hợp tác phát triển cũng đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Hội nghị. Các thành viên tham gia Hội nghị đã tiến hành các phiên họp theo từng chủ đề, nhằm thảo luận, bàn biện pháp và cơ chế hợp tác trên các lĩnh vực. Theo đó, các thành viên đã thống nhất sẽ tổ chức kinh doanh du lịch lữ hành dọc tuyến thông qua ký kết giữa doanh nghiệp của các địa phương trong khu vực. Hợp tác trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê…), xây dựng các cơ sở chế biến tại các tỉnh trong khu vực. Phối hợp đầu tư xây dựng các dự án năng lượng, mạng lưới truyền tải điện; khai thác dự án thăm dò, chế biến khoáng sản…

Các tỉnh sẽ phối hợp kiến nghị Chính phủ của nước mình đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường trục kết nối các địa phương dọc tuyến, trước hết là nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ cửa khẩu Bờ Y-Phu Kưa đi Attapư (khoảng 50km). Ngoài ra, thông qua các cơ sở đào tạo của tỉnh mình, các tỉnh sẽ nghiên cứu các hình thức hợp tác và trao đổi đào tạo cán bộ, lưu học sinh; đào tạo ngôn ngữ (Thái, Lào, Việt). Các thành viên sẽ nghiên cứu thành lập Trung tâm thông tin thương mại, du lịch, đầu tư… giữa các tỉnh nhằm mục đích kết nối toàn tuyến để khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, phục vụ cho mục tiêu phát triển chung của khu vực.

Tại Hội nghị, bên cạnh nhiều ý kiến đóng góp quan trọng của mình, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc đã nhất trí cao các chương trình hợp tác mà Hội nghị đã đưa ra; đồng thời, khẳng định tỉnh Bình Định sẽ ủng hộ và làm hết sức mình để trục hợp tác kinh tế Đông - Tây sớm được hình thành và phát huy tiềm lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.

Hội nghị “Hợp tác phát triển giữa các tỉnh nằm trong trục kinh tế Đông - Tây của 3 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh: Ubon Ratchathani, Sisaket (Thái Lan); Champasak, Sê Kông, Attapư (Lào); Bình Định, Kon Tum, Quảng Ngãi (Việt Nam). Mục đích của Hội nghị là nhằm kết nối các địa phương để đạt mục tiêu khai thác hiệu quả tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, phục vụ cho mục tiêu phát triển chung của khu vực; thiết lập, tăng cường giao lưu và hợp tác phát triển kinh tế giữa các tỉnh trong khu vực. Trong đó các tỉnh: Ubon Ratchathani (Thái Lan), Champasak (Lào) và Bình Định (Việt Nam) được nhận định là giữ vai trò trọng tâm, là động lực chính.

 

Trương Chương (Nguồn: baobinhdinh)