Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc tham dự hội nghị quốc tế tại Kon Tum
14/12/2011

 

Như tin đã đưa, sáng nay ngày 14/12/2011, tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh tham dự Hội nghị hợp tác phát triển giữa các tỉnh thuộc trục hợp tác Đông Tây (Việt Nam - Lào - Thái Lan). Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (thứ 4 từ phải sang) cùng trưởng đoàn các tỉnh tham dự Hội nghị

 

Như tin đã đưa, sáng nay ngày 14/12/2011, tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh tham dự Hội nghị hợp tác phát triển giữa các tỉnh thuộc trục hợp tác Đông Tây (Việt Nam - Lào - Thái Lan). Cùng đi, còn có lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, Công ty TNHH MTV Hong Yeung, Công ty Cp Khách sạn Hải Âu... Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày 15/12/2011. Ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (thứ 4 từ phải sang) cùng trưởng đoàn các tỉnh tham dự Hội nghị

Tham dự Hội nghị lần này gồm các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi và Kon Tum (Việt Nam), Attapu, Sekong, Champasak (CHDCND Lào), Ubon Ratchathani, Sisaket (Vương quốc Thái Lan), nhằm thảo luận các vấn đề liên quan đến ý tưởng hình thành một trục hợp tác kinh tế Đông Tây làm cơ sở giao lưu hợp tác toàn diện nhiều mặt, nhất là về thương mại, đầu tư và du lịch giữa các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung (Quảng Ngãi, Bình Định), Tây Nguyên (Kon Tum) với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan (Sisaket, Ubon Ratchathani) và Nam Lào (Champasak, Sekong, Attapu).

Việc xác lập quan hệ đa phương cấp tỉnh trên hành lang kinh tế có tổng chiều dài khoảng 1.000 km này, với tiềm lực kinh tế biển của Bình Định, Quảng Ngãi; với ưu điểm nằm ở ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Kon Tum là nơi hội tụ và giao thương của các tuyến đường quốc lộ 40, 14, 24; với thế mạnh về trồng cây công - nông nghiệp và du lịch của các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, khi tiềm năng này được đánh thức, Trục hợp tác Đông Tây hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành viên và của cả khu vực trong tương lai không xa nữa.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cũng đã có bài phát biểu quan trọng về vai trò của tỉnh Bình Định trong trục hợp tác Đông Tây này. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin giới thiệu bài phát biểu này của ông theo sau đây.

 

Bình Định, cửa ngõ ra biển của cả khu vực.

Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ Việt Nam, có tổng diện tích tự nhiên 6.025km2, bắc giáp tỉnh Quảng Ngãi, nam giáp tỉnh Phú Yên, tây giáp tỉnh Gia Lai, đông giáp Biển Đông, cách Thủ đô Hà Nội 1.065km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 686km, cách Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) 300km, cách tỉnh Champasak (CHDCND Lào) 600km, cách Ubon Ratchathani và Sisaket (Vương quốc Thái Lan) 1.000km.

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, xác định TP Quy Nhơn - Bình Định thành trung tâm tăng trưởng kinh tế phía Nam của vùng, là đầu mối giao thông đường bộ và cảng biển phục vụ trực tiếp cho vùng Tây Nguyên là một trong những ưu tiên.

Bình Định nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam (trên cả 4 tuyến Quốc lộ 1A, đường sắt xuyên Việt, đường hàng hải và đường hàng không nội địa), là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, nam Lào, đông bắc Campuchia và Thái Lan (bằng cảng biển quốc tế Quy Nhơn và Quốc lộ 19). Trong tương lai gần, cảng biển Nhơn Hội thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội được xây dựng sẽ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, tạo cho Bình Định một lợi thế vượt trội trong giao lưu khu vực và quốc tế.

Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134km, diện tích vùng lãnh hải khoảng 2.500km2 và trên 40.000km2 vùng đặc quyền kinh tế cùng với nguồn lợi hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao và các đặc sản quý hiếm như: cá thu, cá ngừ đại dương, tôm, mực, yến sào, tôm hùm, cua huỳnh đế... được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.

Với tiềm năng phát triển đa dạng, kết hợp chiến lược thu hút đầu tư thích hợp, Bình Định đang dần khẳng định là địa phương đầu tàu của miền Trung trong phát triển kinh tế, trong đó kinh tế biển là một thế mạnh của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, cảng Quy Nhơn - Bình Định là cảng tổng hợp quốc gia phục vụ chủ yếu cho các khu công nghiệp và trung chuyển các sản phẩm dầu.

