Theo kế hoạch, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Thiện - Ủy viên TW Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy dẫn đầu sang thăm và làm việc tại các tỉnh Nam Lào từ ngày 16 - 25/10/2011. Cùng đi còn có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc và giám đốc các sở, doanh nghiệp liên quan. Ảnh: Lễ ký kết hợp tác tại tỉnh Sekong, năm 2005
Theo kế hoạch, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Thiện - Ủy viên TW Đảng, Bí Thư Tỉnh ủy dẫn đầu sang thăm và làm việc tại các tỉnh Nam Lào từ ngày 16 - 25/10/2011. Cùng đi còn có Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc và giám đốc các sở, doanh nghiệp liên quan. Ảnh: Lễ ký kết hợp tác tại tỉnh Sekong, năm 2005
Mục đích của chuyến công tác lần này là nhằm đánh giá tình hình triển khai các nội dung hợp tác mà tỉnh đã ký kết với các tỉnh Nam Lào (Champasak, Sekong, Attapu và Salavan) và thống nhất chương trình hợp tác trong thời gian tới.
Nhân dịp này, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư xin tổng hợp một số kết quả nổi bật của việc hợp tác này trong thời gian qua.
1. Về nông nghiệp
Tỉnh đã hỗ trợ các tỉnh Nam Lào lúa giống, bò và lợn giống, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi nông nghiệp và cử chuyên gia tổ chức xây dựng mô hình khuyến nông và hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho các bộ kỹ thuật nông nghiệp và nông dân.
Việc hỗ trợ giống cây trồng gắn liền với giúp xây dựng mô hình sản xuất và cử chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật đã đạt năng suất rất cao, được Bộ Nông Lâm nghiệp Lào đánh giá tốt.
Hỗ trợ trang thiết bị thú y, trang thiết bị thụ tinh nhân tạo bò và lợn; đào tạo nghiệp vụ thú y và tập huấn kỹ thuật thụ tinh nhân tạo gia súc.
2. Về giáo dục và đào tạo
Từ năm học 2002 - 2003 đến năm học 2009 - 2010, Trường ĐH Quy Nhơn đã nhận đào tạo khoảng 700 sinh viên Lào học tiếng Việt, phần lớn đều tiếp tục học Đại học và sau đại học ở các chuyên ngành khác nhau.
Cấp hỗ trợ hàng trăm suất học bổng học đại học và sau đại học tại trường Đại học Quy Nhơn với mức: 80USD/sinh viên đại học/tháng, 100USD/sinh viên cao học/tháng. Kinh phí chủ yếu từ ngân sách tỉnh và của các doanh nghiệp như Công ty Dược - TTB Y tế, Công ty Cao su Hữu nghị Lào Việt, Công ty BIDINA, Công ty TNHH Quân Đạt, Công ty Thép lá mạ Sóng Thần.
Trường Chính trị tỉnh đã mở lớp bồi dưỡng kiến thức hành chính công cho 70 cán bộ tỉnh Sekong và Attapu.
Hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh mua sắm dụng cụ dạy học, xây dựng Trường Hữu nghị Việt Lào (tại Sekong).
Tỉnh Bình Định cũng đã cử 11 cán bộ đi học tiếng Lào tại Đại học Champasak (gồm 4 cán bộ của doanh nghiệp và 7 cán bộ của cơ quan, kinh phí do tỉnh Champasak đài thọ).
3. Về Công Thương
Ngành Công Thương Bình Định đã ký kết nội dung hợp tác cụ thể và từng bước triển khai thực hiện với các tỉnh Nam Lào.
Tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp của tỉnh đi làm việc và khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại tại các tỉnh Nam Lào và Thủ đô Viên Chăn. Tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia gian hàng tại Hội chợ Thương mại Quốc tế tại Lào.
Các doanh nghiệp của tỉnh đã từng bước tìm hiểu khảo sát thị trường Lào và đã có các hoạt động thương mại bằng đường tiểu ngạch diễn ra thường xuyên tập trung vào các mặt hàng thuỷ hải sản, nông lâm sản.
4. Về y tế
Đào tạo ngắn hạn cho 6 cán bộ y tế của tỉnh Champasak tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đào tạo trung cấp y tế 2 năm cho 4 sinh viên của Attapư tại Trường Cao đẳng Y tế Bình Định (đã ra trường).
Các tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ y tế sang học tập và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn với ngành y tế Bình Định.
5. Về Văn hóa, thể thao, du lịch, giao thông vận tải
Bình Định cử huấn luyện viên giúp huấn luyện đội bóng đá tỉnh Champasak, tạo điều kiện cho đội bóng bạn sang thi đấu tập huấn tại Bình Định.
Ngành văn hoá cử đoàn cán bộ và các diễn viên tham gia chương trình giao lưu văn hoá với tỉnh Champasak nhân dịp kỷ niệm 32 năm Quốc khánh Lào 2007.
Sở Giao thông Vận tải cấp phép liên vận Việt - Lào thông qua cửa khẩu Bờ Y cho khoảng 300 lượt xe mỗi năm.
