Đến 2020, cả nước hình thành 13 cảng cạn
16/12/2011

 

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước hình thành 13 cảng cạn.

 

Theo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 cả nước hình thành 13 cảng cạn.

Cụ thể, miền Bắc hình thành 5 cảng cạn tại khu vực kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai; hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn; khu vực kinh tế Tây Bắc Hà Nội; khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội.

Miền Trung - Tây Nguyên hình thành 5 cảng cạn tại khu kinh tế Nghi Sơn; hành lang kinh tế đường 8, đường 12A; hành lang kinh tế đường 9; khu vực kinh tế Đà Nẵng - Huế; hành lang kinh tế đường 19.

Miền Nam hình thành 3 cảng cạn tại khu vực kinh tế Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực kinh tế Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh; khu vực kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long.

Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2020 xây dựng hệ thống cảng cạn đạt công suất khoảng 6 triệu TEU/năm, trong đó: miền Bắc đạt 1,2 triệu TEU/năm, miền Trung đạt 600 nghìn TEU/năm và miền Nam đạt 4,2 triệu TEU/năm.

Tiêu chí hình thành cảng cạn

Cảng cạn được hình thành trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế của vùng có khối lượng lớn hàng hóa xuất, nhập khẩu bằng container (trên 50 nghìn TEU) hoặc tại khu vực cửa khẩu quốc tế, các khu vực thường bị ùn, tắc giao thông do phương tiện vận tải hàng hóa gây nên (trên 30 nghìn TEU); gắn với các hành lang vận tải chính (trục giao thông quốc gia, quốc tế) tới cảng biển phục vụ phát triển kinh tế vùng.

Bên cạnh đó, cảng cạn phải được kết nối với cảng biển ít nhất 2 phương thức vận tải để tạo điều kiện tổ chức vận tải đa phương thức (ưu tiên vị trí cảng cạn gắn với phương thức có năng lực vận tải cao); kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông, sử dụng hợp lý các phương thức vận tải để có hiệu quả kinh tế và đảm bảo an toàn trong quá trình vận tải.

Trương Chương (Nguồn:Chinhphu.vn)