Hiện tại, tại Quy Nhơn đã có hai cảng biển hoạt động rất hiệu quả là Cảng Quy Nhơn (5 triệu tấn/năm) và Cảng Thị Nại (1 triệu tấn/năm). Hai cảng này đang được tiếp tục đầu tư nâng cấp để tăng công suất hơn nữa.

Cùng với hai cảng hiện có, Bình Định còn có ba dự án xây dựng cảng đã được triển khai. Đó là dự án Cảng tổng hợp Nhơn Hội tại Khu kinh tế Nhơn Hội, rộng 165ha gồm Dự án Cảng tổng hợp thuế quan rộng 119 ha và Dự án Cảng phi thuế quan rộng 46ha, tổng công suất của 2 cảng này là 12 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng/năm… Thứ ba là Cảng Đống Đa, công suất 1,4 triệu tấn/năm, rộng 5 ha, đang xúc tiến đầu tư.

Trong tầm nhìn mới từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vai trò của biển Đông trong phát triển kinh tế của Việt Nam và khu vực đã được khẳng định là chiếc cầu nối cực kỳ quan trọng. Bởi Việt Nam nằm án ngữ trên các tuyến hàng hải huyết mạch thông thương giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, giữa Châu Âu, Trung cận Đông với Trung Quốc, Nhật Bản và các nước trong khu vực biển Đông. Trong đó, cảng biển Bình Định là cầu nối không thể thiếu của cả khu vực rộng lớn.

Như vậy, trong thời gian không xa nữa, cảng biển của Bình Định đóng vai trò hết sức quan trọng nhằm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực Tây Nguyên, là đầu mối quan trọng trên Trục hợp tác Đông - Tây, cửa ngõ ra biển Đông của tiểu vùng sông Mê Kông.

Du lịch biển là một trong những loại hình du lịch hấp dẫn nhất hiện nay của Bình Định.

Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng về du lịch biển và tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung, trong đó có Bình Định. Bình Định có đường bờ biển dài 134 km, với gần một nửa số huyện, thành phố giáp biển, được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh và bãi biển đẹp, với hàng chục bãi tắm lớn, nhỏ, trong đó có một số bãi tắm rộng hàng trăm ha và đa phần còn nguyên sơ như: Bãi biển Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Hải Giang, Nhơn Lý, Phú Hậu, Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh, Mũi Rồng - Tân Phụng, Tam Quan… Hầu hết các bãi biển của tỉnh đều tương đối bằng phẳng, cát trắng, nước biển trong xanh, ngập tràn ánh nắng và có cảnh quan đẹp, rất thuận lợi cho việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng thành các cụm, tuyến du lịch biển tập trung, liên hoàn, có thể khai thác tổ chức nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như: tắm biển, du lịch sinh thái biển, lặn biển, trượt cát, thả diều, câu cá, thể thao dưới nước…

Không chỉ có các thắng cảnh, bãi biển đẹp mà tỉnh ta còn có một số đảo nhỏ ven bờ, cùng nhiều vũng vịnh, đầm phá, gành rạn, cửa sông, cồn cát, rừng ngập mặn, rạn san hô cùng hệ thủy sinh hết sức phong phú và đa dạng.

Nhờ công tác đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch đi trước một bước nên hoạt động kêu gọi đầu tư phát triển du lịch biển trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây trở nên sôi động hẳn lên, thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Một loạt các khu du lịch, khách sạn cao cấp ven biển được mọc lên và dần khẳng định thương hiệu như: Life resort (Bãi Dài), resort Hoàng Gia - Quy Nhơn, khách sạn Sài Gòn - Quy Nhơn, khách sạn Hải Âu, Hoàng Yến …cùng nhiều khu du lịch nghỉ biển cao cấp đang triển khai xây dựng như: Khu du lịch Vĩnh Hội (Tập đoàn ITC - Hoa Kỳ) và Hải Giang (Tập đoàn Vincom) ,... Khi các dự án đầu tư phát triển du lịch nói trên đưa vào khai thác chắc chắn sẽ đưa du lịch Bình Định lên một tầm cao mới, trở thành một trong những trung tâm du lịch nghỉ biển hấp dẫn của cả nước, góp phần đưa ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Bình Định.

Khu kinh tế Nhơn Hội, hầu hết hoạt động đều gắn liền với biển, bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của Bình Định trong thời gian tới.

Bình Định đang tập trung đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội trở thành động lực phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và khu vực.