Từ năm 2006, Công ty Cổ phần vận tải và Kinh doanh tổng hợp tổ chức 2 tuyến vận tải hành khách là Quy Nhơn - Champasak và Quy Nhơn - Viên Chăn. Tuy nhiên, vì lượng khách đi lại còn ít, chưa hiệu quả nên tuyến Quy Nhơn - Viên Chăn phải dừng lại sau một thời gian hoạt động.
6. Về đầu tư, kinh doanh
a) Dự án liên doanh Nhà máy dược phẩm tại Champasak do Bidiphar liên doanh với Xí nghiệp Dược Champasak, tổng vốn đầu tư: 2 triệu USD, Bidiphar góp 80%, được cấp phép hoạt động trong 20 năm, từ năm 1994, hiện nay toàn bộ các quy trình kỹ thuật đã chuyển giao cho phía bạn.
b) Công ty Bidiphar đã triển khai trồng được khoảng 340ha cà phê tại Champasak.
c) Công ty TNHH Tân Đức Duy đang có dự án liên doanh với một công ty của tỉnh Attapư về lĩnh vực chế biến gỗ và đang làm thủ tục xin thuê 2.000 ha đất trồng cao su và cây lương thực.
d) Công ty Cổ phần xây lắp điện Tuy Phước đã thi công xong Đường dây truyền tải điện và đang hoàn tất dự án Thuỷ điện Xesou tại Attapư (đang xem xét giảm công suất từ 68MW xuống còn khoảng 28MW để tránh ngập đường).
đ) Dự án trồng 8.000 ha cây cao su, cây lấy gỗ và xây dựng Nhà máy chế biến mủ cao su tại tỉnh Sekong của Công ty Cao su Hữu nghị Lào - Việt (gọi tắt là LVF), liên doanh giữa Công ty Cổ phần cao su Bidiphar và Công ty CBF Pharma Co., Ltd, tổng vốn đầu tư: 20 triệu USD, Bidiphar góp 80%: Đến nay đã trồng được 3.000 ha cây cao su. Dự kiến trong năm 2011 sẽ khai hoang và trồng mới khoảng 50ha, ngoài ra còn trồng khoảng 200.000 cây keo và bạch đàn nhằm mục đích chắn gió cho cây cao su. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện 11.475.833 USD, riêng 6 tháng đầu năm 2011 vốn thực hiện là 500.000 USD.
e) Dự án trồng 10.000 ha cây cao su, cây lấy gỗ và xây dựng Nhà máy chế biến mũ cao su tại tỉnh Sekong của Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Bình Định(gọi tắt là Bidina). Tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, giai đoạn 1 đầu tư trên 12,5 triệu USD. Tính đến nay, Công ty đã trồng 2.452 ha cây cao su (đang sinh trưởng và phát triển tốt), trong năm 2011 Công ty không trồng mới mà chủ yếu chăm sóc diện tích cây cao su đã trồng. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện gần 180 tỷ đồng. Hiện phía Sekong đang thẩm định dự án nhà máy chế biến mủ cao su của Công ty Bidina để tiến hành các thủ tục thuê đất xây dựng.
Đối với các dự án đầu tư trồng cao su và cây công nghiệp, hai doanh nghiệp (Công ty Bidina và Công ty LVF) triển khai thực hiện bước đầu có kết quả khả quan, củng cố quyết tâm và lòng tin cho nhà đầu tư, làm tiền đề cho các giai đoạn kế tiếp và các dự án chế biến sau này. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp, chỉ có cây cao su và cà phê là cho năng suất cao, đây cũng là 2 loại cây sẽ tập trung đầu tư trong thời gian tới.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh với các doanh nghiệp Lào ở nhiều phương thức khác nhau.
* Đánh giá chung
Các nội dung hợp tác đã thực hiện nhìn chung đều mang tính thiết thực, vừa đáp ứng được nhu cầu của bạn vừa phù hợp với khả năng của tỉnh. Trong quá trình triển khai, UBND tỉnh đã chỉ đạo và các Sở, ngành đã linh hoạt điều chỉnh phương thức thực hiện đối với một số nội dung theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.
Bình Định đã thực hiện hầu hết các nội dung hỗ trợ đối với các tỉnh bạn, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp (hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng, xây dựng mô hình khuyến nông, cung cấp trang thiết bị Trung tâm chăn nuôi thú y, tập huấn cán bộ kỹ thuật), giáo dục - đào tạo - y tế (hỗ trợ học tiếng Việt, cấp học bổng, đào tạo cán bộ y tế).
Bên cạnh đó, Bình Định và và các tỉnh Nam Lào thường xuyên tổ chức nhiều lượt đoàn cán bộ sang thăm và làm việc, trao đổi kinh nghiệm với nhau ở nhiều cấp độ khác nhau mỗi năm.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư sẽ cập nhật hằng ngày thông tin mới nhất của chuyến đi lần này.
NB