VN giảm khả năng “hấp thụ” vốn FDI do… thiếu nhân lực
09/07/2008

 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề lao động và phát triển nguồn nhân lực đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình “hấp thụ” vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, số liệu về vốn FDI thực hiện trong những năm gần đây cho thấy những tín hiệu đáng ngại về khả năng hấp thụ này của Việt Nam. 

 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), vấn đề lao động và phát triển nguồn nhân lực đang đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình “hấp thụ” vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, số liệu về vốn FDI thực hiện trong những năm gần đây cho thấy những tín hiệu đáng ngại về khả năng hấp thụ này của Việt Nam. 

Thách thức trong phát triển nguồn nhân lực 

Mặc dù cam kết đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây đã đạt những kết quả vô cùng khích lệ, tuy nhiên kết quả này tạo dựng được chủ yếu từ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được nâng cao. Số liệu về vốn FDI thực hiện cho thấy những tín hiệu đáng ngại về khả năng hấp thụ vốn FDI của Việt Nam. Khoảng cách giữa vốn FDI cam kết và vốn thực hiện không ngừng doãng ra. Tốc độ tăng của vốn FDI thực hiện vì vậy thấp hơn rất nhiều tốc độ tăng của vốn cam kết. Ngay cả trong giai đoạn “nở rộ” của vốn FDI cam kết 2004-2006, tốc độ này chỉ đạt được 8% (2004), 16% (2005) và 20% (2006).  

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến khả năng hấp thụ thấp vốn FDI đó là hiện trạng phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Trong khi vốn FDI và dòng vốn đầu tư trong nước tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất, kinh doanh bất động sản và các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, du lịch..., vốn đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục lại rất hạn chế. 

Nếu như lao động làm việc trong các ngành công nghiệp sản xuất chế biến không cần khắt khe về trình độ học vấn và tay nghề, trong các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ ngân hàng, yêu cầu về trình độ là một trong những điểm tiên quyết. Cũng chính vì vậy nhu cầu về lao động chất lượng cao sẽ tăng lên nhiều và nhanh ở các doanh nghiệp (DN) FDI trong ngành dịch vụ và nhất là ngành dịch vụ ngân hàng.  

Nhìn chung lao động làm việc trong khu vực FDI có yêu cầu về trình độ cao hơn nhiều trong khu vực DN nhà nước và ngoài quốc doanh. Điều này khiến các DN FDI gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút lao động làm việc cho mình, bởi lẽ nguồn cung lao động dịch chuyển từ khu vực nhà nước và ngoài quốc doanh không dễ có thể thỏa mãn nhu cầu trình độ của các DN FDI. 

Những thông tin trên đã được phân tích tại Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2007 vừa được VCCI công bố. Từ đó, báo cáo khuyến nghị rằng với tốc độ cam kết vốn FDI hiện nay, nếu không có những chuẩn bị về nguồn lực lao động và có chính sách kinh tế hợp lý khuyến khích dịch chuyển lao động có tay nghề thì vị thế của Việt Nam dưới con mắt các nhà đầu tư nước ngoài rất dễ bị ảnh hưởng. 

DN nhỏ có khả năng trả nợ tốt hơn DN lớn 

Với chủ đề năm “Lao động và phát triển nguồn nhân lực” do TS Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện phát triển DN chủ biên, bản Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2007 tập trung phân tích năng lực DN trên 6 ngành kinh tế tiêu biểu: sản xuất thực phẩm, dệt may, xây dựng, du lịch, dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, trên các góc độ: lao động, tài chính, công nghệ, tiếp cận thị trường. 

Riêng ở vấn đề tài chính, bản Báo cáo lần này đề cập đến vấn đề vay nợ của các DN. “Các doanh nghiệp ngày càng lệ thuộc vào các khoản vay để phát triển sản xuất kinh doanh. Không chỉ tăng lên về mức độ vay nợ, tần suất vay nợ của các DN cũng tăng lên theo thời gian” - đó là nhận định được đưa ra trong Báo cáo. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho hay, nhìn từ góc độ tài chính, Báo cáo chỉ ra rằng, các DN trong 6 ngành được phân tích đều có khả năng thanh toán tốt các khoản nợ ngắn hạn. Mặc dù có quy mô nhỏ nhưng khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của các DN nhỏ tốt hơn nhiều so với các DN lớn. Tính thanh khoản của hàng hóa tồn kho trong các DN nhỏ cũng thường rất tốt và cao hơn nhiều so với các DN lớn.  

Tuy nhiên, phân tích các chỉ số nợ cho thấy, các DN ngày càng lệ thuộc vào các khoản vay để phát triển sản xuất kinh doanh.

Để đáp ứng nhu cầu của DN, các ngân hàng đang cho vay nợ nhiều hơn mức cho phép. Với việc không thỏa mãn tiêu chuẩn về tổng số nợ trên vốn tự có, các DN đã để lộ điểm yếu của mình. “Lạm phát ở VN đang ở mức rất cao cùng với ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, chắc chắn nhiều DN sẽ bị ảnh hưởng”, bà Hằng nói.  

Riêng với các DN dệt may, phân tích các chỉ số lợi nhuận, báo cáo cũng đưa ra những cảnh báo về tình hình kinh dooanh của DN trong ngành dệt may khi tỷ suất lợi nhuận của các DN dệt may trong suốt giai đoạn phân tích (2000-2006) luôn ở mức âm. 

Ngoài ra, báo cáo cũng nhắc nhở các DN trong ngành ngân hàng cần lưu ý tính hiệu quả trong việc sử dụng vốn tự có và kiểm soát nợ (các khoản phải thu).

 

Nguồn: Báo Hà Nội mới