Thực hiện Luật Doanh nghiệp: Còn vô số "thủ tục nhánh, cành"
21/11/2008

 

Nhận định trên được Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư đưa ra hôm qua 20.11, tại hội thảo sơ kết 2 năm thực hiện hai luật trên.

 

Nhận định trên được Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp (DN) và Luật Đầu tư đưa ra hôm qua 20.11, tại hội thảo sơ kết 2 năm thực hiện hai luật trên.

Số liệu của Tổ công tác cho thấy, 2 năm qua, số lượng DN đăng ký mới tăng lên rất nhanh. Năm 2006 có 46.500 DN đăng ký, tăng 25% so với năm 2005. 9 tháng đầu năm 2008 có gần 44.000 DN đăng ký, tăng 26% về số DN đăng ký và 27% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2007. Mỗi năm, khối DN tư nhân tạo ra nửa triệu công ăn việc làm mới cho người lao động. Tuy nhiên, quy mô các DN đăng ký mới còn nhỏ, thậm chí là rất nhỏ so với các nước khác. Có tới 90% DN nhỏ và vừa có quy mô lao động dưới 40 người, 80% có vốn dưới 5 tỉ đồng. 

 Tổ công tác cũng ghi nhận nhiều vấn đề làm cản trở hiệu lực thực hiện Luật DN. Ông  Nguyễn Đình Cung - Trưởng ban Nghiên cứu kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dẫn ra 20 nội dung hướng dẫn thực hiện luật trái hoặc chưa phù hợp với luật; chưa đơn giản hóa, chưa cụ thể hóa các quy định về điều kiện kinh doanh liên quan đến thực hiện Luật DN; quy trình xét duyệt đầu tư quá phức tạp… "Thủ tục đầu tư xây dựng ở các tỉnh khác nhau là không giống nhau, phức tạp, phiền hà, kéo dài hàng trăm ngày, có hàng chục thủ tục nhánh, hàng trăm thủ tục cành", ông Cung nhấn mạnh.  

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có tới 50% các DN sản xuất được hỏi cho rằng thủ tục hành chính còn quá rườm rà, phức tạp; 38,5% ý kiến cho biết, việc thực thi chính sách không ổn định, rõ ràng. Tổ công tác thi hành Luật DN và Luật Đầu tư nhận định: Đây là nguyên nhân làm hạn chế khả năng hấp thụ vốn của DN, mất cơ hội kinh doanh của DN và nền kinh tế, làm tăng chi phí đầu tư so với dự kiến, tạo đầu cơ, chủ nghĩa thân hữu, lạm dụng thân quen, hoặc "đục nước, béo cò" để trục lợi.  

Tổ công tác kiến nghị: "Trước mắt cần bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không còn hợp lý, bổ sung và đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành thông tư, quyết định ở các bộ, nhất là các thông tư, quyết định tác động hoặc liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và quyền lợi của DN".

Nguồn: Thanh Niên Online