Tình hình kinh tế tháng 8.2011: Nhiều chuyển biến tích cực
08/09/2011

 

Lạm phát dần hạ nhiệt, sản xuất công nghiệp (SXCN) và kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng trưởng trở lại; hoạt động du lịch có sự chuyển biến tích cực; lĩnh vực nông-lâm-thủy sản phát triển tương đối ổn định... là những tín hiệu tích cực của nền kinh tế tỉnh nhà trong tháng 8 vừa qua. Trong tháng 7 và 8.2011, lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc với các DN về tình hình sản xuất kinh doanh. nh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (người đứng) phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định.

 

Lạm phát dần hạ nhiệt, sản xuất công nghiệp (SXCN) và kim ngạch xuất khẩu (KNXK) tăng trưởng trở lại; hoạt động du lịch có sự chuyển biến tích cực; lĩnh vực nông-lâm-thủy sản phát triển tương đối ổn định... là những tín hiệu tích cực của nền kinh tế tỉnh nhà trong tháng 8 vừa qua. Trong tháng 7 và 8.2011, lãnh đạo tỉnh thường xuyên làm việc với các DN về tình hình sản xuất kinh doanh. nh: Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc (người đứng) phát biểu tại buổi làm việc với Tổng Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định.

Những điểm sáng

Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, tỉnh ta gặp nhiều yếu tố bất lợi ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Tuy nhiên, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, sau một thời gian tăng trưởng chậm, bước sang tháng 8, tình hình kinh tế của tỉnh đã xuất hiện những tín hiệu tích cực hơn. Cụ thể, KNXK tháng 8 trên địa bàn tỉnh đã tăng 8,4% so với cùng kỳ, đạt 20,4 triệu USD.

Về hoạt động SXCN, mặc dù vẫn còn gặp phải những yếu tố bất lợi, nhưng các doanh nghiệp (DN) SXCN trên địa bàn tỉnh đã dần khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Trong tháng 8, giá trị SXCN trên địa bàn tỉnh thực hiện đạt trên 578 tỉ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Trong đó, giá trị SXCN trong các khu công nghiệp (KCN) có sự tăng trưởng cao nhất.

Ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, cho biết: Từ đầu tháng 8 đến nay, DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã lấy lại được đà tăng trưởng. Giá trị SXCN trong các KCN thực hiện đạt 190,9 tỉ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm chế biến lâm sản thực hiện đạt 824,6 tỉ đồng, tăng 16,5%; nhóm chế biến đá granite thực hiện đạt 118,5 tỉ đồng, tăng 40%; nhóm sản xuất giấy, bao bì thực hiện đạt 90 tỉ đồng, tăng 13,2%...

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tại tỉnh ta tăng 0,85%, tăng chậm hơn so với mức tăng của tháng 7 (chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,91% so với tháng 6). Điều này cho thấy các biện pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ và của tỉnh đang từng bước phát huy hiệu quả…

Tiếp tục nỗ lực

Theo dự báo, tình hình kinh tế trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm vẫn còn  nhiều khó khăn, như: mặt bằng lãi suất cho vay đang còn ở mức cao; giá nhân công, nguyên vật liệu đầu vào tuy có chiều hướng tăng chậm lại, nhưng vẫn còn cao; thời tiết, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp, khó lường… Những bất lợi này sẽ tác động không tốt đến hoạt động phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 8, triển khai kế hoạch các tháng cuối năm 2011, vừa được UBND tỉnh tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định: Dù ở trong bối cảnh chịu tác động do tình hình kinh tế đất nước gặp khó khăn, nhưng UBND tỉnh vẫn nỗ lực tập trung chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Với những tín hiệu khả quan trong tháng 8, cộng với các giải pháp tích cực đang được các cấp, các ngành của tỉnh triển khai, UBND tỉnh phấn đấu thực hiện GDP năm 2011 đạt mức tăng trưởng 12%.

Trên tinh thần quyết tâm, quyết liệt, chủ động, các ngành kinh tế của tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể sẽ thực hiện trong thời điểm từ nay đến cuối năm. Trong đó, ngành Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, kêu gọi các dự án đầu tư có quy mô lớn vào địa bàn tỉnh. Chú trọng đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, như may mặc, chế biến gỗ, đá, thủy sản, đường… để tăng giá trị SXCN và KNXK. Tăng cường các biện pháp bình ổn giá thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là vào thời điểm cuối năm…

Đối với ngành Nông nghiệp, sẽ tập trung cho công tác chống hạn và phòng chống bão lụt; tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất các loại cây-con theo hướng hàng hóa; đồng thời, thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gắn với xuất khẩu…

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, đặc biệt là đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng còn yêu cầu các cấp, các ngành trong thời gian đến cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, như: quán triệt và thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; kiểm tra và xử lý kiên quyết các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, thủy sản, đảm bảo vượt lũ an toàn... 

Trương Chương (Nguồn: Báo Bình Định)