Thúc đẩy giải ngân
18/07/2008

 

Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài năm 2008 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới với mục tiêu chính là đẩy mạnh giải ngân và tăng cường thu hút vốn FDI.

 

Cuộc đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài năm 2008 dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới với mục tiêu chính là đẩy mạnh giải ngân và tăng cường thu hút vốn FDI.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, điểm nổi trội trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thời gian qua là tỷ lệ dự án có vốn đầu tư với quy mô hàng tỷ USD rất cao. Đặc điểm này kéo theo yêu cầu về diện tích đất, lao động và các điều kiện hạ tầng khác cao hơn nhiều so với trước.

Nếu cộng thêm những tồn tại lâu nay của môi trường kinh doanh ở Việt Nam về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, giải phóng mặt bằng... thì mong muốn tạo nên những đột phá trong tình hình giải ngân nguồn vốn này không hề đơn giản. Mặc dù con số gần 5 tỷ USD giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2008 được coi là bước tiến rõ rệt trong hoạt động đầu tư nước ngoài, song theo ông Thắng, so với kỳ vọng, và đặc biệt là mong muốn của chính các nhà đầu tư khi quyết định làm ăn tại Việt Nam, khoảng cách vẫn còn xa.

Điểm lại tình hình, có thể thấy tỷ lệ khá lớn các dự án chậm triển khai có nguyên do từ công tác giải phóng mặt bằng. Có thể kể đến hàng loạt dự án đang nằm chờ đất như Dự án Xây dựng khách sạn 5 sao và Dự án sân golf 18 lỗ của Công ty liên doanh quốc tế Lạng Sơn được cấp phép từ năm 2004 đến nay vẫn chưa xong giai đoạn san lấp mặt bằng xây dựng; hai dự án của Công ty TNHH đầu tư Yu Fon và Yu Fu tại Vĩnh Phúc đều được cấp phép từ năm 2004 đến nay cũng chưa triển khai được do ách tắc ở khâu giải phóng mặt bằng.

Thậm chí, trong không ít trường hợp, việc không thể giải quyết được khó khăn này đã dẫn đến tình trạng một số dự án đang bị đề nghị rút giấy chứng nhận đầu tư. Ngoài Dự án Phát triển Hồ điều hoà Xương Rồng và Khu đô thị mới tại Thái Nguyên của Công ty TNHH INTRA Việt Nam (thuộc Tập đoàn INTRA- Nhật Bản), có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD được khởi công từ tháng 8 năm 2007 bị địa phương đề nghị rút giấy phép đầu tư do chậm trễ trong chuyển tiền thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, Dự án Khu du lịch South Fork đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp và 2 sân golf 18 lỗ tại Phan Thiết (Bình Thuận) của Công ty South Fork Development cũng đang bị UBND tỉnh Bình Thuận liệt vào danh sách có thể bị thu hồi giấy phép.

Tất nhiên, khó khăn nảy sinh không hẳn do thái độ "không nhiệt tình" của nhà đầu tư (như đánh giá của một số địa phương) mà còn do sự phối hợp chưa đồng bộ của địa phương khi giải quyết những vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng.

Dự án của South Fork là một thí dụ. Hệ quả là việc xác định được tính pháp lý về diện tích đất cũng như linh hoạt trong lựa chọn thủ tục giao đất gặp nhiều trở ngại. Trong trường hợp này, lời giải hữu hiệu nhất là sự chủ động phối hợp của chính quyền địa phương. Tất nhiên, sau khi đất đã được giao, nếu nhà đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ cam kết, lỗi khi đó thuộc về chủ đầu tư và việc rút giấy phép là khó tránh khỏi.

Ở đây, năng lực nhà đầu tư cũng đã được nhìn nhận là một nguyên nhân không nhỏ. Khá nhiều chủ đầu tư khi tiến hành lập dự án đã không nghiên cứu kỹ thị trường, khiến nhiều dự án sau khi khởi công đành để đấy hoặc xin giãn tiến độ vì chủ đầu tư cảm thấy không thực sự còn cơ hội. Một số dự án như Dự án trồng và chế biến sợi dứa tại Lạng Sơn của Công ty TNHH phát triển nông nghiệp Tả Giang (được cấp phép từ năm 2006 với tổng vốn đầu tư khoảng 3,2 triệu USD) đến nay vẫn chưa nhúc nhích.

Đó là chưa kể tới khả năng một số dự án tuy đã khởi động, song nếu các yêu cầu phục vụ triển khai, thực hiện dự án không được đáp ứng đồng bộ và kịp thời, việc duy trì tiến độ cũng không hề đơn giản. Dự án Cảng Cái Mép Gemadept Terminal Link (vốn đầu tư 520 triệu USD), Cảng Quốc tế Cái Mép (187 triệu USD) đều mới giải ngân được 10-20 triệu USD chỉ vì lý do bất khả kháng là đường 965 chưa kết nối với cảng nên chưa thể triển khai...

Hơn nữa, không thể không nhắc tới chính sự gia tăng nhanh của vốn đầu tư, trong đó có nguồn vốn FDI, cũng là một trong những sức ép lớn tới cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Chi phí đầu tư tại Việt Nam hiện trở nên khá đắt đỏ so với khu vực. Ví dụ như chi phí thuê văn phòng ở Hà Nội đang đứng ở vị trí thứ 5 trong khu vực châu Á; chi phí vận chuyển đường biển đến và đi từ Đà Nẵng hiện cao nhất khu vực, gấp rưỡi mức bình quân từ các nước châu Á; chi phí thuê nhà ở của người nước ngoài tại TP.HCM cũng đang ở mức xấp xỉ bằng giá thuê tại Singapore...

"Việc khởi động các cuộc đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương nắm bắt kịp thời yêu cầu và cả đề xuất từ phía các nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong triển khai dự án cho các nhà đầu tư. Sự thuận lợi của các dự án đi trước sẽ là động lực tốt cho các dự án tiếp sau", ông Thắng nói.

Tất nhiên, vào thời điểm này, theo ông Thắng, trách nhiệm và sự chủ động của các địa phương trong nỗ lực đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn FDI mang tính quyết định. Trong đề án đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn FDI mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai, các địa phương là chủ thể chính trong rà soát, phát hiện cũng như tháo gỡ các vướng mắc cụ thể của từng dự án.

Cuộc "cạnh tranh" về thu hút đầu tư FDI đang bắt đầu chuyển dần sang giai đoạn mới, đó là cạnh tranh trong thúc đẩy giải ngân dự án. Rõ ràng, khi khả năng hấp thụ dự án của địa phương tăng lên, sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư sẽ bền vững hơn rất nhiều.

Nguồn: Báo Đầu tư