Khu kinh tế Nhơn Hội có diện tích đất tự nhiên khoảng 12.000 ha, được quy hoạch phát triển thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm 02 khu chức năng chính:

- Khu phi thuế quan có diện tích 530 ha, được chia ra nhiều phân khu chức năng, gồm có: Khu cảng và hậu cần cảng, Khu trung tâm điều hành, giao dịch và hành chính, khu sản xuất cho các xí nghiệp sản xuất hàng hoá xuất khẩu, khu kho tàng để lưu giữ hàng hoá và trung chuyển.

- Khu thuế quan bao gồm Khu công nghiệp 1.324 ha, Khu phong điện 283 ha, Khu đô thị mới 650 ha. Khu cảng tổng hợp 120 ha, Khu hậu cảng 51 ha, luồng vào cảng đáp ứng cho tàu có tải trọng đến 30.000 tấn và sẽ nâng cấp lên 50.000 tấn.

Nằm cách biệt trên bán đảo Phương Mai, Khu Kinh tế Nhơn Hội có quỹ đất lớn, gần như toàn bộ khu vực xây dựng là nền đất cao, không ngập lụt, cấu tạo địa chất bền vững, ổn định.

Đến nay, trong Khu kinh tế có 32 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với vốn đăng ký 32.506 tỷ đồng. Suất đầu tư bình quân khoảng 2 triệu USD/ha.

Hiện nay, nhiều dự án có quy mô lớn đang được xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế như: Dự án nhà máy lọc dầu quy mô 8 – 10 triệu tấn/năm (giai đoạn 1 sẽ triển khai với quy mô 3 triệu tấn/năm ) tại khu phi thuế quan do các Công ty TNHH Rayong, Công ty STFE, Thai Oil (Thái Lan) hợp tác đầu tư; Dự án luyện phôi và cán thép 01 triệu tấn/năm với giai đoạn 1: 500.000 tấn/năm do Tập đoàn Thanh Yến (Hoàn Cầu Group) đầu tư ….

1.000km, Trục hợp tác Đông Tây, phát huy tiềm kinh tế biển, rừng.

Với tiềm lực kinh tế biển của Bình Định, Quảng Ngãi; với ưu điểm nằm ở ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, Kon Tum là nơi hội tụ và giao thương của các tuyến đường quốc lộ 40, 14, 24; với thế mạnh về trồng cây công - nông nghiệp và du lịch của các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan, tôi cho rằng, nếu chúng ta biết đánh thức tiềm năng của nó, Trục hợp tác Đông Tây hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành viên và của cả khu vực trong tương lai không xa nữa.

Tuy nhiên, nội dung hợp tác nên tập trung vào những lĩnh vực hết sức thiết thực, cụ thể mà các bên có thế mạnh, hỗ trợ cho nhau. Các tỉnh thành viên phải vận động nhiều doanh nghiệp lớn cùng tham gia hợp tác. Tôi đề xuất nội dung Hội nghị lần này là mức gặp gỡ, bàn thảo, thống nhất khung hợp tác chung, sau đó trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ của mỗi nước xem xét, đồng thuận và ủng hộ.

Chính vì vậy, thông qua Hội nghị ngày, tôi đề nghị UBND các tỉnh Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum phải cùng nhau kiến nghị với Chính phủ quan tâm đến Trục hợp tác Đông Tây mà chúng ta đang thảo luận. Trước mắt là quan tâm đầu tư, nâng cấp các tuyến đường QL 19, QL24, QL14, QL 14E, QL40; tạo cơ chế chính sách thông thoáng và đặc biệt hơn nữa cho các Khu kinh tế Nhơn Hội, Dung Quất và Bờ Y.

Tôi cũng đề nghị các tỉnh Champasak, Attapu, SeKong (CHDCND Lào) và Ubon Ratchathani và Sisaket (Vương quốc Thái Lan) kiến nghị Chính phủ của nước mình tiếp tục đầu tư, nâng cấp các đường 11, 18B, 13, 16W (Lào) và 217, 212, 226 đi Ratchathani và Sisaket (Vương quốc Thái Lan); tạo cơ chế thông thoáng cho các khu công nghiệp dọc theo Trục hợp tác Đông Tây này.

Với tư cách là điểm cuối của Trục hợp tác Đông Tây, Bình Định sẽ ủng hộ và làm hết sức mình để Trục hợp tác Đông Tây sớm được hình thành và phát huy tiềm lực của nó trong phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực.

Xin cám ơn,

 

 

NB