Vốn ODA Nhật Bản, động lực cho Việt Nam
02/11/2011

 

Với lễ ký công hàm vào tối 31/10/2011 và lễ ký hiệp định tín dụng, diễn ra ngày hôm nay (2/11) tại Nhật Bản, quốc gia “mặt trời mọc” tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, với tổng cộng 1.778 tỷ yên.

 

Với lễ ký công hàm vào tối 31/10/2011 và lễ ký hiệp định tín dụng, diễn ra ngày hôm nay (2/11) tại Nhật Bản, quốc gia “mặt trời mọc” tiếp tục là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, với tổng cộng 1.778 tỷ yên.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, tối 31/10/2011 (giờ Nhật Bản), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki, thay mặt Chính phủ Nhật Bản, đã ký Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam hai khoản ODA vốn vay ưu đãi. Ngân khoản này bao gồm khoản ODA vốn vay thuộc đợt 1 tài khóa 2011, trị giá 71,65 tỷ yên và khoản ODA vốn vay để thực hiện Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện), trị giá 20,995 tỷ yên.

Trong tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản ngày 31/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao quyết định của Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản vay ODA nói trên.

Như Báo Đầu tư đã đưa tin, hai khoản ODA vốn vay vừa được ký kết sẽ dành để giúp Chính phủ Việt Nam triển khai 5 chương trình, dự án, bao gồm Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) (10 tỷ yên); Dự án Xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn (40,33 tỷ yên); Dự án Sử dụng vệ tinh quan sát trái đất để phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu (7,227 tỷ yên); Dự án Xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Bến Lức - Long Thành) (14,093 tỷ yên) và Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện) (20,995 tỷ yên).

Công hàm trao đổi được ký ngày 31/10 quy định các điều kiện khung cho việc cung cấp và sử dụng hai khoản ODA vốn vay nói trên. Trên cơ sở các điều kiện khung này, dự kiến, ngày hôm nay (2/11) tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Vương Đình Huệ và đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ ký 5 hiệp định tín dụng cụ thể cho 5 chương trình, dự án này.

Như vậy, kể từ khi nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào năm 1992 đến nay, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Chính phủ Việt Nam. Với 92,645 tỷ yên ODA vốn vay thông qua hai công hàm trao đổi được chính thức ký kết ngày 31/10, cam kết ODA (bao gồm viện trợ không hoàn lại và ODA vốn vay) của Chính phủ Nhật Bản dành cho Chính phủ Việt Nam từ năm 1992 đến nay đạt khoảng 1.778 tỷ yên.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn ODA của Nhật Bản đã được dành để triển khai các công trình và chương trình phát triển lớn của Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông - vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng đô thị…

Đáng nói là, nhiều trong số những dự án nói trên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, như đường số 5, Sân bay Tân Sơn Nhất, Nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ, cầu Bãi Cháy, cầu Thanh Trì, cảng Cái Mép - Thị Vải, đại lộ Đông - Tây… Và nay, với những cam kết ODA vừa được ký kết, sẽ có thêm những dự án quan trọng được xây dựng và đưa vào sử dụng, tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Không những vậy, vẫn còn rất nhiều dự án trọng điểm của Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Các dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Khu công nghệ cao Hoà Lạc và các nghiên cứu khả thi hai đoạn đường của tuyến đường sắt cao tốc Hồ Chí Minh - Nha Trang và Hà Nội - Vinh là những ví dụ điển hình.

Trong Tuyên bố chung Việt - Nhật, hai bên cũng đã cam kết hợp tác thúc đẩy thực hiện những dự án cơ sở hạ tầng quan trọng tại Việt Nam, như Dự án Sân bay quốc tế Long Thành thông qua mô hình đối tác công tư (PPP). Hai bên cũng nghiêm túc xem xét việc tiếp tục nghiên cứu Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5) bởi một tổ hợp công ty Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản cam kết tiếp tục xem xét hỗ trợ các dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Bãi Vọt, Nha Trang - Phan Thiết và các dự án tuyến đường tàu điện ngầm mới của TP. Hà Nội và TP.HCM, cũng như cam kết của Nhật Bản hỗ trợ các lĩnh vực ưu tiên, như xây dựng thể chế và năng lực, sử dụng chuyên môn và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.

Đây là những động thái rất tích cực cho thấy Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. Và những đồng vốn này sẽ hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai

Trương Chương (Nguồn: baodautu.vn)