FDI nhắm mốc 40 tỉ USD
17/07/2008

 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa đạt quy mô lớn, vừa tăng với tốc độ cao cả về vốn đăng ký (6 tháng ước đạt 31,6 tỉ USD, cao gấp 4,2 lần, cả năm có thể vượt qua mốc 40 tỉ USD, cao gấp đôi năm trước), cả về vốn thực hiện (6 tháng ước đạt 5 tỉ USD, tăng 37,5%, cả năm có thể vượt qua mốc 10 tỉ USD, tăng 25% so với năm trước).

 

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vừa đạt quy mô lớn, vừa tăng với tốc độ cao cả về vốn đăng ký (6 tháng ước đạt 31,6 tỉ USD, cao gấp 4,2 lần, cả năm có thể vượt qua mốc 40 tỉ USD, cao gấp đôi năm trước), cả về vốn thực hiện (6 tháng ước đạt 5 tỉ USD, tăng 37,5%, cả năm có thể vượt qua mốc 10 tỉ USD, tăng 25% so với năm trước).

Đó là kết quả nổi bật nhất về lĩnh vực kinh tế, thể hiện lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Kết quả này sẽ góp phần làm tăng thặng dư trong cán cân tổng thể và do đó làm tăng tính thanh khoản của quốc gia, góp phần tăng tỷ trọng kỹ thuật – công nghệ mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo vùng, tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu,…

Trong sự nổi bật trên, có sự xuất hiện của các dự án lớn, làm cho quy mô vốn bình quân một dự án trong 6 tháng qua đã lên tới 64,7 triệu USD, cao gấp hơn 6 lần quy mô vốn bình quân một dự án của cùng kỳ năm trước. Nhờ các dự án lớn này mà mới chỉ qua hơn 6 tháng, đã có 8 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 1 tỉ USD, đứng đầu là Đài Loan (gần 8,2 tỉ USD), tiếp đến là Nhật Bản (trên 7,1 tỉ USD), Brunei (trên 4,7 tỉ USD), Canada (trên 4,2 tỉ USD), Singapore (gần 3,6 tỉ USD), Quần đảo Virgin thuộc Anh (trên 2,7 tỉ USD), Malaysia (gần 1,6 tỉ USD), Hoa Kỳ (gần 1,4 tỉ USD).

 “Câu lạc bộ” các nước và các vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam tính từ năm 1988 đến nay đạt từ 1 tỉ USD trở lên lên đến 20 thành viên, tăng thêm 2 thành viên so với thời điểm cuối năm trước (đó là Canada và Brunei) và vị trí của các thành viên trong “Câu lạc bộ” cũng đã có sự đổi ngôi đáng kể. Cũng nhờ sự xuất hiện của các dự án này mà mới qua hơn 6 tháng đã có 8 địa bàn có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới lên đến từ 1 tỉ USD trở lên, đứng đầu là Hà Tĩnh (gần 7,9 tỉ USD), tiếp đến là Thanh Hóa (trên 6,2 tỉ USD), Bà Rịa – Vũng Tàu (trên 5,6 tỉ USD), Phú Yên (trên 4,7 tỉ USD), TP.HCM (trên 3,4 tỉ USD), Đồng Nai (gần 1,8 tỉ USD), Kiên Giang (trên 1,6 tỉ USD), Bắc Ninh (trên 1 tỉ USD).

“Câu lạc bộ” các địa bàn đạt từ 1 tỉ USD trở lên tính từ năm 1988 đến nay lên đến 20 thành viên, tăng thêm 5 so với thời điểm cuối năm trước (đó là Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Kiên Giang, Bắc Ninh, Thừa Thiên  - Huế). Và vị trí của các thành viên trong “Câu lạc bộ” cũng đã có sự đổi ngôi đáng kể. Đáng lưu ý, trong 20 thành viên trên, đồng bằng sông Hồng đóng góp 6 (năm nay thêm Bắc Ninh); vùng Đông Bắc đóng góp 1; Bắc Trung Bộ đóng góp 3 (mới thêm trong năm nay); duyên hải Nam Trung Bộ đóng góp 3; Tây Nguyên đóng góp 1; Đông Nam Bộ đóng góp 4; Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 2 (năm nay thêm Kiên Giang).

Trong các dự án lớn mới xuất hiện trong năm nay, đáng lưu ý có 5 - được gọi là các “siêu dự án” - được liệt kê dưới đây. Đứng đầu là dự án Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa do Tập đoàn Formosa của Đài Loan, với số vốn đăng ký lên đến gần 7,9 tỉ USD, đầu tư vào Hà Tĩnh. Dự án này sẽ góp phần đưa Hà Tĩnh từ vùng đất nghèo thành địa bàn khởi sắc, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng nhập khẩu lớn về sắt thép, phôi thép hiện nay với giá cả tăng cao.

Đứng thứ 2 là dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa của Nhật Bản và Kuwait liên doanh với số vốn đăng ký lên đến trên 6,2 tỉ USD. Nhờ dự án này, vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng sẽ có điều kiện khởi sắc trong thời gian tới; đất nước có thêm xi măng góp phần giảm lượng clinke và xi măng nhập khẩu, lại khai thác được nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ việc đầu tư xây dựng lớn.

Đứng thứ 3 là dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp Phú Yên của Công ty TNHH New City Properties Development (Brunei) với số vốn đầu tư trên 4,3 tỉ USD. Nhờ dự án này, Phú Yên đã có tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đến nay lên tới gần 6,7 tỉ USD, từ vị trí thứ 9 trong “Câu lạc bộ” vượt lên đứng thứ 8 trong “Câu lạc bộ” trong năm nay. Đứng thứ 4 là dự án Hồ Tràm trên địa bàn Bà Rịa – Vũng Tàu của Canada, với số vốn lên tới trên 4,2 tỉ USD. Đứng thứ 5 là dự án đầu tư vào Phú Quốc thuộc Kiên Giang, với số vốn đăng ký trên 1,6 tỉ USD.

Nguồn: Thanh Niên Online